Hở van tim là một bệnh lý phổ biến, xảy ra khi có 1 van tim không đóng kín hoàn toàn sau mỗi lần tim bơm máu ra ngoài, khiến cho máu bị rò rỉ trở lại buồng tin. Tình trạng hở van tim nặng có thể dẫn đến suy tim, tử vong nếu không điều trị. Do đó, nhiều người lo lắng bị hở van tim có di truyền không, liệu con cái của mình có nguy cơ mắc bệnh hay không?
Mời bạn cùng tìm hiểu đáp án qua bài viết dưới đây!
Bệnh hở van tim là gì?
Trước khi làm rõ hở van tim có di truyền không, bạn cần biết thông tin cơ bản về bệnh lý này.
Trái tim được chia thành 4 buồng là tâm nhĩ trái – phải và tâm thất trái – phải. Ngăn cách 4 buồng tim này có 4 lá van như sau:
- Van 2 lá: nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái
- Van 3 lá: nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải
- Van động mạch chủ: nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ
- Van động mạch phổi: nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi.
4 lá van này cho phép dòng máu đi qua tim vào hệ tuần hoàn theo một chiều nhất định, đảm bảo lấy máu giàu oxy từ phổi trở về tim để đưa đến các cơ quan và lấy máu nghèo oxy từ các cơ quan trở về tim rồi đưa lên phổi trao đổi khí.
Khi tim co bóp, van tim mở ra để cho dòng máu đi ra ngoài. Khi tim nghỉ giữa các nhịp đập, van tim đóng kín, ngăn ngừa máu chảy ngược trở lại buồng tim.
Hở van tim xảy ra khi một hoặc nhiều lá van kể trên không đóng kín hoàn toàn mỗi khi tim co bóp. Hậu quả là máu rò rỉ ngược lại buồng tim. Do đó, tim không đảm bảo nhiệm vụ đưa máu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Để bù đắp, tim sẽ phải làm việc bằng cách co bóp nhiều hơn và tăng nhịp tim. Điều này có thể gây ra nhiều biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim, tắc mạch và thậm chí tử vong.
Van tim thường bị hở nhiều nhất và gây hậu quả nặng nề là van 2 lá và van động mạch chủ.
Hở van tim có di truyền không?
Van tim khi bị hở đột ngột sẽ được gọi là hở van cấp tính, còn xảy ra từ từ trong thời gian dài được gọi là hở van mạn tính.
Hở van tim cấp tính có di truyền không?
Nguyên nhân chính chiếm hầu hết các ca bệnh hở van tim cấp tính là do nhiễm trùng bộ máy van, một số khác có thể là do biến chứng cơ học sau chấn thương hay nhồi máu cơ tim. Vì vậy, với trường hợp cấp tính, bạn không cần phải lo lắng hở van tim có di truyền không. Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Tuy nhiên, hở van cấp tính hoàn toàn có thể tiến triển thành hở van tim mạn tính về sau dù nguyên nhân đã được khắc phục.
Hở van tim mạn tính có di truyền không?
Hiện nay đã có những nghiên cứu về vai trò của di truyền trong các trường hợp hở van tim bẩm sinh. Kết quả cho thấy một số đột biến gen có liên quan đến bệnh van tim, cụ thể là bệnh van 2 lá và van động mạch chủ trong.gia đình.
Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm ra đầy đủ các đột biến gen gây bệnh.
Các nguyên nhân khác gây hở van tim mạn tính
Ngoài việc hiểu rõ hở van tim có di truyền không, bạn cũng nên biết về các nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh này vì trong số đó có những nguyên nhân mà bạn có thể chủ động phòng ngừa được.
Nguyên nhân hở van tim 2 lá thường gặp
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Di chứng của bệnh thấp tim
- Sa van 2 lá
- Thoái hóa van do xơ vữa
- Lá van phình do hở van động mạch chủ
- Bệnh cơ tim: phì đại, giãn nở
- Bệnh tim bẩm sinh
- Huyết áp cao
- Thoái hóa van thường thấy ở người cao tuổi bị tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận
- Thiếu máu cơ tim cục bộ, nhồi máu cơ tim
- Hội chứng Marfan, hội chứng Hurler
- Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì
- Bệnh lý thâm nhiễm cơ tim như amyloid, sarcoid.
Nguyên nhân hở van tim 3 lá thường gặp
- Giãn tâm thất phải do suy tim hoặc tăng áp động mạch phổi
- Bệnh tim bẩm sinh
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Hội chứng Marfan
- Thấp tim
- Chấn thương vùng ngực
- Hội chứng carcinoid
- Thoái hóa myxomatous
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Hậu quả của bệnh van hai lá và động mạch chủ.
Các nguyên nhân gây hở van động mạch chủ thường gặp
- Bệnh thấp tim
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Bóc tách động mạch chủ
- Bệnh tim bẩm sinh
- Hội chứng Marfan
- Bệnh giang mai
- Do loạn dưỡng, thường gặp ở người già bị xơ vữa động mạch chủ
- Bệnh mô liên kết
- Bệnh tự miễn
- Chấn thương ngực gây rách động mạch chủ, đứt rách các lá van.
Các nguyên nhân gây hở van động mạch phổi thường gặp
- Thấp tim
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Tăng áp động mạch phổi
- Biến chứng sau phẫu thuật tứ chứng Fallot (một loại bệnh tim bẩm sinh)
- Hội chứng carcinoid
- Bệnh tim bẩm sinh.
Tóm lại, hở van tim có di truyền không thì câu trả lời là có thể, nhưng hiếm gặp. Dù vậy, bạn không nên chủ quan nếu như trong gia đình có người mắc bệnh này. Khám sức khỏe định kỳ luôn là chìa khóa để phát hiện sớm và điều trị bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào, trong đó có hở van tim.
[embed-health-tool-heart-rate]