Triệu chứng xơ vữa động mạch có thể tiến triển không ngừng và chỉ biểu hiện rõ ràng cho đến khi các mảng bám tích tụ bên trong thành động mạch đủ dày để gây tắc nghẽn. Những mảng bám này được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác có trong máu. Theo thời gian, mảng bám dày lên và cứng lại, làm thu hẹp lòng động mạch, dẫn đến hạn chế lưu lượng máu giàu oxy đến các cơ quan trong cơ thể.
Tình trạng xơ vữa động mạch thường được xem là một vấn đề về tim mạch do có thể ảnh hưởng đến các động mạch ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Vì vậy, triệu chứng xơ vữa động mạch sẽ thay đổi tùy theo mạch máu nào bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch thường không gây ra triệu chứng cho đến khi mảng xơ vữa làm thu hẹp nghiêm trọng hoặc tắc nghẽn hoàn toàn động mạch chính cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Nhiều người thậm chí không biết mình mắc bệnh cho đến khi họ phải nhập viện cấp cứu bởi một trong những biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Các triệu chứng xơ vữa động mạch có thể khác nhau, tùy thuộc vào động mạch nào bị ảnh hưởng. Cụ thể như sau:
Động mạch vành
Động mạch vành chịu trách nhiệm cung cấp máu giàu oxy cho tim. Nếu xơ vữa động mạch làm thu hẹp các động mạch này sẽ gây ra bệnh thiếu máu cơ tim, hay còn gọi là bệnh mạch vành. Hậu quả là cơ tim không được cung cấp đủ máu giàu oxy để hoạt động hiệu quả.
Các triệu chứng xơ vữa động mạch bao gồm:
- Đau thắt ngực, cảm giác như bị ai đó bóp nghẹt lồng ngực khi cơ tim không nhận đủ máu giàu oxy, đặc biệt là khi hoạt động thể lực hoặc căng thẳng. Cơn đau đôi khi còn lan ra đến vai, cánh tay, cổ, hàm hoặc ra sau lưng. Đau nặng hơn khi gắng sức, thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Rối loạn nhịp tim.
Khi mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn do mảng xơ vữa quá lớn hoặc có cục máu đông bít kín lòng mạch sẽ xảy ra biến chứng nhồi máu cơ tim. Nếu không cấp cứu kịp thời, một phần hoặc toàn bộ cơ tim sẽ bị tổn thương, thậm chí chết đi (hoại tử) và người bệnh phải đối diện với nguy cơ tử vong rất cao.
Ngoài ra, xơ vữa động mạch cũng có thể hình thành trong các động mạch nhỏ nhất của tim. Bệnh này được gọi là bệnh vi mạch vành với các triệu chứng bao gồm: đau thắt ngực, khó thở, khó ngủ, mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Triệu chứng xơ vữa động mạch cảnh
Hai động mạch cảnh nằm ở hai bên cổ có nhiệm vụ cung cấp máu giàu oxy cho não. Nếu xơ vữa động mạch làm thu hẹp các động mạch này sẽ khiến lưu lượng máu đỏ tươi ên não bị suy giảm. Nếu tắc nghẽn hoàn toàn động mạch cảnh sẽ gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), nếu không được điều trị, tình trạng này ó thể tiến triển thành đột quỵ.
Các triệu chứng xơ vữa động mạch tại đây bao gồm:
- Đột ngột yếu hoặc tê cánh tay hay chân hoặc toàn bộ một bên của cơ thể
- Tê mặt hoặc cơ mặt xệ xuống
- Khó nói, nói lắp
- Khó nhìn hoặc mất thị lực ở một bên mắt
- Có vấn đề về hô hấp
- Chóng mặt
- Khó đi lại, mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác kém, té ngã không rõ nguyên nhân
- Mất ý thức
- Đau đầu đột ngột và dữ dội.
Động mạch ngoại vi
Xơ vữa động mạch đôi khi còn tích tụ trong các động mạch chính cung cấp máu giàu oxy cho chân, tay và xương chậu, hay còn được gọi là động mạch ngoại vi.
Khi các động mạch chính này bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, bạn có thể xuất hiện triệu chứng xơ vữa động mạch ngoại vi bao gồm: tê, đau chân khi đi bộ (đau cách hồi) hoặc giảm huyết áp ở một chi bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Triệu chứng xơ vữa động mạch thận
Các động mạch thận cung cấp máu giàu oxy cho thận. Nếu mảng bám tích tụ trong các động mạch này, bạn có thể mắc bệnh thận mãn tính, tăng huyết áp. Theo thời gian, bệnh thận mãn tính sẽ làm suy giảm chức năng thận, dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối; lúc này, người bệnh sẽ cần thực hiện các biện pháp thay thế thận như chạy thận nhân tạo để duy trì cuộc sống.
Ban đầu, bệnh thận mạn tính thường không có biểu hiện rõ ràng. Khi nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy:
- Mệt mỏi
- Thay đổi về tần suất đi tiểu (thường xuyên hơn hoặc ít hơn)
- Ăn mất ngon, chán ăn
- Buồn nôn, đau bụng
- Sưng phù bàn tay hoặc bàn chân
- Ngứa hoặc tê
- Khó tập trung
Đây cũng là triệu chứng xơ vữa động mạch xảy ra tại thận.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc phải các triệu chứng xơ vữa động mạch nêu trên, hãy đến thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt. Trong đó, cần chú ý đến các dấu hiệu ban đầu của hiện tượng máu lưu thông không đủ, chẳng hạn như đau đau thắt ngực, chóng mặt, đau chân hoặc tê ngứa…, đến các cơ quan quan trọng như não, tim để đi khám sớm hơn.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và hạn chế dẫn đến các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các trường hợp cấp cứu khác.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, bao gồm:
- Đau tức ngực
- Khó thở
- Tê tay, chân hoặc các nơi khác
- Yếu cơ
- Đi lại khó khăn
- Nói lắp
- Có dấu hiệu nhiễm trùng.
Phòng ngừa
Việc nhận biết sớm triệu chứng xơ vữa động mạch là một trong những cách phòng ngừa bệnh tiến triển, tránh gặp phải những biến chứng đáng tiếc.
Ngoài ra, bạn có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, ngăn ngừa phát triển xơ vữa động mạch ở những vị trí mới trong cơ thể bằng cách:
- Ăn uống lành mạnh. Áp dụng thói quen ăn uống có lợi cho tim mạch, bao gồm ăn các loại trái cây và rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, hải sản, sữa không béo hoặc ít béo và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế muối, đường, chất béo, nội tạng động vật và ngũ cốc tinh chế.
- Tăng cường hoạt động thể chất. Tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần, tham gia các hoạt động về thể chất sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc có thể làm tổn thương các mạch máu, làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
- Kiểm soát cân nặng. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục.
- Kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu. Nếu bạn có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc kiểm soát bệnh theo chỉ định.
Nếu bạn có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch do tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh hoặc bị cholesterol cao, điều quan trọng là bạn phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và thăm khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm đánh giá khả năng kiểm soát lipid máu theo mục tiêu.
[embed-health-tool-heart-rate]