Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các tĩnh mạch ở chân hoặc bàn chân bị giãn rộng bất thường. Bất kỳ tĩnh mạch nào gần bề mặt da trên cơ thể đều có thể gặp tình trạng này, trong đó suy giãn tĩnh mạch chân là phổ biến nhất. Nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân có thể xuất phát từ chính thói quen hằng ngày của bạn hoặc một số vấn đề khác.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân là do đâu?
Động mạch mang máu từ tim đến các phần còn lại của cơ thể. Tĩnh mạch đưa máu từ phần còn lại của cơ thể trở về tim. Để làm được điều này, tĩnh mạch ở chân có các van nhỏ giúp đưa máu ngược chiều trọng lực để về tim.
Hoạt động co cẳng chân giống như một máy bơm, cộng với độ đàn hồi của thành tĩnh mạch đẩy máu lên trên. Lúc này, các van mở ra khi máu chảy lên, sau đó, đóng lại để ngăn máu chảy ngược lại.
Nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân chủ yếu là do van tĩnh mạch mất chức năng hoặc thành tĩnh mạch suy yếu. Đôi khi thành tĩnh mạch giãn ra và mất tính đàn hồi khiến các van yếu đi. Máu có thể bị rò rỉ và chảy ngược lại về chân. Hậu quả là máu tích tụ trong tĩnh mạch chân, khiến chúng sưng lên và giãn rộng ra bất thường. Lý do xảy ra tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ đầy đủ. Có rất nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân là gì.
Các yếu tố nguy cơ
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng giãn tĩnh mạch chân:
- Tuổi tác. Lão hóa gây hao mòn các van trong tĩnh mạch, làm cho van yếu hoặc hư hỏng, tĩnh mạch mất tính đàn hồi và cứng lại, khiến máu chảy ngược vào tĩnh mạch và tích tụ ở chân.
- Giới tính. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng giãn tĩnh mạch hơn so với nam giới. Thay đổi nội tiết tố trước kỳ kinh nguyệt, trong khi mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh có thể là một yếu tố nguy cơ, vì nội tiết tố nữ có xu hướng làm giãn thành tĩnh mạch. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị nội tiết tố, chẳng hạn như sử dụng thuốc tránh thai, cũng có thể là nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân.
- Thai kỳ. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên để hỗ trợ thai nhi phát triển nhưng điều này có thể gây thêm áp lực cho tĩnh mạch chân. Ngoài ra, nồng độ nội tiết tố tăng lên trong khi mang thai cũng khiến các thành cơ của mạch máu giãn ra, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Di truyền. Nếu một thành viên trong gia đình bị giãn tĩnh mạch, thì bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh.
- Béo phì. Thừa cân gây thêm áp lực lên tĩnh mạch. Điều này có nghĩa là tĩnh mạch phải làm việc nhiều hơn để đưa máu trở lại tim, tăng áp lực lên các van và khiến van dễ bị rò rỉ hơn.
- Tính chất công việc. Công việc buộc phải đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài có thể là nguyên nhân bị giãn tĩnh mạch chân. Điều này là do máu không thể lưu thông dễ dàng khi bạn đứng hoặc ngồi quá lâu. Ngoài ra, thói quen mặc quần áo bó sát, chẳng hạn như đeo thắt lưng hoặc quần có dây thắt lưng chật có thể làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn về tim.
- Các bệnh lý. Một số bệnh lý, chẳng hạn như táo bón nặng, từng có cục máu đông, mạch máu bất thường hoặc một số khối u trong khung chậu, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch.
- Hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá thường xuyên có nhiều khả năng bị giãn tĩnh mạch hơn. Thuốc lá làm hỏng mạch máu, giảm lưu lượng máu và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Hiểu rõ nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân để phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân bao gồm:
- Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp để giảm áp lực lên tĩnh mạch chân. Bạn có thể tính cân nặng khỏe mạnh của mình thông qua chỉ số BMI tại đây. Nếu thừa cân, hãy giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống và hoạt động thể lực.
- Tập thể dục cường độ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như đi bộ trong khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất ba lần một tuần để khuyến khích máu lưu thông.
- Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ, ít muối để ngăn ngừa sưng phù do giữ nước.
- Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc.
- Bỏ thuốc lá.
- Nâng cao chân khi ngồi hoặc nằm để cải thiện lưu lượng máu từ chân đến tim.
- Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu trong thời gian dài và thay đổi tư thế thường xuyên trong ngày.
- Tránh giày cao gót.
- Không mặc quần áo bó sát quanh eo, chân hoặc háng vì những loại quần áo này có thể làm giảm lưu lượng máu.
Thực hiện những điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa và giữ cho tình trạng giãn tĩnh mạch chân cải thiện hay ít nhất là không diễn tiến nặng hơn.
Bạn có thể quan tâm: 9 cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà an toàn và hiệu quả
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân giãn tĩnh mạch chân cũng như các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh. Để phòng ngừa và ngăn bệnh trở nặng, hãy thực hiện những biện pháp thay đổi lối sống trên ngay từ hôm nay nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]