Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ em có thể khiến tình trạng bầm tím hay xuất huyết xảy ra thường xuyên hơn do các tế bào tiểu cầu bị phá hủy [1]. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em mắc bệnh đều cần điều trị [5].
Trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch có thể thường xuyên gặp phải tình trạng bầm tím hay xuất huyết do cơ thể tự tấn công và phá hủy các tế bào tiểu cầu [1], [2]. Hầu hết trường hợp, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa biết rõ nhưng có thể là do: [3]
- Vấn đề ở hệ miễn dịch
- Nhiễm virus như thủy đậu
- Tác động từ một số thuốc hay vaccine
Ở trẻ em, giảm tiểu cầu miễn dịch thường diễn tiến cấp tính, không kéo dài quá 3 tháng và tự hồi phục trong vòng vài tuần hay vài tháng. Chỉ một số ít trường hợp bệnh ở trẻ trở thành mạn tính (kéo dài hơn 12 tháng). Nếu bệnh kéo dài khoảng từ 3 – 12 tháng kể từ khi được chẩn đoán thì được gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch dai dẳng [3], [4].
Để chẩn đoán liệu trẻ có bị giảm tiểu cầu miễn dịch hay không, bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi về tiền sử bệnh và yêu cầu làm một số xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu toàn phần, phết máu ngoại biên, chọc hút tủy xương [5].
Việc điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi cũng như sức khỏe tổng thể. Nhìn chung, tiên lượng của căn bệnh này ở trẻ em rất tốt, cơ thể sẽ ngừng tạo kháng thể tấn công vào tiểu cầu và trẻ có thể tự hồi phục trong vòng 6 tháng [1], [2].
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch cần phải được thăm khám định kỳ để kiểm tra số lượng tiểu cầu [2]. Dù không phải mọi trường hợp đều cần phải điều trị nhưng việc làm xét nghiệm máu và thực hiện các biện pháp để hạn chế tình trạng chảy máu luôn là việc cần thiết [5]. Và để có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ cũng như cách chăm sóc, mời bạn xem tiếp hình minh họa sau đây.
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã nắm được những thông tin cơ bản về bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ cũng như cách chăm sóc. Không phải mọi trường hợp trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch đều cần phải điều trị nhưng việc làm xét nghiệm máu và thực hiện các biện pháp để hạn chế tình trạng trẻ bị chảy máu luôn là việc cần thiết khi chăm sóc [5].