Tìm hiểu chung
Brucella là bệnh gì?
Brucella là bệnh nhiễm khuẩn lây lan từ động vật sang người. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm cho cả người và động vật. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm do dùng sản phẩm chưa tiệt trùng từ động vật bị nhiễm bệnh. Hiếm hơn nữa, các vi khuẩn gây bệnh brucella có thể lây lan qua không khí hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh. Lây truyền từ người sang người rất hiếm.
Mức độ phổ biến của bệnh brucella
Bệnh ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người và động vật trên toàn thế giới. Tránh dùng các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng và sử dụng các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với động vật hoặc trong phòng thí nghiệm để ngăn ngừa bệnh brucella.
Các triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh brucella là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh brucella bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đổ mồ hôi
- Yếu đuối
- Mệt mỏi
- Đau khớp, cơ bắp và lưng
- Đau đầu
- Ho
- Đau bụng
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bệnh brucella có thể khó xác định, vì thường giống nhiều tình trạng khác như bệnh cúm. Đi gặp bác sĩ nếu bạn có một số triệu chứng dưới đây:
- Bị đau cơ kéo dài.
- Yếu mệt bất thường và có bất kỳ yếu tố nguy cơ đối với căn bệnh này.
- Sốt dai dẳng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra bệnh brucella?
Bệnh brucella có thể lây truyền từ động vật sang người do:
- Các sản phẩm không tiệt trùng: vi khuẩn brucella có trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh có thể lây lan sang người qua sữa chưa tiệt trùng, kem, bơ và phô mai. Vi khuẩn cũng có thể được truyền qua thịt sống hoặc nấu chưa chín từ động vật bị nhiễm bệnh.
- Hít: vi khuẩn brucella lây lan dễ dàng trong không khí.
- Tiếp xúc trực tiếp: vi khuẩn từ động vật bị nhiễm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở. Vuốt ve động vật bình thường không gây ra nhiễm bệnh, hiếm khi bệnh do brucella gây ra từ vật nuôi trong nhà. Mặc dù vậy, những người có hệ miễn dịch suy yếu nên tránh tiếp xúc với chó bị bệnh.
Brucella thường không lây lan từ người này sang người khác, nhưng trong một vài trường hợp, phụ nữ sẽ truyền bệnh này cho trẻ sơ sinh trong khi sinh hoặc thông qua sữa mẹ. Hiếm khi, bệnh brucella có thể lây lan qua quan hệ tình dục hoặc qua đường truyền máu hay tủy xương bị nhiễm bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh brucella?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh brucella, đặc biệt nếu bạn là:
- Bác sĩ thú y
- Người chăn nuôi gia súc và động vật
- Chủ trang trại
- Người đi săn
- Nhà vi sinh vật
- Ăn hoặc uống các sản phẩm không được tiệt trùng từ động vật bị nhiễm bệnh
- Đi du lịch đến những nơi bệnh brucella đang xảy ra
- Làm việc trong một nhà máy chế biến thịt hoặc lò mổ.
Điều trị & Chẩn đoán
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh brucella?
Các bác sĩ thường xác định chẩn đoán bệnh brucella bằng cách kiểm tra vi khuẩn brucella trong mẫu máu hoặc tủy xương hay kiểm tra kháng thể chống lại vi khuẩn trong máu. Để giúp phát hiện các biến chứng của bệnh brucella, bạn có thể làm các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:
- Kiểm tra hình ảnh: những xét nghiệm này có thể hiển thị hình ảnh bên trong cơ thể, bao gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Nuôi cấy dịch não tủy: xét nghiệm này kiểm tra vi khuẩn trong mẫu chất lỏng bao quanh não và tủy sống.
- Siêu âm tim: xét nghiệm này sử dụng sóng âm tạo ra hình ảnh của tim để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các tổn thương trong tim.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh brucella?
Bạn sẽ được kê toa kháng sinh ít nhất 6 tuần và các triệu chứng của bạn có thể không biến mất hoàn toàn trong vài tháng. Bệnh cũng có thể trở lại và thành mãn tính.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý bệnh brucella?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh brucella:
- Tránh thực phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
- Chỉ tiêu thụ thịt nấu chín: thịt nên được nấu với nhiệt độ ít nhất 63-74ºC.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp: nếu bạn là bác sĩ thú y, nông dân, thợ săn hoặc làm ở lò mổ, bạn nên đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với động vật bị ốm hoặc chết hay sản phẩm động vật chết.
- Tiêm phòng cho vật nuôi: tiêm phòng là một cách hiệu quả để ngăn chặn động vật bị nhiễm bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.