backup og meta

Người bệnh COVID-19 có nên xông hơi? Xông như thế nào là đúng cách?

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

Người bệnh COVID-19 có nên xông hơi? Xông như thế nào là đúng cách?

Ngoài các phương pháp đối phó với dịch COVID-19 luôn được khuyến cáo như tiêm vaccine, cách ly, đeo khẩu trang, rửa tay… thì hiện nay nhiều người đang truyền tai nhau về cách hỗ trợ điều trị COVID-19 bằng phương pháp xông hơi.

Đây vốn là phương pháp phổ biến, được áp dụng từ lâu để làm dịu, thông đường mũi nhằm làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, vì đây là một phương pháp cổ truyền nên nhiều người vẫn thắc mắc người bệnh COVID-19 có nên xông hơi không?

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này. Mặc dù xông hơi trong điều kiện cơ thể khỏe mạnh hoặc chỉ bị cảm cúm, cảm lạnh là rất tốt, nhưng đối với COVID-19 thì không phải người bệnh nào cũng có thể xông hơi. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu thông tin về vấn đề này để áp dụng liệu pháp xông đúng cách và an toàn nhé!

Người bệnh COVID-19 có nên xông hơi không? Lý giải từ các nghiên cứu khoa học

người bệnh Covid-19 có nên xông

Khi bị covid có nên xông không? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây, bạn đừng bỏ lỡ! Theo kinh nghiệm dân gian, xông hơi mũi họng là phương pháp rất đơn giản để làm dịu đường hô hấp. Thông qua việc hít hơi nước được làm ấm và ẩm sẽ mang đến tác dụng làm lỏng chất nhầy trong mũi, họng và phổi. Qua đó làm sạch đường mũi, giảm viêm niêm mạc mũi, giảm kích ứng đường hô hấp và ức chế sự nhân lên của virus bằng nhiệt từ hơi nước.

Xông hơi từ lâu là phương pháp được sử dụng để làm dịu các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, sốt… do cảm lạnh hoặc cảm cúm. Chính vì vậy mà hiện nay nhiều người mách nhau về cách chữa COVID-19 bằng phương pháp xông hơi. Thế nhưng, sự thật là chưa có kết quả nghiên cứu nào chứng minh được việc xông hơi có thể tiêu diệt SARS-CoV-2 để chữa bệnh COVID-19.

Một số người ủng hộ phương pháp xông hơi cho rằng hoạt động này có thể giúp giảm bớt hậu quả của tình trạng nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong trường hợp bệnh nhẹ hoặc chỉ mới phát triển ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, giả thiết này vẫn chỉ là quan sát sơ bộ và chưa đủ bằng chứng thuyết phục.

Do đó, đối với vấn đề người bệnh COVID-19 có nên xông hơi không? Ở khía cạnh khoa học dưới góc nhìn của Tây y thì điều này không được khuyến khích nhiều. Nguyên nhân là vì quá trình hít hơi nước chỉ có thể tiếp cận đường hô hấp trên và chưa có bằng chứng cho thấy có thể dùng hơi nước nóng để tiêu diệt SARS-CoV-2. Hơn nữa, việc xông hơi còn tiềm ẩn rủi ro, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ gây bỏng nếu vô tình làm đổ nước sôi, đặc biệt là thường xảy ra ở trẻ em, người già nên không được khuyến khích áp dụng tại các gia đình.

Người bệnh COVID-19 có nên xông hơi không? Lý giải từ khía cạnh Đông y

những bó lá xông

Ở lĩnh vực Đông y, xông hơi còn được gọi là phương pháp phát hãn, là một trong 8 biện pháp chữa bệnh của y học cổ truyền (gồm hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ). Xông hơi theo phương pháp của Đông y thường được kết hợp thêm với dược liệu và dùng để trị ngoại cảm phong hàn. Khi người bệnh nhiễm tà khí độc nên được xông hơi vì hơi nóng sẽ làm tăng tiết mồ hôi để đuổi tà khí độc ra khỏi cơ thể, giúp hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau…

Xông hơi có nhiều lợi ích nhưng đối với vấn đề người bệnh bị COVID-19 có nên xông hơi không? thì câu trả lời là vẫn cần có sự cân nhắc. Theo lý luận của y học cổ truyền, không phải bệnh nhân F0 nào cũng nên xông hơi. Nguyên nhân là vì cơ chế nhiễm SARS-CoV-2 hoàn toàn khác với khi cơ thể bị cảm phong hàn nên việc hãn (xông) không thể diệt được virus. Hơn nữa, những trường hợp sốt không ra mồ hôi thì không nên xông vì sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Do đó, các bệnh nhân COVID-19 nên thận trọng và cân nhắc đối với việc áp dụng phương pháp xông hơi, nhất là người già, trẻ em hoặc người mắc bệnh mạn tính. Cách tốt nhất là không nên xông hơi toàn thân và xông trực tiếp vào người.

Vậy những ai nên xông và không nên xông khi mắc COVID-19? Đối với người mắc bệnh COVID-19 nhẹ hoặc đã âm tính thì có thể xông hơi để làm dịu đường hô hấp và hạn chế sự phát triển của virus. Ngược lại, đối với bệnh nhân có biến chứng nặng như khó thở, cần thở máy… thì không nên xông hơi mà cần nhập viện để được điều trị kịp thời.

Xông hơi trong mùa dịch như thế nào đúng cách và an toàn?

Mặc dù xông hơi không chữa được COVID-19 nhưng đối với người khỏe mạnh, người mắc bệnh COVID-19 nhẹ vẫn được khuyến khích xông hơi chỗ ở và xông mũi họng để chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn. Sau đây là những phương pháp xông hơi được Bộ Y tế cho phép áp dụng: 

1. Xông hơi phòng ở, nơi làm việc

người bệnh Covid-19 có nên xông

Bên cạnh việc đi tìm câu trả lời cho thắc mắc bị covid có nên xông không thì nhiều người cũng thắc mắc xông COVID cần những gì? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Nguyên liệu cần chuẩn bị: Hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, tía tô, tràm gió… hoặc tinh dầu từ các nguyên liệu này.

Liều lượng cần dùng để xông hơi: Có thể dùng một loại thảo dược hoặc kết hợp nhiều loại với nhau với liều lượng là 200 – 400 gram mỗi loại. Nếu dùng tinh dầu để xông thì bạn có thể chuẩn bị từ 2 – 4 ml, tùy thuộc vào diện tích phòng.

Phương pháp thực hiện: Bạn có thể xông phòng theo 2 cách, bao gồm đun sôi thuốc và hít hơi thuốc vào hoặc dùng máy xông, bình xịt phòng. Mỗi ngày xông từ 2 đến 3 lần là được.

Lưu ý khi xông phòng:

  • Không xông trực tiếp vào người
  • Không xông tinh dầu trong phòng nếu có người dị ứng tinh dầu, trẻ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử co giật, động kinh…
  • Chú ý đến việc thông gió hàng ngày để tránh ô nhiễm không khí trong nhà tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

2. Xông hơi tại chỗ vùng mũi họng

Nguyên liệu: Sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, tía tô… Bạn nên sử dụng các dược liệu đã được Bộ Y tế khuyến cáo.

Cách thực hiện: Đun sôi nước và dược liệu đã chuẩn bị. Sau đó, bạn ngồi trước nồi xông, dùng khăn hoặc tấm vải dày che đầu và cổ để hơi nước trực tiếp đi vào mũi miệng mà không thoát ra ngoài. Chỉ nên xông hơi tại chỗ vùng mũi họng, không xông toàn thân để tránh mất nước và điện giải. Sau khi xông hơi xong, bạn dùng khăn sạch lau mặt và tránh ra gió.

Thời gian xông hơi: Mỗi lần xông khoảng 10 đến 15 phút. Mỗi ngày thực hiện 1 đến 2 lần. Lưu ý là bạn không nên xông quá lâu để tránh rủi ro, chẳng hạn như nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp do hơi nước nóng.

Nói tóm lại, vấn đề người bệnh COVID-19 có nên xông hơi không còn tùy thuộc vào những yếu tố khác nhau. Bạn nên cân nhắc trước khi áp dụng, đặc biệt là khi trong gia đình có trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, xông hơi không phải là phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 tuyệt đối. Vì vậy, bạn và gia đình vẫn nên tuân thủ các quy tắc phòng tránh lây nhiễm bệnh của y tế địa phương để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

MYTH: INHALING STEAM IS AN EFFECTIVE COVID-19 TREATMENT

https://digitalmedic.stanford.edu/myth/myth-inhaling-steam-is-an-effective-covid-19-treatment/ Truy cập ngày 08/03/2022

Thermal inactivation of SARS COVID-2 virus: Are steam inhalations a potential treatment?

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7680040/ Truy cập ngày 08/03/2022

There’s no proof steam inhalation cures Covid-19

https://fullfact.org/online/steam-covid/ Truy cập ngày 08/03/2022

Người bệnh COVID-19 có nên xông hơi?

https://covid19.gov.vn/nguoi-benh-covid-19-co-nen-xong-hoi-17122022313211734.htm Truy cập ngày 08/03/2022

Xông thuốc mũi họng hỗ trợ điều trị COVID-19 thế nào cho đúng?

https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/xong-thuoc-mui-hong-ho-tro-ieu-tri-covid-19-the-nao-cho-ung- Truy cập ngày 08/03/2022

Phiên bản hiện tại

29/04/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

Vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 như thế nào là đúng cách?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 29/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo