Tìm hiểu về bệnh hạ natri máu
Bệnh hạ natri máu là gì?
Natri trong máu giúp kiểm soát lượng nước trong và xung quanh các tế bào trong cơ thể.
Hạ natri máu là tình trạng khi natri trong máu quá thấp do một số điều kiện y tế, một số loại thuốc hoặc do uống quá nhiều nước.
Do mức natri thấp, nên lượng nước trong cơ thể tăng lên và khiến các tế bào sưng. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau. Một số vấn đề có thể nhẹ, một số khác có thể nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nồng độ natri trong máu bình thường là 135-145mEq/l. Nếu nồng độ này dưới mức 135mEq/l, bạn bị hạ natri máu.
Triệu chứng hạ natri máu
Những dấu hiệu và triệu chứng hạ natri máu là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng hạ natri máu có thể bao gồm:
- Buồn nôn và ói mửa
- Đau đầu
- Nhầm lẫn
- Mất năng lượng, buồn ngủ và mệt mỏi
- Bồn chồn và cáu kỉnh
- Yếu cơ, co thắt hoặc chuột rút
- Động kinh
- Hôn mê
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Đi cấp cứu ngay nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng của hạ natri máu, chẳng hạn như buồn nôn và nôn, nhầm lẫn, co giật hoặc mất ý thức.
Đến gặp bác sĩ nếu biết bạn có nguy cơ hạ natri máu và đang bị buồn nôn, đau đầu, chuột rút hoặc yếu cơ. Tùy thuộc vào mức độ và thời gian của các dấu hiệu và triệu chứng này, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị khẩn cấp.
Nguyên nhân hạ natri máu
Nguyên nhân hạ natri máu là gì?
Natri đóng một vai trò quan trọng đối với các hoạt động trong cơ thể của bạn. Nó giúp duy trì huyết áp bình thường, hỗ trợ công việc của các dây thần kinh và cơ bắp, đồng thời cân bằng dịch trong cơ thể.
Nhiều tình trạng sức khỏe và các yếu tố lối sống có thể dẫn đến hạ natri máu, bao gồm:
- Thuốc. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau, có thể can thiệp vào quá trình hoạt động của nội tiết tố và thận. Nội tiết tố và thận giúp giữ nồng độ natri trong phạm vi bình thường.
- Các vấn đề về tim, thận và gan. Suy tim sung huyết và một số bệnh ảnh hưởng đến thận hoặc gan có thể khiến dịch tích tụ trong cơ thể bạn, làm loãng natri, do đó gây hạ natri máu.
- Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp. Trong tình trạng này, cơ thể sản xuất nồng độ hormone chống bài niệu (ADH) cao, khiến cơ thể bạn giữ nước thay vì bài tiết bình thường qua nước tiểu.
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa mãn tính hoặc nghiêm trọng hay các nguyên nhân khác gây mất nước. Điều này khiến cơ thể bạn mất chất điện giải, chẳng hạn như natri, đồng thời làm tăng nồng độ hormone chống bài niệu.
- Uống quá nhiều nước. Uống quá nhiều nước có thể gây hạ natri huyết bằng cách áp đảo khả năng bài tiết nước của thận. Bạn thường mất natri qua mồ hôi, do đó uống quá nhiều nước trong các hoạt động sức bền, chẳng hạn như chạy đường dài và ba môn phối hợp, cũng có thể làm loãng hàm lượng natri trong máu.
- Thay đổi nội tiết tố. Suy tuyến thượng thận (bệnh Addison) ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone của tuyến thượng thận giúp duy trì cân bằng natri, kali và nước của cơ thể. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp cũng có thể gây ra mức natri trong máu thấp.
- Sử dụng thuốc lắc. Loại thuốc này làm tăng nguy cơ hạ natri máu nặng và thậm chí gây tử vong.
Nguy cơ hạ natri máu
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ hạ natri máu?
Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ hạ natri máu:
- Tuổi tác. Người lớn tuổi thường có nhiều yếu tố nguy cơ gây hạ natri máu, bao gồm tuổi tác, dùng một số loại thuốc và khả năng mắc bệnh mãn tính. Các yếu tố này làm thay đổi cân bằng natri trong cơ thể.
- Một số loại thuốc. Các loại thuốc làm tăng nguy cơ hạ natri máu bao gồm thuốc lợi tiểu thiazide cũng như một số thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau.
- Tình trạng làm giảm bài tiết nước của cơ thể. Các tình trạng y tế có thể làm tăng nguy cơ hạ natri máu bao gồm bệnh thận, hội chứng hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH) và suy tim.
- Hoạt động thể chất chuyên sâu. Những người uống quá nhiều nước trong khi chạy đường dài, ba môn phối hợp và các hoạt động cường độ cao, sẽ có nguy cơ bị hạ natri máu.
Chẩn đoán và điều trị hạ natri máu
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những yếu tố nào giúp chẩn đoán hạ natri máu?
Do các triệu chứng hạ natri máu có thể thay đổi từ người này sang người khác, nên bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định chẩn đoán. Họ có thể hỏi bạn về bệnh sử và sau đó làm kiểm tra thể chất. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm để chắc chắn chẩn đoán.
Những phương pháp nào giúp chẩn đoán hạ natri máu?
Việc điều trị hạ natri máu nhằm mục đích giải quyết nguyên nhân cơ bản.
Nếu bạn bị hạ natri máu dạng nhẹ và mãn tính do chế độ ăn uống, thuốc lợi tiểu hoặc uống quá nhiều nước, bác sĩ có thể đề nghị tạm thời uống ít nước. Họ cũng có thể đề nghị điều chỉnh việc sử dụng thuốc lợi tiểu để tăng mức natri trong máu.
Nếu bị hạ natri máu mức độ nặng, cấp tính, bạn sẽ cần điều trị tích cực hơn, bao gồm:
- Truyền dịch.
- Thuốc. Bạn có thể dùng thuốc để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của hạ natri máu, chẳng hạn như đau đầu, buồn nôn và co giật.
Hạ natri máu có nguy hiểm không?
Đối với hạ natri máu mãn tính (nồng độ natri giảm dần trong 48 giờ hoặc lâu hơn), các triệu chứng và biến chứng thường ở mức độ trung bình hơn.
Đối với hạ natri máu cấp tính, nồng độ natri giảm nhanh chóng dẫn đến các tác động nguy hiểm tiềm ẩn, chẳng hạn như sưng não nhanh chóng, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ bị tổn thương não liên quan đến hạ natri máu cao nhất. Điều này có thể do ảnh hưởng của hormone giới tính đến khả năng cân bằng nồng độ natri của cơ thể.
Phòng ngừa hạ natri máu
Những biện pháp tại nhà nào giúp bạn phòng ngừa hạ natri máu?
Các biện pháp sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa hạ natri máu:
- Điều trị các điều kiện liên quan. Điều trị các tình trạng có thể góp phần gây hạ natri máu, chẳng hạn như suy tuyến thượng thận, có thể giúp ngăn ngừa hạ natri máu.
- Tự nâng cao nhận thức bản thân. Nếu bạn có một tình trạng y tế làm tăng nguy cơ hạ natri máu hoặc dùng thuốc lợi tiểu, hãy lưu ý các dấu hiệu và triệu chứng của natri máu thấp. Luôn luôn nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro của một loại thuốc mới.
- Hãy thận trọng trong các hoạt động cường độ cao. Các vận động viên chỉ nên uống nhiều nước khi họ đổ mồ hôi trong lúc thi đấu hoặc tập luyện. Trong tình trạng bình thường, bạn chỉ nên uống nước vừa đủ với mức quy định.
- Uống nước uống thể thao. Khi phải vận động hoặc thi đấu ra nhiều mồ hôi, bạn có thể dùng nước uống thể thao có chất điện giải thay vì nước thường.
- Uống nước điều độ. Uống nước rất quan trọng cho sức khỏe, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ nước mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng uống quá nhiều. Khát nước và màu sắc của nước tiểu thường giúp bạn xác định cơ thể có đang thiếu nước hay không. Nếu bạn không khát và nước tiểu có màu vàng nhạt, cơ thể đã nhận đủ nước.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.