backup og meta

Áp xe là gì? Đâu là cách chữa áp xe hiệu quả?

Áp xe là gì? Đâu là cách chữa áp xe hiệu quả?

Áp xe là một túi dịch mủ có thể gây ra nhiễm trùng, thường gây ra đau đớn, khó chịu cho người bị. Đôi khi, áp xe còn gây tổn thương đến các nội tạng bên trong.

Hoạt động chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể của hệ miễn dịch có thể tạo ra một ổ áp xe chứa đầy dịch mủ bên trong. Hiện tượng này có khả năng xuất hiện ở bất kỳ nơi nào và được gọi tên theo vị trí xuất hiện, ví dụ như:

  • Áp xe răng
  • Áp xe mông
  • Áp xe gan
  • Áp xe phổi
  • Áp xe não
  • Áp xe vú

Để tìm hiểu rõ hơn áp xe là gì, các triệu chứng chúng gây ra các điều trị, mời bạn cùng đọc tiếp bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Áp xe là gì?

Hiểu đơn giản, áp xe là một túi chứa đầy dịch mủ bên trong. Khi vi khuẩn xâm nhập vào một vị trí nào đó trên cơ thể, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để loại bỏ chúng. Các tế bào bạch cầu tập hợp đến khu vực nhiễm trùng và thực hiện nhiệm vụ của chúng.

Trong quá trình đó, dịch mủ được tạo thành bởi hỗn hợp gồm tế bào bạch cầu, vi trùng và các mảnh tế bào chết. Dịch mủ không thoát ra bên ngoài được nên sẽ tạo thành ổ áp xe.

Tình trạng trên có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trong cơ thể, thường gặp nhất ở:

  • Nách và bẹn
  • Khu vực xung quanh hậu môn và âm đạo (áp xe tuyến Bartholin)
  • Vùng xương cùng cột sống (áp xe nếp gấp mông)
  • Xung quanh răng (áp xe răng)

Áp xe xuất hiện dưới da rất dễ phát hiện bởi những biểu hiện ngoài da có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, áp xe ở bên trong cơ thể thường không dễ nhận biết và có thể gây tổn thương cơ quan nội tạng.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Những dấu hiệu và triệu chứng áp xe là gì?

Những dấu hiệu và triệu chứng áp xe

Thông thường, một ổ áp xe sẽ gây đau đớn, căng tức, nhìn vào thấy có màu đỏ, cảm  thấy mềm và ấm khi chạm. Khi tiến triển hơn, bạn có thể nhìn thấy đầu mủ nhọn và sau này áp xe tự vỡ ra.

Hầu hết triệu chứng áp xe sẽ nặng dần nếu không được chăm sóc, điều trị. Tình trạng nhiễm trùng có thể lan sang các mô dưới da và thậm chí đi vào máu. Nếu nhiễm trùng lây lan vào các mô sâu hơn, bạn có thể bị sốt và cảm thấy mệt mỏi.

Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác được ghi nhận gồm:

  • Đau vùng bị ảnh hưởng
  • Sốt cao
  • Cảm thấy không khỏe.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình có thể có một ổ áp xe. Bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:

  • Phạm vi đau nhức rộng, có xu hương phì đại và cường độ đau tăng theo thời gian
  • Đau ở trên hoặc gần khu vực trực tràng hoặc háng
  • Sốt 38,5°C hoặc cao hơn
  • Vệt đỏ lan rộng

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân bị áp xe là gì?

Nguyên nhân bị áp xe

Thực tế, áp xe là hệ quả trực tiếp từ tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng với các tác nhân gồm:

  • Vi khuẩn: phổ biến nhất là chủng Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), thường xâm nhập vào mô dưới da và các tuyến bài tiết, gây tắc nghẽn tại đây.
  • Ký sinh trùng: có khả năng gây áp xe gan và một số nội tạng khác.

Khi cơ thể đối phó với sự tấn công của mầm bệnh, một số mô xung quanh cũng sẽ chịu ảnh hưởng và tạo thành “lỗ hổng’. Mủ chứa vi khuẩn, xác bạch cầu cùng mảnh vụn tế bào chết sẽ nhanh chóng lấp đầy “lỗ hổng’ này, từ đó hình thành nên ổ áp xe.

Các yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị áp xe?

Người có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị gặp phải tình trạng này hơn người bình thường khỏe mạnh. Một số đối tượng có nguy cơ bị áp xe trầm trọng hơn do khả năng phòng chống nhiễm trùng của cơ thể kém đi, chẳng hạn như:

  • Uống thuốc steroid lâu dài
  • Hóa trị
  • Bệnh tiểu đường
  • Ung thư
  • AIDS
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Bệnh bạch cầu
  • Rối loạn mạch máu ngoại biên
  • Bệnh Crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Bị bỏng nặng
  • Chấn thương nặng
  • Nghiện rượu hoặc tiêm chích ma túy

Các yếu tố nguy cơ khác có thể khiến sự phát triển của ổ áp xe nghiêm trọng hơn bao gồm tiếp xúc với môi trường bẩn, tiếp xúc với người bị mắc một số loại nhiễm trùng da, vệ sinh kém và tuần hoàn kém.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp dùng để chẩn đoán áp xe là gì?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử với các câu hỏi như sau:

  • Áp xe đã có bao lâu?
  • Bạn có bị chấn thương ở khu vực đó không?
  • Các thuốc nào bạn đang uống?
  • Bạn có bị dị ứng không?
  • Bạn có bị sốt ở nhà không?

Bác sĩ sẽ kiểm tra ổ áp xe và các khu vực lân cận. Nếu nó nằm gần hậu môn, bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng. Nếu áp xe ở cánh tay hoặc chân, bác sĩ sẽ khám hạch bạch huyết ở háng hoặc dưới cánh tay của bạn.

Đâu là cách điều trị áp xe hiệu quả?

Cách điều trị áp xe hiệu quả

Một ổ áp xe da nhỏ có thể tự vỡ và chảy dịch mủ ra ngoài một cách tự nhiên hoặc đơn giản là co lại, khô và biến mất mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, với các ổ áp xe lớn có thể được can thiệp điều trị y khoa, cụ thể hơn là mổ áp xe.

Quy trình thực hiện kỹ thuật mổ chích rạch áp xe để dẫn lưu dịch mủ ra ngoài có thể gồm những bước như sau:

  • Khu vực xung quanh chỗ áp xe sẽ được gây tê bằng thuốc.
    • Thường rất khó gây tê hoàn toàn, nhưng gây tê tại chỗ có thể giúp bạn không bị đau khi tiến thành mổ áp xe.
    • Bạn có thể được uống một số loại thuốc an thần nếu áp xe lớn.
  • Khu vực này sẽ được bôi dung dịch sát khuẩn và đặt khăn vô trùng xung quanh.
  • Bác sĩ sẽ rạch ổ áp xe để dịch mủ và các tế bào chết được đưa hết ra ngoài.
  • Khi dịch mủ đã chảy ra hết, bác sĩ sẽ chèn gạc vào trong “lỗ hổng’ để lại giúp cầm máu và để mở một hoặc hai ngày.
    • Bác sĩ sẽ băng vết thương và hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà.
    • Hầu hết mọi người cảm thấy dễ chịu ngay sau khi dịch trong ổ áp xe được dẫn lưu.
    • Nếu bạn vẫn đau, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau uống trong 1-2 ngày.

Chế độ sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của áp xe là gì?

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt bằng cách rửa da bằng xà bông và nước thường xuyên.

Bạn hãy cẩn thận để tránh tạo các vết cứa khi cạo râu, cạo lông nách hoặc lông mu. Nếu có bất kỳ vết thương sâu nào như bị đâm, rách da nặng, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất, đặc biệt nếu:

  • Bạn nghĩ có thể có một số những mảnh vỡ trong vết thương
  • Bạn có một trong các tình trạng sức khỏe kể trên
  • Bạn đang dùng steroid hoặc hóa trị liệu.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị áp xe tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Abscess. http://www.nhs.uk/Conditions/Abscess/Pages/Introduction.aspx#treatment Ngày truy cập 06/05/2021

Abscess https://kidshealth.org/en/teens/abscess.html Ngày truy cập 06/05/2021

Abscesses https://www.healthdirect.gov.au/abscesses Ngày truy cập 06/05/2021

Boils, Abscess & Cellulitis https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/infections/Pages/Boils-Abscess-and-Cellulitis.aspx Ngày truy cập 06/05/2021

Abscess (Toothache) https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/a/abscess Ngày truy cập 06/05/2021

 

Phiên bản hiện tại

06/05/2021

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Phối Linh


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

Dẫn lưu áp xe


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 06/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo