backup og meta

Xét nghiệm D-dimer

Xét nghiệm D-dimer

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm D-dimer là gì?

Nếu bạn bị chấn thương, cơ thể sẽ tự động tiến hành quá trình đông máu nhằm ngăn chặn tình trạng xuất huyết quá nhiều. Khi máu ngưng chảy, cơ thể tiếp tục thực hiện các bước phá vỡ huyết khối để các tế bào hồng cầu tiếp tục lưu thông bình thường.

D-dimer là một trong các sản phẩm của quá trình phá vỡ cục máu đông, thường sẽ hòa lẫn vào dòng chảy hồng cầu và cần một khoảng thời gian trước khi biến mất hoàn toàn. Theo các chuyên gia, nồng độ D-dimer trong máu cao có thể cảnh báo về sự hiện diện của huyết khối.

Do đó, họ sẽ áp dụng phương pháp định lượng D-dimer để kiểm tra tình trạng đông máu cũng như những vấn đề sức khỏe liên quan. Thủ thuật này còn gọi là xét nghiệm D-dimer.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm D-dimer?

Về cơ bản, vai trò của xét nghiệm là:

  • Hỗ trợ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe đang diễn ra.
  • Loại trừ một hoặc nhiều vấn đề có thể gây nên những triệu chứng bất thường ở người bệnh.

Tùy theo mục đích cuối cùng của bác sĩ, xét nghiệm D-dimer có thể được dùng theo cả hai cách trên, bao gồm:

Loại trừ trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu và những tình trạng sức khỏe liên quan

Theo các chuyên gia, xét nghiệm này hữu dụng nhất khi bác sĩ tin rằng các triệu chứng bất thường ở bạn không xuất phát từ những bệnh lý như sau:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu, với các dấu hiệu sưng đỏ và đau nhức ở chân.
  • Thuyên tắc phổi, xảy ra khi huyết khối đã di chuyển đến phổi, từ đó gây ra dấu hiệu khó thở, nhịp tim nhanh, tức ngực và ho nhiều.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, xét nghiệm D-dimer chỉ hữu ích nếu bạn thật sự không có huyết khối trong người. Ngoài ra, nếu kết quả dương tính, bạn sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để kiểm tra lại độ chính xác của kết quả trên, ví dụ như:

  • Chụp CT
  • Siêu âm
  • Xạ hình phổi

Ngược lại, nếu tỷ lệ xuất hiện cục máu đông tương đối cao, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một hoặc nhiều xét nghiệm khác nhằm đảm bảo độ chính xác của kết quả chẩn đoán. Điều này thường xảy ra ở những người:

  • Mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid, liên quan đến hệ miễn dịch
  • Bị bệnh đông máu bẩm sinh
  • Đã từng trải qua ca đại phẫu, ví dụ như thay khớp gối
  • Từng chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy chân
  • Ít vận động, thường xuyên ngồi hoặc nằm bởi nhiều lý do
  • Mang thai hoặc vừa sinh con
  • Mắc một số bệnh ung thư

Chẩn đoán đông máu nội mạch lan tỏa

Đôi khi xét nghiệm D-dimer cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán đông máu nội mạch lan tỏa (DIC). Bệnh đề cập đến tình trạng nhiều huyết khối hình thành trong tĩnh mạch, trực tiếp gây xuất huyết nội và ngoại. Do đó, các nhà nghiên cứu đánh giá cao mức độ nghiêm trọng của vấn đề sức khỏe này.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị đông máu nội mạch lan tỏa, người bệnh cũng cần thực hiện xét nghiệm D-dimer nhằm đánh giá kết quả trị liệu. Nồng độ D-dimer trong máu thấp dần theo thời gian thể hiện kết quả điều trị tốt như mong đợi.

Điều cần thận trọng

Xét nghiệm D-dimer có nguy hiểm không?

Hầu hết trường hợp, thủ thuật rút máu bằng kim tiêm an toàn cho mọi người. Những triệu chứng như đau nhói, chảy máu hoặc bầm tím ngay tại vị trí kim đâm vào hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, vài người còn có thể cảm thấy chóng mặt.

Tuy nhiên, trong tình huống hy hữu, một số rủi ro cũng có thể phát sinh gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Xuất huyết
  • Ngất xỉu

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Đối với xét nghiệm D-dimer, bạn không cần phải đặc biệt chuẩn bị gì trước khi thực hiện. Tuy nhiên, vì các chuyên gia phân loại thủ thuật này vào nhóm xét nghiệm máu nên bạn sẽ cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Không ăn uống trong vòng 8 – 12 giờ trước khi làm xét nghiệm.
  • Ngưng dùng thuốc, chất bổ sung cũng như thảo dược nhằm tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Mặt khác, trước khi ngừng sử dụng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Đồng thời, hãy thông báo với họ về bất kỳ tiền sử bệnh lý đặc biệt nào của bạn. Điều này giúp hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh biến cố không mong muốn.

Trong khi thực hiện

Lúc này, chuyên viên y tế (có thể là bác sĩ hoặc y tá) sẽ sử dụng kim tiêm để rút một lượng nhỏ hồng cầu từ tĩnh mạch ở bắp tay. Kỹ thuật này thường diễn ra nhanh chóng và được thực hiện trong phòng cấp cứu nhằm đảm bảo độ tiệt trùng của mẫu máu.

Sau khi thực hiện

Trừ khi bác sĩ có chỉ định đặc biệt, phần lớn trường hợp bạn có thể quay về sau khi lấy máu. Ngoài ra, bạn có thể nhận kết quả trong vài ngày tới.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm D-dimer là gì?

Thực tế, mỗi phòng xét nghiệm sẽ có quy trình định lượng D-dimer khác nhau. Do đó, khái niệm về kết quả bình thường cũng không giống nhau. Chính vì vậy, bạn nên yêu cầu bác sĩ giải thích chi tiết để hiểu rõ hơn về ý nghĩa kết quả xét nghiệm của mình.

Thông thường, một kết quả xét nghiệm D-dimer có thể rơi vào những trường hợp sau:

Kết quả âm tính

Đối với xét nghiệm D-dimer, âm tính là kết quả hợp lệ. Điều này có nghĩa là bạn không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến cục máu đông, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi.

Kết quả dương tính

Kết quả dương tính cho thấy hàm lượng D-dimer trong cơ thể bạn cao hơn mức cho phép. Tuy nhiên, điều này chỉ chứng tỏ bạn có nguy cơ cao có cục máu đông trong mao mạch chứ không khẳng định hoàn toàn.

Thêm vào đó, ngoài nguyên nhân huyết khối, kết quả dương tính còn có khả năng xảy ra bởi một số yếu tố như:

  • Nhiễm trùng
  • Các bệnh về gan
  • Ung thư
  • Mang thai
Mang thai ảnh hưởng kết quả xét nghiệm D-dimer
Phụ nữ mang thai có thể có nồng độ D-dimer cao hơn bình thường.

Mặt khác, xét nghiệm D-dimer cũng không thể chỉ ra vị trí cũng như nguyên nhân hình thành huyết khối, nếu có. Vì vậy, để xác định rõ hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại, bạn sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is the D-Dimer Test? https://www.webmd.com/dvt/what-is-the-d-dimer-test#1. Ngày truy cập 02/01/2020.

D-Dimer. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=167&contentid=d_dimer. Ngày truy cập 02/01/2020.

D-dimer test. https://labtestsonline.org/tests/d-dimer. Ngày truy cập 02/01/2020.

Phiên bản hiện tại

18/03/2020

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thói quen ăn uống không lành mạnh khiến nhiều người trẻ dễ thiếu máu, thiếu sắt?

Nhận diện bệnh Giảm tiểu cầu miễn dịch


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 18/03/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo