backup og meta

Bị sởi làm gì cho nhanh khỏi? Bật mí cách hỗ trợ điều trị bệnh sởi tại nhà

Bị sởi làm gì cho nhanh khỏi? Bật mí cách hỗ trợ điều trị bệnh sởi tại nhà

Sởi là bệnh do virus gây ra, dễ lây nhiễm, không có phương pháp điều trị cụ thể nhưng có thể tự khỏi nếu người bệnh được chăm sóc đúng cách. Khi có người thân nhiễm sởi, bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể áp dụng cách điều trị bệnh sởi tại nhà nhằm giúp người bệnh nhanh khỏi hơn cũng như giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu cách chăm sóc bệnh sởi tại nhà giúp mau bình phục, ngừa biến chứng. Mời bạn cùng tham khảo!

Bệnh sởi là gì?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây lan dễ dàng cho những người xung quanh khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Đây là bệnh có tỷ lệ lây nhiễm rất cao, nhưng có thể phòng ngừa được nếu tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp như bé sơ sinh dưới 9 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch thì không thể tiêm phòng sởi.

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, người bệnh đa phần sẽ tự khỏi, nhưng vẫn có nguy cơ gây ra biến chứng và có thể tử vong, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, mọi người không nên chủ quan xem nhẹ căn bệnh này. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2021, ước tính có khoảng 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Các triệu chứng của bệnh sởi

điều trị bệnh sởi 01

Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu từ 10–14 ngày sau khi nhiễm virus gây bệnh. Phát ban là triệu chứng nổi bật dễ thấy nhất, thường bùng phát sau 7-18 ngày tiếp xúc với mầm bệnh. Nốt phát ban thường có màu đỏ hoặc nâu đỏ thường bắt đầu bằng những đốm đỏ phẳng trên trán. Nó lan ra phần còn lại của khuôn mặt, sau đó xuống cổ, thân mình đến cánh tay, chân và bàn chân. Triệu chứng sốt và phát ban sẽ giảm dần sau vài ngày.

Các triệu chứng ban đầu thường kéo dài 4–7 ngày, bao gồm:

  • Ho khan
  • Chảy nước mũi
  • Sốt cao
  • Mắt đỏ và chảy nước
  • Ở trẻ nhỏ có thể có các đốm Koplik (đốm nhỏ màu đỏ với tâm trắng xanh) xuất hiện trong miệng trước khi phát ban.

Theo các chuyên gia sức khỏe, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh sởi đều do các biến chứng liên quan đến căn bệnh này gây ra. Các biến chứng có thể bao gồm:

Việc mắc bệnh sởi khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho người mẹ bầu và có thể dẫn đến tình trạng sinh non, cân nặng khi sinh thấp.

Các biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi. Chúng thường xảy ra ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là những trẻ không nhận đủ lượng vitamin A thiết yếu hoặc có hệ miễn dịch yếu do nhiễm HIV hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Bản thân bệnh sởi cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể khiến cơ thể “quên” cách tự bảo vệ mình trước các bệnh nhiễm trùng, khiến trẻ em trở thành đối tượng dễ bị ảnh hưởng.

Cách hỗ trợ chữa bệnh sởi nhanh nhất tại nhà

Theo các chuyên gia sức khỏe, không có cách điều trị cụ thể cho bệnh sởi. Việc chăm sóc nên tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và ngăn ngừa các biến chứng.

Thông thường, tất cả trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh sởi nên được bổ sung 2 liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Việc này giúp phục hồi mức vitamin A thấp xảy ra ngay cả ở trẻ được chăm sóc tốt nhằm ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A cũng có thể làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi. Tuy nhiên, bạn cần đi khám và tham vấn ý kiến bác sĩ về việc dùng vitamin A khi điều trị bệnh sởi. 

Các triệu chứng của bệnh sởi thường sẽ biến mất sau 7-10 ngày kể từ khi xuất hiện. Nếu triệu chứng của bệnh sởi gây khó chịu cho bạn, đây là điều bạn nên làm:

1. Kiểm soát sốt và giảm đau

Paracetamol hoặc ibuprofen sẽ được sử dụng để giảm nhiệt độ của cơ thể khi sốt và giảm đau. Paracetamol dạng lỏng thường được dùng cho trẻ nhỏ. Không nên dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi. Tốt nhất, bạn phải nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để tìm ra loại thuốc giảm sốt và đau phù hợp cho bản thân và trẻ nhỏ.

2. Uống nhiều nước

điều trị bệnh sởi 02

Uống nhiều nước sẽ giúp giảm nguy cơ bị mất nước do sốt và tiêu chảy gây ra. Việc uống nước đều đặn cũng làm giảm sự khó chịu ở cổ họng do ho khan. Bên cạnh đó, việc đảm bảo có một chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng.

3. Giúp người bệnh giảm đau mắt do sởi

Bạn có thể nhẹ nhàng làm sạch lớp gỉ ở trên mí mắt và lông mi bằng bông gòn nhúng nước ấm. Sau đó, hãy dùng khăn nhúng qua nước ấm rồi đắp lên mắt để làm giảm sưng. Tránh để bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng mạnh do mắt trong thời gian này rất nhạy cảm với ánh sáng.

4. Điều trị các triệu chứng giống cúm

Người bệnh sởi sẽ có các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn như sổ mũi hoặc ho. Bạn nên:

  • Làm ẩm không khí: Dùng khăn ướt để ở trước quạt hay dùng máy phun sương, tạo độ ẩm trong phòng nơi bệnh nhân nằm nghỉ
  • Uống nước ấm: Có thể pha thêm chanh hay mật ong để cổ họng dễ chịu hơn và giảm ho. Chú ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi để tránh nguy cơ bị ngộ độc.
  • Làm sạch mũi và họng: Dùng nước muối sinh lý (Nacl 0.9%) để rửa mũi và súc miệng sẽ giúp làm sạch họng và thông thoáng mũi.

5. Để ý đến các dấu hiệu của biến chứng

Khi bị sởi, bạn nên theo dõi mọi dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng. Những dấu hiệu đó bao gồm:

  • Khó thở
  • Ngực đau như cắt kèm theo cảm giác khó thở
  • Ho ra máu
  • Cảm giác buồn ngủ
  • Hay nhầm lẫn
  • Ngất xỉu, co giật

Khi người bệnh sởi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, cần đưa họ đến phòng cấp cứu gần nhất để kịp thời điều trị.

Người bệnh sởi kiêng gì trong thời gian điều trị?

Có rất nhiều quan niệm kiêng cữ sai lầm được truyền tai nhau khi chăm sóc người bệnh sởi. Những cách làm không đúng này dễ khiến bệnh nặng thêm và dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.

Đây là những quan niệm đúng về kiêng kị cho bệnh nhân sởi:

  • Không nên tiếp xúc với ánh sáng quá mạnh hoặc quá lâu: Mắt của người bị sởi rất nhạy cảm với ánh sáng. Ánh sáng quá gay gắt có thể làm tổn thương mắt họ. Vì thế, nên để người bệnh nằm nghỉ trong phòng thoáng mát với ánh sáng vừa phải.
  • Kiêng một số loại thực phẩm: Người bị sởi nên tránh ăn các loại thực phẩm giàu protein gây dị ứng như hải sản, các loại thịt như thịt dê, thịt gà, vịt và các gia vị cay như ớt, tiêu…

Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã rõ về cách điều trị bệnh sởi, từ đó có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Measles

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles?gclid=Cj0KCQjw0bunBhD9ARIsAAZl0E2NNEe_TG0weyMgQt3DnJThQrs2Hmv1PDTUsvaQjS7PMlF7L_Mvh-caAiOWEALw_wcB  Ngày truy cập 30/8/2023

Measles – Diagnosis & treatment

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/diagnosis-treatment/drc-20374862?p=1 Ngày truy cập 30/8/2023

Measlé

https://kidshealth.org/en/parents/measles.html  Ngày truy cập 30/8/2023

Symptoms – Measles

https://www.nhs.uk/conditions/measles/symptoms/ Ngày truy cập: 30/08/2019

Everything You Need to Know About the Measles

https://www.healthline.com/health/measles Ngày truy cập: 30/08/2019

Measles Treatment & Management

https://emedicine.medscape.com/article/966220-treatment Ngày truy cập: 30/08/2019

Phiên bản hiện tại

30/08/2023

Tác giả: Cẩm Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

6 biến chứng của bệnh sởi bạn không nên xem thường


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 30/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo