backup og meta

3 điều cần lưu ý khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch

3 điều cần lưu ý khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch

Khi bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc điều trị sẽ là cả một hành trình dài. Trong hành trình này, sẽ có những lưu ý bạn cần nhớ khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch để bệnh được kiểm soát hiệu quả và có thể an tâm tận hưởng cuộc sống. 

Giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý về máu xảy ra khi số lượng tiểu cầu bị suy giảm do các tế bào máu này bị phá hủy bởi hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ bị bầm tím, xuất huyết trên da, niêm mạc và lớp màng ngoài các cơ quan [9]. Dựa vào thời gian mắc bệnh, giảm tiểu cầu miễn dịch được phân thành 3 nhóm là cấp tính (dưới 3 tháng kể từ khi được chẩn đoán), dai dẳng (từ 3 đến 12 tháng kể từ khi được chẩn đoán) và mạn tính (hơn 12 tháng kể từ khi được chẩn đoán) [1]. 

Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có thể tự hồi phục mà không cần điều trị trong một vài trường hợp. Tuy nhiên, nếu số lượng tiểu cầu giảm thấp hoặc có dấu hiệu xuất huyết, người bệnh cần bắt đầu điều trị. [10] Việc điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch có thể là cả một hành trình dài, nhất là nếu bệnh ở giai đoạn mạn tính. Vậy làm thế nào để điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch hiệu quả? Cần lưu ý gì khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch? Hello Bacsi mời bạn xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về những điều cần lưu ý khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch nhé!

1. Xác định mục tiêu điều trị và tìm hiểu về các phương án điều trị theo mục tiêu

Lưu ý khi mắc giảm tiểu cầu miễn dịch

Để điều trị và kiểm soát bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch hiệu quả, Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (ASH) khuyến khích bạn và bác sĩ phải cùng nhau thảo luận để xác định đúng mục tiêu điều trị nhằm có phương án điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh cũng như lối sống của bạn [15]. Một số mục tiêu khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch có thể là: [2] 

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống hằng ngày: Việc điều trị sẽ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng, từ đó giúp bạn cảm thấy tốt hơn về mặt thể chất lẫn tinh thần. 
  • Giảm thiểu và kiểm soát các tác dụng phụ: Hầu hết các phương pháp điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch đều gây ra tác dụng phụ. Trước khi bắt đầu điều trị, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương án giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của các tác dụng phụ này đến cuộc sống hằng ngày. 
  • Nâng cao số lượng tiểu cầu: Việc điều trị cần giúp đạt được số lượng tiểu cầu mục tiêu, ít nhất là 20.000 đến 30.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu. 
  • Ngăn ngừa tình trạng chảy máu: Việc điều trị sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu nghiêm trọng để bạn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày và theo đuổi đam mê. 

Ngoài việc xác định được mục tiêu điều trị của bản thân, bạn cũng sẽ cần tìm hiểu về các phương án điều trị theo mục tiêu để có thể dễ dàng trao đổi với bác sĩ. Hiện để điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ có 4 phương pháp chính và được chia làm 2 hàng:

Phương pháp điều trị hàng 1 (Phương pháp được lựa chọn đầu tiên) 

  • Corticosteroid giúp ngăn ngừa chảy máu bằng cách giảm tốc độ phá hủy tiểu cầu [4], [11]. Corticosteroid có thể làm tăng lượng tiểu cầu trong vòng 2 – 3 tuần [4]. Tuy nhiên, phương pháp này vì có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng cân, các vấn đề về giấc ngủ và thay đổi tâm trạng, kích ứng dạ dày, tăng đường huyết, nổi mụn… [5] Bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo điều trị và báo cáo các triệu chứng, các tác dụng phụ (nếu có) cho bác sĩ điều trị. 

Phương pháp điều trị hàng 2 (Phương pháp điều trị tiếp theo) 

  • Thuốc đồng vận thụ thể thrombopoietin: Giúp ngăn chặn xuất huyết bằng cách tăng sản xuất tiểu cầu ở tủy xương. Eltrombopag (thuốc uống) và Romiplostim (thuốc tiêm dưới da) là hai thuốc TPO-RA được FDA chấp thuận sử dụng cho người lớn bị giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính [14].
  • Rituximab: Một loại kháng thể đơn dòng hoạt động bằng cách ngăn chặn cách hệ thống miễn dịch hoạt động để làm tăng số lượng tiểu cầu trong máu [3]. Đây là loại thuốc tiêm truyền, cần được sử dụng tại bệnh viện [16].
  • Cắt lách: Nếu bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc vẫn không thuyên giảm dù đã điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt lách, cơ quan phá hủy tiểu cầu chính trong cơ thể. Việc cắt lách sẽ ngăn chặn quá trình phá hủy tế bào máu và giúp cải thiện số lượng tiểu cầu trong máu [12.] 

2. Đảm bảo bản thân thoải mái với phương án điều trị

Lưu ý khi mắc giảm tiểu cầu miễn dịch

Khi giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc kiểm soát và điều trị bệnh có thể là một hành trình kéo dài suốt đời. Đây là lý do tại sao bạn cần phải cảm thấy thoải mái khi điều trị bởi việc điều trị không chỉ ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày

của bạn. Nếu cảm thấy thoải mái, việc điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ không trở nên mệt mỏi, chán nản và bạn sẽ không cảm thấy thất vọng vì bệnh đang “cản trở” cuộc sống mà bạn mong muốn. 

Để giúp bác sĩ có thể hiểu hơn về việc các phương pháp điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch đang ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn sẽ cần cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin sau: [13] 

  • Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập hoặc đời sống xã hội của bạn không? 
  • Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có ảnh hưởng đến mức năng lượng, chẳng hạn như việc vận động và tập thể dục của bạn không? 
  • Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có ảnh hưởng đến các công việc hàng ngày hoặc những hoạt động bạn yêu thích không? 
  • Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có ảnh hưởng đến việc bạn giúp đỡ những người gần gũi với mình không? 

Việc chia sẻ những thông tin trên với bác sĩ sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của bệnh cũng như các phương pháp điều trị đến cuộc sống của bạn để từ đó đưa ra những phương án điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, nếu tác dụng phụ của các phương pháp điều trị làm cản trở đến cuộc sống hằng ngày, khiến bạn thấy chán nản, không muốn tiếp tục điều trị, bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra cách khắc phục phù hợp [6].

3. Tuân thủ điều trị – Lưu ý quan trọng khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch

Lưu ý khi mắc giảm tiểu cầu miễn dịch

Giảm tiểu cầu miễn dịch ở người lớn đa phần là tình trạng mạn tính (kéo dài suốt đời) và khi số lượng tiểu cầu càng thấp thì bạn càng dễ bị xuất huyết/ chảy máu tự phát, cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể [8]. Chính vì vậy, trong quá trình điều trị, việc tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu việc điều trị không thực hiện đúng hoặc “bỏ dở” việc điều trị giữa chừng, các triệu chứng của bệnh sẽ có thể không được kiểm soát và có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề như [8]: 

  • Vết cắt và vết thương chảy máu không ngừng. Chẳng hạn, nếu sơ ý cắt trúng tay, bạn có thể sẽ khó cầm máu do không đủ lượng tiểu cầu để khiến máu đông lại.
  • Chảy máu kéo dài trong kỳ kinh nguyệt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày và chất lượng cuộc sống.
  • Thiếu máu và dẫn đến mệt mỏi quá mức, khiến bạn khó duy trì thói quen thường ngày và làm tăng nguy cơ bị chấn thương.
  • Xuất huyết đường tiêu hóa khiến người bệnh nôn ra máu, đi ngoài ra máu…
  • Xuất huyết có thể xảy ra ở não, còn được gọi là xuất huyết nội sọ. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nhưng rất hiếm xảy ra ở người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch.

Những vấn đề này không chỉ khiến chất lượng cuộc sống đi xuống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì thế, hãy tuân thủ việc điều trị một cách nghiêm ngặt để tận hưởng cuộc sống mà bạn mong muốn nhé!

Qua những chia sẻ trên, Hello Bacsi mong bạn sẽ hiểu thêm về những lưu ý khi điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch. Hy vọng bạn sẽ có một cái nhìn toàn diện và thực tế hơn về bệnh để có thể điều trị hiệu quả và an tâm tận hưởng cuộc sống! 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Gaurav Kistanguri,  Keith R. McCrae, Immune Thrombocytopenia, Hematol Oncol Clin North Am. 2013 Jun; 27(3): 495–520. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3672858/ Ngày truy cập: 13/05/2022 

2. Updated international consensus report on the investigation and management of primary immune thrombocytopenia, American Society of Hematology, https://ashpublications.org/bloodadvances/article/3/22/3780/428877/Updated-international-consensus-rep ort-on-the Ngày truy cập: 13/05/2022 

3. Immune Thrombocytopenia Treatments, UCSF Health, https://www.ucsfhealth.org/conditions/immune-thrombocytopenia/treatment Ngày truy cập: 13/05/2022 

4. Idiopathic Thrombocytopenic Purpura, Johns Hopkins Medicine, https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/idiopathic-thrombocytopenic-purpura Ngày truy cập: 13/05/2022 

5. ITP Treatments: Know Your Options, Healthline, https://www.healthline.com/health/understanding-itp/itp-treatment-options Ngày truy cập: 13/05/2022

6. Ask the Expert: Managing Your Idiopathic Thrombocytopenic Purpura Treatment, Healthline, https://www.healthline.com/health/idiopathic-thrombocytopenic-purpura/ask-the-expert#Are-there-side-eff ects-of-treating-ITP?-Risks?- Ngày truy cập: 13/05/2022 

7. Mental Health and Treatment in Patients with Immune Thrombocytopenia (ITP); Data from the Platelet Disorder Support Association (PDSA) Patient Registry, Science Direct, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0006497118602915 Ngày truy cập: 13/05/2022

8. Possible Complications of Untreated ITP, Healthline, https://www.healthline.com/health/understanding-itp/complications-of-untreated-itp#1 Ngày truy cập: 13/05/2022 

9. ITP, National Cancer Institute, https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/itp. Ngày truy cập 03/5/2022.

10. Idiopathic thrombocytopenic purpura (ITP), Department of Health, https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/idiopathic-thrombocytopenic-purpura-i tp. Ngày truy cập 01/5/2022. 

11. Management of Immune Thrombocytopenia (ITP), American Society of Hematology, https://www.hematology.org/-/media/Hematology/Files/Education/Clinicians/Guidelines-Quality/Document s/ASH-ITP-Pocket-Guide-FOR-WEB-1204.pdf Ngày truy cập: 06/05/2022 

12. Immune thrombocytopenia (ITP), Mayo Clinic, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/idiopathic-thrombocytopenic-purpura/diagnosis-treatment/ drc-20352330 Ngày truy cập: 06/05/2022 

13. Psychometric Evaluation of ITP Life Quality Index (ILQI) in a Global Survey of Patients with Immune Thrombocytopenia, Springer Link, https://link.springer.com/article/10.1007/s12325-021-01934-0 Ngày truy cập: 06/05/2022 

14. Deborah Siegal, Mark Crowther, Adam Cuker, Thrombopoietin Receptor Agonists in Primary ITP, Semin Hematol. 2013 Jan; 50(0 1): S18–S21., https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3658154/ Ngày truy cập: 06/05/2022

15. Cindy Neunert, Deirdra R. Terrell, Donald M. Arnold, George Buchanan, American Society of Hematology 2019 guidelines for immune thrombocytopenia, Blood Adv. 2019 Dec 10; 3(23): 3829–3866., https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6963252/ Ngày truy cập: 06/05/2022

16. Rituximab (Intravenous Route), Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/rituximab-intravenous-route/precautions/drg-20068057# Ngày truy cập: 16/05/2022

Phiên bản hiện tại

03/01/2023

Tác giả: Phối Linh

Tham vấn y khoa: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch như thế nào? Làm sao để tối ưu hiệu quả điều trị?

5 bí quyết sống khỏe cùng bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch


Tham vấn y khoa:

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Huyết học · Viện Huyết học Truyền máu Trung ương


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 03/01/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo