Tìm hiểu chung
Bệnh do nhiễm Leishmania là gì?
Bệnh do nhiễm Leishmania (leishmaniasis) là một bệnh do nhiễm ký sinh trùng Leishmania thông qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi cát Phlebotomus. Bệnh thường gặp ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và phía Nam châu Âu. Nó cũng được được phân loại vào nhóm các bệnh nhiệt đới đang bị quên lãng.
Ở người, bệnh do nhiễm Leishmania có nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Trong đó, dạng phổ biến nhất là nhiễm Leishmania ở da, gây ra các vết lở loét trên da và nhiễm Leishmania nội tạng (kala-azar), ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng (thường là lá lách, gan và tủy xương).
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh do nhiễm Leishmania
Bệnh do nhiễm Leishmania có 3 dạng khác nhau: da, nội tạng và niêm mạc. Các loài Leishmania khác nhau sẽ liên quan đến các dạng bệnh khác nhau. Cho đến nay, các nhà khoa học cho rằng có khoảng 20 loài Leishmania có khả năng truyền bệnh cho người.
Một người có thể nhiễm nhiều loài Leishmania trong thời gian dài mà không có biểu hiện bệnh. Các triệu chứng xuất hiện sẽ phụ thuộc vào dạng lâm sàng cụ thể.
Leishmania ở da
Triệu chứng chính của dạng này là có các vết loét ở da, không gây đau. Các triệu chứng trên da có thể xuất hiện sau vài tuần, từ khi bị muỗi cát mang ký sinh trùng gây bệnh đốt.
Tuy nhiên, một số trường hợp không có dấu hiệu hay triệu chứng gì trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Leishmania niêm mạc
Ở những người mắc bệnh do nhiễm Leishmania dạng niêm mạc, các triệu chứng thường xuất hiện từ 1–5 năm sau khi có các tổn thương trên da. Chúng chủ yếu là các vết loét ở trong miệng, mũi hay trên môi.
Các triệu chứng khác có thể gặp phải gồm:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Chảy máu mũi
- Khó thở
Leishmania nội tạng
Các triệu chứng của bệnh do nhiễm Leishmania dạng này thường không xuất hiện trong nhiều tháng sau khi bị muỗi cát đốt. Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ biểu hiện rõ ràng sau khoảng 2–6 tháng.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Giảm cân
- Sốt kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng
- Lách to
- Gan to
- Giảm sản xuất các tế bào máu
- Xuất huyết
- Nhiễm trùng
- Sưng hạch bạch huyết
Nguyên nhân
Nguyên nhân bệnh Leishmania là gì?
Ký sinh trùng Leishmania được truyền qua vết cắn của loài muỗi cát cái Phlebotomus mang mầm bệnh. Ký sinh trùng này sẽ sống và sinh sôi ở bên trong loài muỗi cát cho đến khi được truyền sang vật chủ thích hợp, chúng sẽ gây ra biểu hiện bệnh.
Muỗi cái cần hút máu người để sản xuất trứng. Loài côn trùng này hoạt động mạnh trong môi trường ẩm ướt, nhất là những tháng thời tiết ấm và chủ yếu đi kiếm ăn vào ban đêm, từ hoàng hôn đến bình minh.
Vật nuôi như chó, mèo cũng có khả năng là vật chủ lây truyền ký sinh trùng này. Con đường lây truyền có thể từ động vật đến muỗi cát rồi sang người.
Bệnh cũng có thể lây từ người sang người khi truyền máu hoặc tiếp xúc chung kim tiêm. Ở một số khu vực trên thế giới, con đường lây truyền có thể là người – muỗi cát – người.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh do nhiễm Leishmania
Địa lý
Bệnh được ghi nhận ở khắp mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ Úc và Nam Cực. Tuy nhiên, khoảng 95% trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở:
- Châu Mỹ
- Trung Á
- Lưu vực Địa Trung Hải
- Trung Đông
Trong năm 2015, hơn 90% trường hợp mắc Leishmania nội tạng được ghi nhận tại các quốc gia/vùng lãnh thổ sau:
- Brazil
- Ethiopia
- Ấn Độ
- Kenya
- Somalia
- Phía Nam Sudan
- Sudan
Do đó, nếu bạn sống hoặc đi du lịch đến các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới, nhất là các quốc gia trên, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Các yếu tố môi trường và khí hậu cũng có ảnh hưởng lớn đến sự lây lan của bệnh.
Điều kiện kinh tế xã hội
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình nghèo đói góp phần gây nên căn bệnh này. Bệnh thường xảy ra ở những khu vực gặp phải các vấn đề sau:
- Suy dinh dưỡng
- Nạn đói
- Thiếu nguồn tài chính
- Di cư nhiều do đô thị hóa, các trường hợp khẩn cấp, chiến tranh, thay đổi môi trường và biến đổi khí hậu
Các nhiễm trùng khác
Những người có hệ miễn dịch yếu có nhiều nguy cơ mắc phải bệnh do nhiễm Leishmania hơn.
HIV cũng có khả năng ảnh hưởng đến quá trình truyền nhiễm Leishmania và làm tăng nguy cơ mắc phải Leishmania nội tạng. Cả hai tác nhân này đều tác động đến những tế bào tương tự nhau trong hệ miễn dịch.
Những người bị HIV thường cũng bị nhiễm Leishmania.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh do nhiễm Leishmania?
Nếu bạn từng sống hoặc di chuyển đến các vùng dễ mắc bệnh do nhiễm Leishmania, hãy khai báo đầy đủ thông tin cho bác sĩ. Qua đó, họ có thể cho bạn làm các xét nghiệm kiểm tra ký sinh trùng.
Chẩn đoán Leishmania ở da
Bác sĩ sẽ làm sinh thiết da bằng cách lấy một mẫu da đang có vết lở loét đem đi làm các thử nghiệm. Các chuyên gia sẽ tìm kiếm ADN hoặc vật liệu di truyền của ký sinh trùng bằng nhiều phương pháp khác nhau để xác định chính xác loài gây bệnh.
Chẩn đoán Leishmania nội tạng
Việc chẩn đoán thường trở nên khó khăn khi bạn không thể nhớ mình đã từng bị muỗi cát đốt hay không. Vậy nên, thông báo đầy đủ về những nơi bạn đã sống và đi qua sẽ giúp ích cho bác sĩ trong việc đưa ra những nhận định ban đầu.
Bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe và tìm kiếm dấu hiệu lách to hay gan to. Sau đó, họ thực hiện sinh thiết tủy xương hoặc thu nhập mẫu máu để kiểm tra.
Những phương pháp điều trị bệnh do nhiễm Leishmania
Các thuốc trị ký sinh trùng, chẳng hạn như amphotericin B, sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị căn bệnh này. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thêm phương pháp điều trị khác dựa trên dạng Leishmania bạn gặp phải.
Điều trị Leishmania ở da
Các vết loét ở da thường sẽ tự lành mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, tốc độ chữa lành các thương tổn này sẽ nhanh hơn, giảm khả năng để lại sẹo và giảm nguy cơ mắc thêm các bệnh lý khác nếu được điều trị.
Khi vết lở loét trên da gây ra biến dạng, bạn có thể cần phải phẫu thuật thẩm mỹ để phục hồi lại làn da.
Điều trị Leishmania niêm mạc
Những tổn thương ở niêm mạc thường không tự chữa lành nếu không được điều trị. Bác sĩ thường chỉ định dùng liposomal amphotericin B và paromomycin để điều trị dạng Leishmania này.
Điều trị Leishmania nội tạng
Dạng Leishmania này luôn cần được điều trị. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc như natri stibogluconate, amphotericin B, paromomycin và miltefosine.
Biến chứng
Bệnh do nhiễm Leishmania có thể gây ra những biến chứng gì?
Đối với dạng Leishmania ở da, các biến chứng có thể gặp phải bao gồm:
- Xuất huyết
- Nhiễm trùng do hệ miễn dịch bị suy yếu, có thể đe dọa đến tính mạng
- Biến dạng vùng da tổn thương
Trong khi đó, Leishmania nội tạng thường gây tử vong do ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và cả hệ thống miễn dịch. Nếu bạn bị nhiễm HIV/AIDS, bạn có nguy cơ mắc phải dạng bệnh này cao hơn. Hơn nữa, khi người bệnh bị nhiễm HIV cũng khiến quá trình điều trị bệnh do nhiễm Leishmania phức tạp hơn.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh do nhiễm Leishmania?
Không có vắc-xin hay thuốc để phòng ngừa căn bệnh này. Do đó, cách duy nhất để phòng tránh mắc bệnh là cố gắng không để bị muỗi cát đốt.
Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để tránh muỗi cát đốt:
- Mặc quần áo dài, che chắn càng nhiều càng tốt. Hãy mặc quần dài, áo dài tay và đóng thùng, mang vớ cao.
- Sử dụng thuốc xịt côn trùng ở vùng da không được che chắn và trên các ống tay áo/ống quần. Các loại thuốc chống côn trùng có chứa hoạt chất DEET thường mang lại hiệu quả tốt.
- Xịt thuốc diệt côn trùng ở khu vực nằm ngủ.
- Ngủ ở trên cao (trên các tầng cao của tòa nhà) vì loài muỗi này không bay được quá cao.
- Tránh ra ngoài trời vào khoảng thời gian giữa lúc hoàng hôn và bình minh hôm sau. Đó là lúc loài muỗi hoạt động mạnh nhất.
- Sử dụng điều hòa không khí hoặc quạt trong nhà.
- Mắc màn (mùng) khi ngủ và cho các cạnh màn vào dưới nệm, không để chừa không gian mà muỗi có thể bay vào. Nếu có thể, hãy dùng màn có tẩm thuốc diệt côn trùng.
- Chuẩn bị sẵn các dụng cụ và sản phẩm diệt côn trùng cần thiết trước khi đi đến các khu vực có nguy cơ mắc bệnh cao.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.