backup og meta

Mẹ bị COVID-19 cho con bú sữa mẹ có được không?

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

Mẹ bị COVID-19 cho con bú sữa mẹ có được không?

Mẹ bị COVID-19 cho con bú sữa mẹ có được không? Hiện tại thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ kể cả khi người mẹ dương tính với COVID-19.

Cho đến thời điểm này vẫn chưa có đủ dữ liệu chứng minh COVID-19 có thể lây cho trẻ qua sữa mẹ. Hơn nữa, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguy cơ trẻ nhiễm COVID-19 thường thấp hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ khi nhiễm bệnh. Vì vậy mà lợi ích trẻ nhận được khi bú sữa mẹ vẫn cao hơn so với việc bị cách ly và không được nuôi dưỡng bằng nguồn dưỡng chất quý giá này.

Mẹ bị COVID-19 cho con bú sữa mẹ, trẻ sẽ nhận được những lợi ích gì?

Các bằng chứng hiện tại cho thấy sữa mẹ không có khả năng truyền virus cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn thì việc mẹ bị COVID-19 cho con bú sữa mẹ vẫn được khuyến khích vì một số lợi ích sau đây:

  • Sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng: Sữa mẹ không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp bảo vệ bé khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy kháng thể IgA trong sữa mẹ giúp ích rất lớn cho miễn dịch tại chỗ ở đường ruột chống lại sự nhiễm trùng. Hơn nữa, sữa mẹ nguồn dưỡng chất cân bằng, dễ hấp thụ, trẻ bú sữa mẹ thường mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp ở mức ít nghiêm trọng hơn. Nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh không được bú mẹ cao gấp 14 lần trẻ được bú mẹ hoàn toàn, trong khi đó rủi ro về nhiễm trùng do COVID-19 ở trẻ là rất nhỏ. 
  • Giúp mẹ giảm căng thẳng: Trong quá trình cho con bú, cơ thể mẹ sẽ giải phóng hormone có tác dụng giảm căng thẳng và hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Điều này rất có lợi cho việc phục hồi của mẹ sau sinh cũng như chống lại bệnh COVID-19. Mặt khác, mẹ cho con bú cũng giúp cơ thể giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc đái tháo đường tuýp 2. 
  • Sữa mẹ luôn có sẵn: Khi nguồn cung các sản phẩm nói chung và sữa công thức nói riêng bị hạn chế bởi các quy chế giãn cách trong mùa dịch thì sữa mẹ vẫn luôn có sẵn và cung cấp cho trẻ mọi lúc. Hơn hết, sữa mẹ là miễn phí!

Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi mẹ bị COVID-19 cho con bú sữa mẹ?

mẹ bị Covid-19 cho con bú sữa mẹ

Nếu bạn đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và khỏe mạnh thì không cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi cho trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần vệ sinh tay đúng cách khi chăm sóc trẻ.

Nếu bạn đã bị nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 và còn ở chung phòng với trẻ, hãy thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:

  • Rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây trước khi bế con. Nếu không có xà phòng bạn nên dùng dung dịch sát khuẩn với nồng độ cồn ít nhất 60%
  • Khi cần tiếp xúc, cho con bú nên nhớ luôn phải đeo khẩu trang đúng cách.
  • Giữ khoảng cách xa em bé từ 2m trở lên, trong khoảng thời gian nhiều nhất có thể.
  • Nên hỏi ý kiến bác sĩ về những gì có thể làm tốt hơn để bảo vệ trẻ, ví như đặt trẻ trong lồng ấp.

Trong trường hợp bạn bị bệnh COVID-19 và chọn vắt sữa mẹ để cho trẻ bú bình thì cần lưu ý:

  • Sử dụng máy hút sữa của riêng bạn và tuyệt đối không dùng chung với người khác.
  • Rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây trước khi chạm vào dụng cụ vắt sữa và trước khi tiến hành vắt sữa.
  • Đeo khẩu trang trong suốt quá trình vắt sữa mẹ.
  • Vệ sinh máy hút sữa sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng.
  • Trong thời gian nhiễm bệnh và được cách ly, điều trị tại nhà bạn cần cách ly, tránh tiếp xúc với người thân trong gia đình. Nếu bạn tìm người thay thế để chăm sóc trẻ thì người đó cần phải khỏe mạnh và được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh COVID-19 đầy đủ. Nếu họ đã tiếp xúc gần với bạn hoặc người nhiễm bệnh thì cần được làm xét nghiệm trong vòng 3 – 5 ngày sau khi tiếp xúc. Họ cũng cần phải đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách khi ở không gian chung và lúc chăm sóc em bé trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc cho tới khi có xét nghiệm âm tính. Đồng thời, họ nên được cách ly nếu kết quả dương tính, dù là F0 không triệu chứng.

Theo dõi trẻ sơ sinh để sớm phát hiện các triệu chứng của Covid-19

Mặc dù khả năng trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 từ ba mẹ hay người chăm sóc là khá thấp nhưng trong quá trình chăm sóc con tại nhà, bạn vẫn phải theo dõi trẻ thường xuyên. Nếu phát hiện bé có một số triệu chứng nhiễm bệnh sau đây thì bạn nên báo với cơ quan y tế để được hướng dẫn xử trí cần thiết:

  • Sốt từ 38 độ C
  • Sổ mũi
  • Ho
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Bú kém
  • Thở nhanh và nông
  • Trẻ mệt mỏi, lừ đừ hoặc li bì.

Làm thế nào để duy trì nguồn sữa khi mẹ nhiễm bệnh COVID-19?

mẹ bị Covid-19 cho con bú sữa mẹ

Việc vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa trong những ngày đầu sau sinh vẫn có ích cho việc duy trì sữa mẹ dù bạn đang nhiễm bệnh COVID-19. Đồng thời, việc hút sữa thường xuyên hoặc cho con bú trực tiếp (với điều kiện tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn) nên phù hợp với nhu cầu của bé là khoảng 8 – 10 lần cho bú trong một ngày.

Mẹ nên bổ sung canxi để cung cấp cho con qua sữa, sắt để bồi phụ lượng máu mất qua sinh nở, một số sản phẩm lợi sữa khác nếu cần thiết. Hầu hết các thuốc điều trị triệu chứng thường an toàn, tuy vậy tất cả chỉ nên sử dụng khi được bác sĩ tư vấn cụ thể. Bên cạnh đó, mặc dù tình hình dịch bệnh có thể khiến bạn căng thẳng nhưng hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng mình đủ sữa nuôi con và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất và tập thể dục thường xuyên để giúp sức khỏe nhanh phục hồi nhé.

Cho đến nay, vắc xin được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất với COVID-19, trực tiếp giúp bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh, trong tình huống bị nhiễm, vắc xin cũng giúp cơ thể chỉ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm nguy cơ biến chứng nặng. 

Hiện chưa thấy rủi ro nào đáng kể cho sức khỏe của mẹ cũng như con khi bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ được chủng ngừa vắc xin phòng COVID-19. Cần nhiều nghiên cứu để khẳng định, dù vậy đã ghi nhận kháng thể kháng COVID-19 được thấy trong sữa mẹ ở những phụ nữ đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Do đó, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các bà mẹ nuôi con bú được khuyến khích và không phải dừng cho trẻ bú mẹ sau tiêm.

Nuôi con bằng sữa mẹ rất quan trọng ngay cả khi bạn nhiễm COVID-19, tuy nhiên cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn theo khuyến cáo của y tế địa phương, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, khi gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh trong mùa dịch thì bạn nên liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Breastfeeding During the COVID-19 Pandemic

https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/COVID-19/Pages/Breastfeeding-During-COVID-19.aspx

Truy cập 19/08/2021

Breastfeeding and Caring for Newborns if You Have COVID-19

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/if-you-are-sick/pregnancy-breastfeeding.html?CDC_AA_refVal=https%3A%2F%2Fwww.cdc.gov%2Fcoronavirus%2F2019-ncov%2Fneed-extra-precautions%2Fpregnancy-breastfeeding.html

Truy cập 19/08/2021

Breastfeeding and COVID-19

https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/breastfeeding-and-covid-19

Truy cập 19/08/2021

Is it Safe to Breastfeed if I Have Coronavirus (COVID-19)?

https://kidshealth.org/en/parents/coronavirus-breastfeeding.html

Truy cập 19/08/2021

Breastfeeding and COVID-19: From Nutrition to Immunity

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fimmu.2021.661806/full

Truy cập 19/08/2021

COVID-19 and pregnancy: Questions and answers

https://www.uptodate.com/contents/covid-19-and-pregnancy-questions-and-answers?source=history_widget Ngày truy cập 25/8/2021

Phiên bản hiện tại

29/04/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Đồng

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Sữa mẹ có lẫn máu có thể tiếp tục cho bé bú?

Sử dụng thuốc kích sữa mẹ: Bạn cần hết sức thận trọng!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Văn Đồng

Nhi khoa · Bệnh Viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 29/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo