backup og meta

Tràn dịch màng tim

Tràn dịch màng tim

Tìm hiểu chung

Tràn dịch màng tim là gì?

Tràn dịch màng tim là tình trạng có quá nhiều dịch tích tụ ở giữa hai lớp của màng ngoài tim (ngoại tâm mạc) – một lớp màng bao xung quanh trái tim.

Bình thường ở giữa hai lớp của màng ngoài tim cũng có chứa một ít dịch, khoảng 10–15ml. Thế nhưng, khi màng này bị viêm hoặc tổn thương, dịch có thể bị tích tụ quá mức ở đây. Dịch cũng có thể xuất hiện quá mức trong màng ngoài tim mà không phải do viêm, chẳng hạn như trường hợp chảy máu sau chấn thương ngực.

Tràn dịch màng tim tạo thêm áp lực lên tim, gây ảnh hưởng đến chức năng của tim. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị suy tim, thậm chí tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng tràn dịch màng tim

Bạn có thể bị tràn dịch màng tim mà không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào, đặc biệt khi dịch tích tụ dần dần trong màng tim. Tình trạng này có thể xảy ra nhanh chóng (cấp tính) hoặc hình thành từ từ, kéo dài hơn 3 tháng (mạn tính).

Khi có biểu hiện triệu chứng, bạn có thể cảm thấy:

  • Thở nông hoặc khó thở
  • Khó chịu trong lúc thở khi nằm xuống
  • Đau ngực, thường đau ở sau xương ức hoặc bên trái lồng ngực
  • Ngực căng phồng

Trường hợp tràn dịch màng tim gây ra chèn ép tim, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Môi và da có màu xanh nhạt
  • Sốc
  • Thay đổi trạng thái tinh thần

Khi cảm thấy đau ngực kéo dài hơn một vài phút hay gặp khó khăn/đau khi thở hoặc ngất xỉu không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân tràn dịch màng tim là gì?

Tình trạng này có thể xảy ra do viêm màng ngoài tim khi có tổn thương hoặc bệnh lý ở tim. Đôi khi, dòng chảy của dịch trong màng ngoài tim bị chặn hay máu bị tắc nghẽn ở màng này do chấn thương lồng ngực, từ đó gây ứ dịch tại đây.

Một vài trường hợp, nguyên nhân gây tràn dịch màng tim không xác định được, như khi viêm màng ngoài tim vô căn.

Các nguyên nhân khác gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Viêm màng ngoài tim sau khi phẫu thuật tim hoặc đau thắt ngực
  • Rối loạn tự miễn, như viêm khớp dạng thấp hay lupus
  • Ung thư di căn, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tế bào hắc tố (melanoma), bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin
  • Ung thư màng ngoài tim
  • Xạ trị ung thư ở khu vực lồng ngực
  • Thuốc hóa trị ung thư, như doxorubicin và cyclophosphamide
  • Tăng urê huyết do suy thận
  • Suy giáp
  • Nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng
  • Chấn thương hoặc có vết thương sâu ở gần tim
  • Một số thuốc dùng theo đơn của bác sĩ, bao gồm hydralazine (điều trị tăng huyết áp), isoniazid (trị lao phổi), phenytoin (thuốc điều trị động kinh)
tràn dịch màng tim
Nguồn: HealthLinkBC

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tràn dịch màng tim?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị tràn dịch màng tim, họ sẽ đề nghị làm một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán, đồng thời xác định nguyên nhân và tìm ra cách điều trị phù hợp.

Kiểm tra sức khỏe

Trước tiên, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra thông thường, như dùng ống nghe để nghe tiếng tim đập.

Siêu âm tim

Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của trái tim ngay tại thời điểm thực hiện. Khi đó, bác sĩ tim mạch có thể nhìn thấy mức độ tràn dịch màng tim dựa trên khoảng không gian giữa hai lớp của màng ngoài tim. Hình ảnh thu được cũng cho thấy chức năng của tim bị suy giảm do có áp lực ép lên tim (chèn ép tim).

Bác sĩ cũng nhìn thấy liệu có buồng tim nào bị chèn ép hay không và hiệu quả bơm máu của tim. Có 2 loại siêu âm tim:

  • Siêu âm tim qua thành ngực (transthoracic echocardiogram). Nhân viên y tế sẽ dùng một đầu dò siêu âm di chuyển qua lại trên ngực để thu được hình ảnh của tim.
  • Siêu âm tim qua thực quản (transesophageal echocardiogram). Một đầu dò phát ra tần số cao nối với ống dài như ống nội soi dạ dày được đưa qua miệng, xuống cổ họng và đi vào thực quản. Do thực quản nằm sát với các buồng tim và mạch máu lớn ở cuống tim nên cho hình ảnh cấu trúc tim rõ nét hơn.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ (ECG hay EKG) sẽ ghi lại các tín hiệu điện truyền qua tim. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả này để xem bạn có bị chèn ép tim hay không.

Chụp X-quang ngực

Kết quả chụp X-quang có thể cho thấy hình ảnh tim phì đại nếu dịch tích tụ nhiều ở màng ngoài tim.

Các xét nghiệm hình ảnh khác

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là các kỹ thuật có thể giúp phát hiện tràn dịch màng tim.

Các xét nghiệm khác

Nếu có bằng chứng tràn dịch màng tim, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân.

Những phương pháp điều trị tràn dịch màng tim

Bác sĩ sẽ điều trị tình trạng này phụ thuộc vào lượng dịch tích tụ trong màng tim, nguyên nhân gây tràn dịch và khả năng chèn ép tim có thể xảy ra hay không. Điều trị nguyên nhân gây tràn dịch thường sẽ giải quyết được vấn đề này.

Thuốc giảm viêm

Nếu không bị chèn ép tim hoặc không có nguy cơ xảy ra chèn ép tim, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc giúp điều trị viêm màng ngoài tim – một nguyên nhân góp phần gây tràn dịch màng tim:

Các phương pháp điều trị khác

Nếu dịch tích tụ trong màng ngoài tim quá nhiều và gây ra các triệu chứng khiến bạn dễ bị chèn ép tim hoặc đã bị chèn ép tim, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một trong các biện pháp sau đây để hút dịch ra ngoài hoặc ngăn cho dịch bị ứ trở lại:

  • Dẫn lưu dịch. Bác sĩ sẽ dùng kim và một ống thông nhỏ (catheter) đưa vào màng ngoài tim để hút dịch dư thừa ra ngoài. Phương pháp này được gọi là chọc màng ngoài tim.
  • Phẫu thuật tim hở. Nếu có máu chảy vào màng ngoài tim, đặc biệt khi do phẫu thuật tim gần đây hoặc các yếu tố phức tạp khác, bạn có thể phải trải qua phẫu thuật để hút các thứ ở trong màng ngoài tim ra ngoài và điều trị tổn thương. Đôi khi, bác sĩ sẽ tạo một “con đường’ dẫn lưu từ màng ngoài tim vào khoang bụng để thoát bớt dịch dư thừa khi cần.
  • Nong màng ngoài tim bằng bong bóng (balloon pericardiotomy). Đây là một phương pháp hiếm khi được thực hiện. Một bong bóng không có hơi được chèn vào giữa hai lớp màng ngoài tim rồi sau đó bơm phồng lên để tạo khoảng không giữa hai lớp màng.
  • Cắt bỏ màng ngoài tim. Phẫu thuật cắt bỏ một hoặc một phần màng ngoài tim thường dùng để điều trị tràn dịch màng tim tái phát mặc dù đã được đặt ống thông dẫn lưu.

Biến chứng

Tràn dịch màng tim có thể gây ra những biến chứng gì?

Tùy thuộc vào lượng dịch bị tích tụ ở màng ngoài tim, lớp màng này có thể giãn ra một phần để chứa dịch. Tuy nhiên, khi dịch bị ứ quá tại đây và làm tăng áp lực lên tim, khiến các buồng tim không được đổ đầy máu hoàn toàn.

Khi đó, chèn ép tim sẽ xảy ra khiến cho lưu thông máu kém đi và cơ thể không được cung cấp đủ oxy. Chèn ép tim có thể gây đe dọa đến tính mạng và đòi hỏi phải xử lý khẩn cấp (cấp cứu).

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pericardial effusion. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pericardial-effusion/symptoms-causes/syc-20353720. Ngày truy cập 05/03/2020.

Pericardial Effusion. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17351-pericardial-effusion. Ngày truy cập 05/03/2020.

What to Know: Pericardial Effusion. https://www.webmd.com/heart-disease/guide/pericardial-effusion#1. Ngày truy cập 05/03/2020.

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao? | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người đột quỵ | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo