backup og meta

Không tự ý điều trị quai bị tại nhà để phòng ngừa biến chứng

Không tự ý điều trị quai bị tại nhà để phòng ngừa biến chứng

Quai bị là bệnh lây nhiễm nhanh do virus mumps gây ra. Bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 3-4 tuần nhưng nếu người bệnh không biết cách chăm sóc bản thân thì sẽ rất dễ bị biến chứng và lây lan cho những người xung quanh.

Bệnh quai bị ở người lớn có triệu chứng nặng nề và dễ xảy ra biến chứng hơn bệnh quai bị ở trẻ em. Tuy nhiên, dù quai bị xảy ra ở người lớn hay trẻ nhỏ, bệnh nhân cũng không nên tự ý điều trị tại nhà trừ khi đã có hướng dẫn chi tiết của bác sĩ.

Triệu chứng quai bị

Các triệu chứng quai bị thường xuất hiện trong vòng 2 tuần sau khi virus tấn công vào cơ thể bệnh nhân. Ban đầu, những dấu hiệu này giống với bệnh cúm thông thường khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ăn không ngon và sốt nhẹ. Sau đó, nhiệt độ cơ thể tăng cao khiến bệnh nhân sốt từ 39-40ºC hoặc hơn. Tuyến nước bọt sưng lên làm hai bên má phồng ra gây đau đớn.

Những triệu chứng phổ biến này thường gặp ở hầu hết bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị virus quai bị tấn công nhưng không có triệu chứng thể hiện ra ngoài. Bệnh nhân không có dấu hiệu quai bị khó điều trị bệnh hơn vì không thể nhận biết chính xác mình đang mắc bệnh gì để có cách chăm sóc phù hợp cho bản thân. Hơn nữa, nếu bệnh nhân quai bị không thể hiện triệu chứng, nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất cao. Điều này có thể tạo thành một đợt dịch bệnh quai bị.

Bệnh quai bị bao lâu thì khỏi?

Bệnh quai bị

Bệnh quai bị có 3 giai đoạn phát triển.

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 15-21 ngày kể từ khi bệnh nhân bị virus mumps tấn công. Trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh, người bệnh không hề có dấu hiệu gì khác lạ. Sau đó khoảng 1-2 tuần, virus có khả năng lây lan mạnh mẽ với những người xung quanh hoặc người có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân. Đây cũng là lý do vì sao quai bị rất dễ lây lan thành dịch.

Giai đoạn phát bệnh

Ở thời kỳ khởi phát, bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, nôn, sốt cao từ 39-40ºC hoặc hơn. Giai đoạn này thường kéo dài từ 7-10 ngày và là lúc triệu chứng quai bị biểu hiện rõ ràng nhất. Khi đó, tuyến nước bọt của bệnh nhân bị sưng lên ở 1 hoặc cả 2 bên. Vết sưng này khiến khuôn mặt bệnh nhân có phần biến dạng, căng, bóng và gây đau đớn.

Ngoài dấu hiệu sưng tuyến nước bọt, bệnh nhân có thể gặp thêm các rắc rối như khó nói, khó nuốt thức ăn, khô miệng, viêm họng và cơn đau lan ra 2 bên tai.

Giai đoạn thuyên giảm

Khi bệnh quai bị tiến đến giai đoạn này, phần sưng ở tuyến mang tai bắt đầu xẹp dần và bớt đau. Bệnh nhân không còn sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và có thể ăn uống, nói chuyện bình thường. 1-2 ngày sau đó, bệnh nhân sẽ hết hẳn sốt và không còn bị đau đớn nữa. Vết sưng ở tuyến nước bọt sẽ biến mất trong vòng 8-10 ngày sau khi bệnh nhân hết đau, hết sốt.

Dựa vào 3 giai đoạn phát triển của bệnh quai bị, bạn có thể biết được bệnh quai bị bao lâu thì khỏi. Theo giải thích của các chuyên gia y tế, thời gian khỏi bệnh trung bình của các bệnh nhân quai bị là từ 3-4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Khoảng thời gian này không giống nhau, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tùy vào thể trạng và khả năng đáp ứng điều trị quai bị của mỗi bệnh nhân.

Những cách điều trị quai bị phổ biến

Bệnh quai bị chưa có thuốc đặc trị. Bệnh nhân chỉ có thể được giảm nhẹ triệu chứng bằng những cách thông dụng như dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, chườm lạnh cho vết sưng…

Theo kinh nghiệm điều trị quai bị trong dân gian, nhiều người dùng các loại lá cây, thảo dược giã nát ra rồi đắp lên vết sưng. Tuy nhiên, đây là cách làm mạo hiểm vì chúng ta không hiểu hết được những loại chất và hoạt tính trong từng loại thảo dược. Hơn nữa, chúng ta không biết cơ thể mình có dị ứng với thành phần thảo dược nào hay không. Trường hợp mình bị dị ứng mà không biết, thảo dược sẽ làm tình trạng viêm, sưng ở tuyến mang tai trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.

Vì sao bạn không nên tự ý điều trị quai bị tại nhà?

Điều trị quai bị

Dù bệnh quai bị có thể tự khỏi sau một thời gian nhưng bạn tuyệt đối không nên tự ý điều trị hoặc nghỉ dưỡng tại nhà nếu không có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Trong những trường hợp xấu, bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng. Nếu nhẹ, bệnh nhân có thể bị viêm ở một số bộ phận. Trường hợp nặng là vô sinh, viêm màng não dẫn đến tử vong.

Vì thế, ngay khi nghi ngờ mình mắc bệnh quai bị, bạn phải đến ngay cơ sở y tế được được thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác. Ở đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải điều trị quai bị nội trú để theo dõi diễn biến bệnh nhưng cũng có thể hướng dẫn bạn cách chăm sóc tại nhà. Đồng thời, khi được thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi thêm nhiều thông tin liên quan đến bệnh sử, đặc tính dị ứng của từng bệnh nhân để kê thuốc giảm đau, giảm nhẹ triệu chứng quai bị. Việc phối hợp điều trị quai bị với bác sĩ ngay từ lúc bệnh mới bắt đầu sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị bệnh quai bị.

Sau khi có chỉ định điều trị quai bị tại nhà của bác sĩ, bệnh nhân và người nhà cần tuyệt đối tuân thủ quy trình ngăn ngừa bệnh lây lan. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, ưu tiên ăn các loại thực phẩm mềm, có nhiều nước. Người bệnh phải kiêng các loại thực phẩm chua, cay, nóng vì chúng làm tuyến nước bọt hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bất lợi cho quá trình hồi phục.

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh quai bị lần đầu đều có khả năng miễn nhiễm với căn bệnh này trong suốt phần đời còn lại. Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ mắc bệnh quai bị là tiêm vaccine MMR.

Đối với trẻ em, vaccine phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (MMR) được khuyến khích tiêm cho bé từ 12 tháng tuổi. Sau đó, khi bé được 4 – 6 tuổi, bố mẹ hãy cho bé tiêm nhắc lại để đảm bảo con có khả năng miễn dịch với bệnh quai bị.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mumps treatment

https://www.healthline.com/health/mumps

Ngày truy cập: 7/8/2019

Mumps: Management and Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15007-mumps/management-and-treatment

Ngày truy cập: 7/8/2019

What is mumps

https://www.webmd.com/children/vaccines/what-are-the-mumps

Ngày truy cập: 7/8/2019

Phiên bản hiện tại

04/08/2020

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

Những điều cần biết về bệnh quai bị ở người lớn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 04/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo