Nhiễm trùng máu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Bệnh thường diễn ra đột ngột và tiến triển nhanh chóng nhưng dấu hiệu lại mờ nhạt. Bệnh này có thể đe dọa đến tính mạng khi phát hiện muộn. Vậy, nhiễm trùng máu sống được bao lâu?
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây!
Nhiễm trùng máu là gì?
Trước khi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề nhiễm trùng máu sống được bao lâu thì bạn nên hiểu bản chất của nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi sinh vật (vi khuẩn, virus hoặc nấm) xâm nhập vào máu và gây nên nhiễm trùng. Cơ thể sẽ phản ứng quá mức để chống lại tác nhân nhiễm trùng và làm hỏng các mô trong chính cơ thể. Nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng máu thường bắt đầu ở phổi, đường tiết niệu, da hoặc đường tiêu hóa. Quá trình chống nhiễm trùng sẽ khiến các cơ quan hoạt động kém hiệu quả và trở nên rối loạn.
Nhiễm trùng máu nặng có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng, dẫn đến tổn thương mô nặng, suy cơ quan nội tạng. Đây là một tình trạng cần được cấp cứu y tế khẩn cấp, nguy cơ đe dọa tính mạng là rất lớn. Vậy, người bị nhiễm trùng máu sống được bao lâu?
Bạn có thể quan tâm: Nhiễm trùng máu và ung thư máu: Điểm giống và khác nhau
Nhiễm trùng máu sống được bao lâu?
Nhiễm trùng máu sống được bao lâu thì vẫn không có con số chính xác, bởi nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh (nhẹ hay nặng)
- Tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
- Cấp cứu kịp thời hay không
- Các bệnh lý nền mắc kèm theo
- Khả năng đáp ứng với điều trị.
Nhiễm trùng máu có khả năng gây tử vong cao tới 50% tùy thuộc vào loại vi sinh vật gây nhiễm trùng. Theo thống kê, ngay cả khi được điều trị sớm, nhiễm trùng máu vẫn có thể gây tử vong ở khoảng 20% bệnh nhân.
Nhiễm trùng máu sống được bao lâu tùy thuộc mức độ bệnh
Nhiễm trùng máu sống được bao lâu tùy thuộc vào việc có phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hay không.
Hầu hết trường hợp nhiễm trùng máu nhẹ đều có thể hồi phục.
Tuy nhiên, nhiễm trùng máu nặng sẽ dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, gan và thận.
Nhiễm trùng máu nghiêm trọng có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng. Sốc nhiễm trùng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể đang cố gắng chống lại nhiễm trùng, dẫn đến tụt huyết áp gây nguy hiểm. Khi huyết áp giảm, các mô bị thiếu máu giàu oxy, làm suy các cơ quan và có thể làm bệnh nhân tử vong. Tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm trùng là khoảng 40%.
Nhiễm trùng máu sống được bao lâu tùy vào khả năng đáp ứng điều trị
Điều trị sớm bằng kháng sinh và truyền dịch tĩnh mạch để duy trì mức huyết áp sẽ giúp cải thiện cơ hội sống sót. Những người bị nhiễm trùng máu cần được theo dõi và điều trị chặt chẽ trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện. Các biện pháp cấp cứu có thể cần thiết để ổn định nhịp thở và chức năng tim mạch.
Nhiễm trùng máu sống được bao lâu tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với điều trị. Các biện pháp giúp cứu sống bệnh nhân có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh. Điều trị kháng sinh nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Kháng sinh phổ rộng có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn, thường được sử dụng đầu tiên. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đổi sang một loại kháng sinh khác để chống lại loại vi khuẩn cụ thể đang gây nhiễm trùng.
- Truyền dịch tĩnh mạch. Việc sử dụng dịch truyền tĩnh mạch nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
- Thuốc vận mạch. Nếu huyết áp vẫn còn quá thấp ngay cả sau khi đã truyền dịch qua đường tĩnh mạch, bạn có thể được dùng thuốc vận mạch để giúp làm co mạch máu và tăng huyết áp.
- Các loại thuốc khác. Bạn có thể được điều trị bằng các thuốc sau: corticosteroid liều thấp, insulin để giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, thuốc điều chỉnh phản ứng của hệ thống miễn dịch, thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần.
- Thở oxy và lọc máu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân có thể cần hỗ trợ oxy hoặc sử dụng máy thở. Nếu thận đã bị ảnh hưởng, bạn có thể cần phải lọc máu.
- Phẫu thuật. Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ các nguồn lây nhiễm, chẳng hạn như áp xe, mô nhiễm trùng hoặc mô hoại tử.
Ai có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng máu?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng máu và tử vong. Như đã nói ở trên, nhiễm trùng máu sống được bao lâu sẽ tùy thuộc vào tuổi tác, bệnh lý nền và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị nhiễm trùng máu:
- Người lớn tuổi (trên 65 tuổi)
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu
- Bệnh tiểu đường
- Ung thư
- Bệnh thận hoặc bệnh gan mãn tính
- Sử dụng kháng sinh hoặc corticosteroid trước đây.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về lý do tại sao một số người bị nhiễm trùng lại bị nhiễm trùng máu nặng, tiến triển thành sốc nhiễm trùng và tử vong, trong khi những người khác thì bị nhẹ hơn.
Bạn có thể quan tâm: Dinh dưỡng cho bệnh nhân nhiễm trùng máu
Nhiều người sau khi bị nhiễm trùng máu nhẹ có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, những người khác thì gặp phải các biến chứng lâu dài, bao gồm tổn thương nội tạng vĩnh viễn và rối loạn về tâm thần. Vì vậy, thay vì lo lắng nhiễm trùng máu sống được bao lâu, bạn nên tập trung vào điều trị nhằm giảm nguy cơ tử vong vì bệnh.