backup og meta

Cách phòng chống sốt xuất huyết mùa mưa? Lưu ý gì khi giảm sốt tại nhà

Cách phòng chống sốt xuất huyết mùa mưa? Lưu ý gì khi giảm sốt tại nhà

Mùa mưa đến rồi, làm gì để không bị sốt xuất huyết trong mùa mưa? Có 6 cách phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả để bạn tham khảo.

Sốt xuất huyết là bệnh gây sốt cấp tính do virus Dengue gây ra, được truyền cho người qua vết đốt của muỗi vằn Aedes aegypti mang virus. Sau khi hút máu người mang virus Dengue từ 4-10 ngày, muỗi bắt đầu truyền bệnh sốt xuất huyết cho đến hết đời sống của chúng. Muỗi cái nhiễm virus Dengue còn chứa virus trong buồng trứng và truyền virus cho lăng quăng và các thế hệ muỗi kế tiếp.

Theo ước tính, hàng năm trên thế giới có đến hơn 100 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết ở hơn 120 quốc gia, trong đó có Việt Nam và đa số các quốc gia vùng nhiệt đới.

Cách phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả là gì? Mời bạn tham khảo các thông tin về quá trình lây lan, triệu chứng, cách điều trị và phòng chống sau đây!

Quá trình lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết

cách phòng chống sốt xuất huyết là ngăn ngừa muỗi đốt
Cách phòng chống sốt xuất huyết là ngăn ngừa muỗi đốt

Bệnh sốt xuất huyết thường gặp vào mùa mưa ở vùng đô thị và ven đô, nơi có muỗi Aedes aeypti sinh sống, mật độ dân cư đông, môi trường có nhiều vật dụng chứa nước. Bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng số người mắc và lan thành dịch vào mùa mưa cùng với sự gia tăng mật độ muỗi Aedes aegypti trong cộng đồng.

Virus Dengue gồm có 4 nhóm huyết thanh khác nhau. Sau khi nhiễm virus thuộc một nhóm huyết thanh nhất định, người mắc bệnh có biểu hiện sốt Dengue và sẽ có được miễn dịch bảo vệ lâu dài với chủng Dengue này.

Tuy vậy, miễn dịch với chủng Dengue này không bảo vệ cơ thể hiệu quả khi nhiễm chủng Dengue khác. Vì thế, người bị nhiễm lần lượt các chủng Dengue khác thường có biểu hiện bệnh nặng hơn.

Trong vùng bệnh hoành hành, bệnh thường thấy ở trẻ con do người lớn đã có miễn dịch bảo vệ. Ở các vùng đô thị hóa với nhiều người mới nhập cư, mật độ muỗi thường gia tăng, kèm theo biến đổi môi trường và khí hậu thất thường như hiện nay dẫn đến ngày càng nhiều trẻ em lẫn người lớn nhiễm Dengue, thậm chí diễn biến thành dịch địa phương rồi bùng phát thành dịch lớn. Chu kỳ dịch lớn thường xảy ra với chu kỳ mỗi 5 năm.

Bệnh sốt xuất huyết có những triệu chứng nào?

trẻ sốt co giật

Bệnh sốt xuất huyết khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh chóng trong vòng 5-7 ngày, sau đó đa số tự hồi phục. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể dẫn đến sốc và tử vong. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có các biểu hiện như:

  • Sốt cao (bằng hoặc hơn 40◦C), kèm hay nôn, đau đau đầu, đau mỏi cơ, đau sau hố mắt…
  • Xuất huyết dạng chấm trên da, chảy máu cam, nôn máu, tiêu phân đen, hành kinh kéo dài nếu trùng với chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau tức tự nhiên hay khi ấn vùng hạ sườn phải. Bác sĩ thăm khám có thể thấy gan to dưới bờ sườn phải, mềm và đau.

Nếu diễn biến thuận lợi thì sốt giảm dần, bệnh nhân sẽ ăn uống trở lại được, hết nôn, hết đau hạ sườn. Giai đoạn này có thể xuất hiện ban hồi phục với tình trạng đỏ da ngắn vài giờ hay vài ngày ở bàn tay, bàn chân, có thể kèm theo cảm giác ngứa hay có thể có chấm xuất huyết li ti ở các vùng da trên.

Bạn có thể quan tâm: Giải đáp thắc mắc: Bệnh sốt xuất huyết có ngứa không

Trong thời gian còn sốt, bệnh nhân có thể được bác sĩ theo dõi ngoại trú hàng ngày hay đề nghị nhập viện trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến thứ 5 nếu có dấu hiệu trở nặng như:

  • Sốt cao liên tục hay giảm đột ngột
  • Đau hạ sườn phải nhiều hơn
  • Nôn nhiều, ăn kém, tay chân lạnh
  • Biểu hiện xuất huyết da niêm mạc nhiều, nặng như chảy máu mũi, răng, nôn máu, xuất huyết âm đạo, tiểu ra máu…
  • Xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm nặng (số lượng ít hơn 50.000) và tỷ số dung tích hồng cầu trên dung tích máu toàn phần tăng nhiều (hơn 50%).

Bệnh sốt xuất huyết nên được điều trị bằng cách nào?

cô gái nghỉ ngơi sau những cơn đau tức ngực do bệnh viêm màng phổi

Các chuyên gia hiện vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết. Khi bệnh nhân có biểu hiện sốt với các triệu chứng như trên, bạn nên xử lý như sau:

Trong 3 ngày đầu:

♦ Trường hợp bệnh nhẹ: Bệnh nhân chỉ cần được nghỉ ngơi, theo dõi ngoại trú và bù dịch bằng dung dịch oresol uống theo nhu cầu để cải thiện tình trạng cô đặc máu. Bạn nên cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều bữa nhỏ đề tránh gây nôn.

♦ Khi có sốt cao: Bệnh nhân cần được hạ sốt bằng cách lau với khăn nhúng nước ấm. Có thể hạ sốt bằng cách cho uống paracetamol nếu thân nhiệt dưới 38,5ºC. Tránh hạ nhiệt bằng thuốc nhóm aspirin hay ibuprofen vì có thể gây xuất huyết khó kiểm soát.

Bệnh nhân nên được đưa đến bệnh viện, phòng khám để được thăm khám và xét nghiệm xác định chẩn đoán bệnh và tình trạng qua thông số tiểu cầu máu và dung tích hồng cầu.

Từ ngày 3 đến ngày 7:

Trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo hay có sốc: Bệnh nhân sẽ được đề nghị nhập viện, được theo dõi sát và truyền dung dịch điện giải hay dung dịch cao phân tử để điều trị sốc và cải thiện tình trạng cô đặc máu. Một số ít trường hợp có xuất huyết nặng còn có thể được truyền máu, huyết tương hay tiểu cầu.

Mách bạn 6 cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

điều trị sốt xuất huyết tại nhà dùng thuốc xịt muỗi 1149675974

Bạn cần thực hiện cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cho trẻ, người thân trong gia đình và ngừa dịch sốt xuất huyết cho cộng đồng như:

  1. Giữ môi trường sống sạch sẽ: súc rửa hàng tuần các vật dụng chứa nước sinh hoạt (chum vại, lu chứa nước), bình hoa ngoài trời. Dọn dẹp các vật dụng có thể chứa nước như lon nhôm, vỏ xe hơi cũ, các chất thải rắn khác để không còn nơi cho muỗi sinh sản.
  2. Thả cá hay các loài ăn lăng quăng (ví dụ như Artemia – một loại động vật giáp xác thủy sinh – thường được dùng làm thức ăn cho cá bột) vào các dụng cụ trữ nước để diệt lăng quăng.
  3. Phun thuốc diệt muỗi quanh khu vực sống, nhất là khu vực có người bệnh để giảm mật độ muỗi.
  4. Chủng ngừa vắc xin sốt xuất huyết cũng là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhưng vắc xin này chưa có ở Việt Nam.
  5. Theo dõi và giám sát định kỳ mật độ muỗi trong từng cộng đồng và tỷ lệ mang virus ở muỗi dự bào dịch và có các cách phòng chống sốt xuất huyết thích hợp.
  6. Mỗi gia đình nên mắc màn (mùng) khi ngủ, mặc quần áo dài tay, thoa kem đuổi muỗi và dùng bình xịt muỗi để diệt trừ muỗi.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài: Cách phòng ngừa và điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Hy vọng rằng với những gợi ý ở trên, bạn sẽ biết cách phòng chống sốt xuất huyết để bảo vệ gia đình và người thân khỏi dịch bệnh này trong mùa mưa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dengue and severe dengue. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs117/en/ Ngày truy cập 16/09/2015

Dengue fever. http://kidshealth.org/parent/infections/bacterial_viral/dengue.html# Ngày truy cập 16/09/2015

Dengue in children. http://www.babycenter.in/a1021718/dengue-in-children. Ngày truy cập 16/09/2015

Dengue hemorrhagic fever https://medlineplus.gov/ency/article/001373.htm Ngày truy cập 16/09/2015

CDC Dengue Hemorrhagic fever. https://www.cdc.gov/dengue/resources/healthcarepract.pdf Ngày truy cập 16/09/2015

Phiên bản hiện tại

04/08/2023

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

4 triệu chứng Covid-19 bạn cần biết


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Ngày cập nhật: 04/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo