Lựa chọn được phương pháp điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch phù hợp sẽ giúp bạn vừa kiểm soát được bệnh vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống và nhịp sinh hoạt hàng ngày [2].
Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) là bệnh lý làm giảm số lượng tiểu cầu do các tế bào máu này bị phá hủy bởi hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ xuất hiện những vết bầm và xuất huyết trên da, niêm mạc, các cơ quan [1].
Bệnh có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc tạm thời nếu không kéo dài quá 3 tháng (giảm tiểu cầu miễn dịch cấp tính). Trường hợp này chủ yếu xảy ra ở trẻ em và thường tự hồi phục trong vòng vài tuần hay vài tháng. Nếu bệnh kéo dài từ 3-12 tháng từ lúc được chẩn đoán thì được xem là giảm tiểu cầu miễn dịch dai dẳng. Và khi bệnh kéo dài hơn 12 tháng hay lâu hơn thì gọi là mạn tính [2], [7].
Nếu không điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ gì? Giảm tiểu cầu miễn dịch có chữa được không nếu trở thành mạn tính và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về những phương pháp điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch và cách tối ưu hiệu quả điều trị qua bài viết sau nhé!
Điều gì xảy ra nếu không điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch?
Giảm tiểu cầu miễn dịch ở người lớn đa phần là tình trạng mạn tính (kéo dài suốt đời) và khi số lượng tiểu cầu càng thấp thì bạn càng dễ bị xuất huyết/ chảy máu tự phát. Nếu không điều trị để điều chỉnh số lượng tiểu cầu thì tình trạng xuất huyết có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng [3].
Cụ thể, nếu không điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch, bạn có thể gặp phải các vấn đề như: [3]
- Chảy máu không cầm được khi có vết cắt hay bị thương do không đủ lượng tiểu cầu để hình thành cục máu đông. Máu vẫn có thể tiếp tục chảy hoặc lâu cầm dù vết thương đã được băng lại. Nếu bạn không thể cầm máu tại vết thương sau 10 phút, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
- Tình trạng xuất huyết/ chảy máu quá mức có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu ở người bệnh. Phụ nữ bị giảm tiểu cầu miễn dịch có thể dễ bị thiếu máu hơn do lượng máu chu kỳ kinh ra nhiều hơn bình thường.
- Thiếu máu do giảm tiểu cầu miễn dịch có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi gây ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.
- Xuất huyết nội tạng có thể xảy ra ở não, còn được gọi là xuất huyết nội sọ. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nhưng rất hiếm xảy ra ở người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch.
- Xuất huyết nội tạng ở đường tiêu hóa khiến người bệnh nôn ra máu, đi ngoài ra máu… cũng có thể xảy ra.
Với những người bị giảm tiểu cầu miễn dịch ở mức độ nhẹ, sẽ có trường hợp không cần điều trị nhưng vẫn phải theo dõi số lượng tiểu cầu thường xuyên để can thiệp kịp thời nếu có bất thường [4].
Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch bằng cách nào?
Để lựa chọn phương pháp điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch, bác sĩ sẽ dựa trên: [4], [6]
- Số lượng tiểu cầu
- Mức độ xuất huyết
Ngoài ra, bác sĩ còn đánh giá các yếu tố khác để xác định cách điều trị cụ thể cho từng người bệnh như: [7]
- Tuổi tác, sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh
- Khả năng dung nạp của người bệnh với từng loại thuốc hay liệu pháp điều trị
- Dự đoán về diễn biến của bệnh
- Kỳ vọng và mong muốn của người bệnh
Phương pháp điều trị hàng 1
Khi cần phải điều trị, hai phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên (phương pháp điều trị hàng 1) thường là: [7]
- Corticosteroid: Ngăn ngừa xuất huyết bằng cách giảm tốc độ phá hủy tiểu cầu. Nếu hiệu quả, số lượng tiểu cầu sẽ tăng lên trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó chịu, kích thích dạ dày, tăng cân, tăng huyết áp, mụn trứng cá.
- Truyền tĩnh mạch gamma globulin: Đây là một loại protein chứa nhiều kháng thể giúp làm chậm quá trình phá hủy tiểu cầu. Hình thức này đem lại hiệu quả nhanh hơn dùng thuốc corticosteroid, có tác dụng trong vòng 24-48 giờ.
Phương pháp điều trị hàng 2
Trong trường hợp các phương pháp điều trị ban đầu không làm giảm bớt các triệu chứng, thuốc corticosteroid đang dùng không còn hiệu quả hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ cần thay đổi phương án điều trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tiếp theo sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng bệnh và trao đổi với từng người bệnh [8], [10]. Theo hướng dẫn từ ASH, các phương pháp điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch hàng 2 gồm: [8]
- Các thuốc đồng vận thụ thể thrombopoietin (TPO-RA): Giúp ngăn chặn xuất huyết bằng cách tăng sản xuất tiểu cầu ở tủy xương [6]. Eltrombopag (thuốc uống) và Romiplostim (tiêm dưới da) là hai thuốc TPO-RA được FDA chấp thuận sử dụng cho giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính [10].
- Rituximab: Đây là một kháng thể đơn dòng nhắm vào các tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm sản xuất kháng thể tấn công tiểu cầu [6]. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm truyền với liều 375mg/m2 mỗi tuần một lần trong 4 tuần [11].
- Cắt lách: Để giảm tốc độ phá hủy tiểu cầu vì lách là vị trí hoạt động mạnh nhất trong quá trình hủy tiểu cầu [7]. Phương pháp này có thể được chỉ định nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc vẫn không thuyên giảm dù đã điều trị bằng thuốc [12].
Mỗi phương pháp điều trị hàng 2 này đều có khả năng là lựa chọn hiệu quả. Do đó, việc điều trị nên được cá nhân hóa dựa trên thời gian điều trị, tần suất các đợt xuất huyết cần phải nhập viện hoặc cấp cứu, bệnh đồng mắc, sự tuân thủ điều trị, chi phí và mong muốn của mỗi người bệnh [8]. Vì thế, bạn nên chủ động tìm hiểu về các phương pháp điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch để có thể trao đổi và cùng bác sĩ đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.
Làm sao để tối ưu hiệu quả điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch?
Khi ở giai đoạn cấp tính, việc dùng thuốc corticosteroid có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh chuyển sang mạn tính, việc điều trị có thể sẽ kéo dài hơn. Do đó, bạn nên tìm hiểu về các phương pháp điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch xem có tác động như thế nào đến cuộc sống. Đồng thời, bạn cũng cần xác định mục tiêu điều trị và chia sẻ với bác sĩ để tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất [13].
Bên cạnh đó, một số người bệnh cảm thấy tốt hơn khi thay đổi chế độ ăn hoặc lối sống. Nếu điều trị đúng cách, căn bệnh này có thể thuyên giảm trong một thời gian dài, có khi đến cuối đời. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tái phát lại và không có cách nào dự đoán trước [9]. Chính vì vậy, để kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra cũng như có thể sống vui khỏe với bệnh, quan trọng nhất là bạn nên thực hiện đủ các xét nghiệm, theo dõi bệnh và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ [3].
Qua những chia sẻ trên, hi vọng bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về các cách điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch. Giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tuy nhiên, nếu có phương án điều trị phù hợp, bạn không chỉ kiểm soát bệnh hiệu quả mà còn có thể thực hiện được các hoạt động yêu thích trong cuộc sống hàng ngày.