Thay van tim sống được bao lâu là thắc mắc của rất nhiều người khi đứng trước quyết định thực hiện phẫu thuật này. Tuổi thọ của người bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe, số và loại van thay thế, có tổn thương chức năng tim hay chưa, mức độ thành công của ca phẫu thuật…
Thay van tim sống được bao lâu và làm sao để kéo dài tuổi thọ cho người bệnh sau phẫu thuật? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Thay van tim là gì?
Trái tim có 4 loại van bao gồm: van động mạch chủ, van hai lá, van ba lá hoặc van động mạch phổi. Chúng đóng mở nhịp nhàng trong mỗi chu kỳ bơm máu của tim để đảm bảo dòng máu chảy theo một chiều nhất định. Nếu một trong những lá van này hư hỏng mà không thể sửa chữa thì bệnh nhân cần phẫu thuật thay van nhằm khôi phục khả năng hoạt động của van, tránh tổn thương thêm đến chức năng trái tim.
Có ba hình thức phẫu thuật là rạch một đường ở xương ức để bộc lộ tim; mổ nội soi hoặc thay van bằng can thiệp mạch. Căn cứ vào bệnh van tim cụ thể, kinh tế của bệnh nhân và trang thiết bị có tại cơ sở, tay nghề của bác sĩ để chọn loại phẫu thuật phù hợp.
Van tim được dùng để thay thế có thể làm từ vật liệu tổng hợp (van cơ học), từ mô động vật (van sinh học) hoặc là van đồng loài từ người hiến tặng. Vậy, thay van tim nhân tạo sống được bao lâu?
Thay van tim sống được bao lâu phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Tỷ lệ thành công của phẫu thuật thay van tim là khá cao, giúp giảm triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, rất khó đưa ra con số cụ thể cho thay van tim sống được bao lâu. Bởi vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác của bệnh nhân, loại van nào và số lượng van cần thay thế, tuổi thọ từng loại van, các bệnh lý mắc kèm khác, biến chứng sau phẫu thuật, sự tuân thủ dùng thuốc, lối sống. Đó là chưa kể rủi ro bệnh tật, tai nạn…
Thay van tim sống được bao lâu nếu tuổi tăng dần?
Một nghiên cứu trên 2.500 bệnh nhân tại Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ sống thọ trên 5 năm sau khi thay van tim giảm khi tuổi bệnh nhân ngày càng tăng.
Chẳng hạn, thời gian sống sót trung bình ước tính sau phẫu thuật thay van tim sinh học cho người hẹp van động mạch chủ nặng là khoảng 16 năm đối với những bệnh nhân từ 65 tuổi trở xuống và khoảng 12 năm đối với những người từ 65 đến 75 tuổi. Con số này là 7 năm ở những người từ 75 đến 85 tuổi và 6 năm ở những người trên 85 tuổi.
Van nào cần được thay thế
Một bệnh nhân có thể chỉ cần thay một van, nhưng cũng có trường hợp phải thay đến 2 loại van cùng một lúc. Loại van nào cần thay, số van là bao nhiêu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thay van tim sống được bao lâu. Trên thực tế, van động mạch chủ và van hai lá là những loại thường hư hại nặng và phải thay nhiều nhất; còn van ba lá và van động mạch phổi rất ít khi cần can thiệp.
Theo một thống kê tại Thụy Điển, tỷ lệ tử vong sớm (tử vong trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật) là khoảng 5,9% sau khi thay van động mạch chủ, 10,4% sau thay van hai lá và 10,6% sau thay cả van động mạch chủ và van hai lá kết hợp.
Tỷ lệ sống sót tương đối là khoảng 84% trong 10 năm sau thay van động mạch chủ, 68,5% sau khi thay van hai lá và 80,9% sau khi thay cả hai van động mạch chủ và van hai lá.
Biến chứng làm giảm tuổi thọ
Thay van tim có nguy hiểm không? Thay van tim cũng giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào, đều có nguy cơ gặp phải các biến chứng như:
- Nhiễm trùng vết thương, phổi, bàng quang hoặc van tim
- Hình thành cục máu đông
- Chảy máu quá nhiều
- Nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim)
- Suy giảm chức năng thận trong một vài ngày
- Van có thể bị mòn
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Các biến chứng này đều có thể làm giảm sức khỏe hoặc dẫn đến nhiều rủi ro khác cho bệnh nhân, gây giảm tuổi thọ.
Thay van tim sống được bao lâu cũng phụ thuộc vào loại van nhân tạo
Thay van tim cơ học sống được bao lâu? Van cơ học có thể tồn tại trên 30 năm, thậm chí lâu hơn mà không hư hỏng, nhưng buộc bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời. Vì vậy, nó được khuyên dùng khi bệnh nhân dưới 60 tuổi và dùng được thuốc kháng đông máu; người có nguy cơ huyết khối từ trước và đã được chỉ định thuốc kháng đông máu suốt đời. Riêng phụ nữ muốn có thai cần cân nhắc kỹ vì khi đã thay van cơ học, cần ngừng thuốc chống đông trong 3 tháng đầu và sau 36 tuần.
Thay van tim được bao lâu? Van sinh học có nguồn gốc từ động vật, đã được xử lý loại bỏ các chất gây thải ghép nên chỉ cần dùng thuốc chống đông trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nó sẽ thoái hóa theo thời gian và chỉ đạt tuổi thọ trung bình là 8 – 15 năm. Lúc này, buộc phải phẫu thuật lại để thay van mới, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Người càng trẻ hoặc mang thai, tốc độ thoái hóa van càng nhanh. Do đó, van sinh học khuyên dùng cho người trên 60 tuổi (tốc độ thoái hóa van chậm hơn người trẻ), bệnh nhân không có khả năng dùng thuốc chống đông đều đặn và kiểm tra định kỳ, bệnh nhân chống chỉ định với thuốc chống đông máu, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai trong thời gian gần.
Đối với van đồng loài được chỉ định cho bệnh nhân có viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn vì van này kháng khuẩn tốt, không cần dùng thuốc chống đông, tuổi thọ cao hơn van sinh học nhưng thấp hơn van cơ học. Tuy nhiên, số van được hiến tặng rất ít, kích thước cũng không đa dạng nên không phải ai cũng nhận được.
Ngoài ra, nếu chức năng tim đã giảm (suy tim) hay bệnh nhân có mắc thêm bệnh khác,… hoặc duy trì lối sống không lành mạnh thì tuổi thọ sau này cũng sẽ không cao.
Nói là như vậy, nhưng tỷ lệ sống, sức khỏe, khả năng lao động của bệnh nhân khi đã được phẫu thuật vẫn cao hơn rất nhiều so với việc có bệnh van tim nặng nhưng không chịu can thiệp. Vậy nên nếu đã được bác sĩ chỉ định thay van, bạn nên yên tâm chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật sắp tới.
Làm gì để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân sau khi thay van tim?
Hiểu rõ vấn đề thay van tim sống được bao lâu bạn cũng nên biiết thêm những biện pháp để kéo dài được tuổi thọ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên thực hiện những lời khuyên dưới đây:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, đậu giàu chất xơ và các dưỡng chất tốt cho tim mạch; bổ sung nhiều cá nước lạnh; ăn nhạt để giảm huyết áp, giảm áp lực cho van; hạn chế những món muối chua, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, chất béo từ động vật.
- Tập thể dục: Vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể lực, không gắng sức. Tập thể dục hằng ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu qua van hiệu quả, nâng cao thể lực chung.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng ăn uống lành mạnh và giảm cân một cách an toàn.
- Kiểm soát căng thẳng: Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tránh những lo lắng căng thẳng không đáng có.
- Sinh hoạt lành mạnh: Bỏ hút thuốc lá, giảm rượu bia, cà phê.
- Dùng thuốc đúng chỉ định: Bệnh nhân cần uống đủ, đúng giờ, đúng liều thuốc chống huyết khối; đồng thời theo dõi xem có dấu hiệu chảy máu không (dễ bầm tím, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen…) thì thông báo ngay với bác sĩ.
- Thăm khám định kỳ: Đặc biệt là trong 3 tháng đầu cần tái khám liên tục. Sau đó, bệnh nhân cũng cần đi khám định kỳ để bác sĩ theo dõi đáp ứng của cơ thể với thuốc chống đông máu, tình trạng van, phát hiện vấn đề sức khỏe mới (nếu có) và có những điều chỉnh phù hợp.
Hi vọng thông qua bài viết này bạn đã biết rõ được thay van tim sống được bao lâu, cũng như những yếu tố tác động và các biến chứng thường gặp để có giải pháp phòng ngừa và sống khỏe với bệnh nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]