Block nhánh phải tuy chưa phải là một tình trạng quá trầm trọng nhưng cũng có thể dẫn đến khó thở, trống ngực hay đau tức ngực. Vậy bạn nên làm gì để ổn định nhịp tim và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng?
Triệu chứng tim đập chậm, choáng váng, mệt mỏi đôi khi có thể do chứng block nhánh phải khiến tim đập chậm và không cung cấp đủ máu tới các cơ quan. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem block nhánh phải có nguy hiểm không và cách giữ nhịp tim ổn định để đảm bảo sức khỏe.
Block nhánh phải là gì?
Block nhánh phải là tình trạng xung động điện truyền qua phía bên phải của tim bị gián đoạn trong khi phía bên trái vẫn bình thường, khiến hai bên trái phải của tim co bóp không đồng thời.
Block nhánh phải được chia thành hai loại là block hoàn toàn và không hoàn toàn. Trong đó, block nhánh phải không hoàn toàn (incomplete right bundle branch block) là một thể nhẹ của block nhánh phải hoàn toàn (complete right bundle branch block).
Nguyên nhân gây block nhánh phải
Hệ thống dẫn truyền điện tim ở tâm thất phải (buồng tim phía dưới bên phải) không được bao bọc trong cơ chắc chắn như tâm thất trái nên rất dễ bị đứt, giãn và gây ra block tim nhánh phải. Ngoài ra, các bệnh tim mạch gây tổn thương cơ tâm thất hoặc làm gia tăng áp lực mạn tính buồng tâm thất phải cũng có thể gây block nhánh phải. Những bệnh có thể kể đến là:
- Bệnh gây tổn thương tại tim: Bệnh động mạch vành, viêm cơ tim, tim bẩm sinh (thông thất, thông nhĩ), bệnh van tim, nhồi máu cơ tim.
- Bệnh và yếu tố nguy cơ làm tăng áp lực động mạch phổi: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thuyên tắc phổi do huyết khối hay do rối loạn hô hấp (ngưng thở khi ngủ), suy tim phải.
Ngoài ra, suy nút xoang do tuổi già hoặc tăng kali máu quá mức cũng có thể gây ra tình trạng này.
Triệu chứng block nhánh phải
Dấu hiệu block nhánh phải hiếm khi xuất hiện ở người chỉ bị block nhánh đơn thuần mà thường có ở người mắc thêm các bệnh tim mạch tiềm ẩn khác. Khi đó, chứng block này có thể gây ra các triệu chứng như:
- Trống ngực
- Chóng mặt, lâng lâng
- Đau ngực, nặng ngực
- Khó thở, dễ mệt khi tập thể dục
Nếu block hoàn toàn nhánh phải, nhịp tim giảm xuống 40 nhịp/phút sẽ làm giảm đáng kể chức năng bơm máu của tim ở những người mắc kèm bệnh tim, phổi hoặc suy nút xoang. Tim đập chậm dẫn đến thiếu máu đến các cơ quan, đặc biệt là não, gây ra triệu chứng mệt mỏi, choáng ngất và ngưng tim tạm thời.
Bạn có thể dễ dàng phát hiện block nhánh bằng điện tâm đồ nhờ sự thay đổi hình thái sóng điện tim đặc trưng. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ còn phải căn cứ trên tiền sử bệnh, các triệu chứng, siêu âm tim, xét nghiệm máu hoặc X-quang tim phổi để sàng lọc nguyên nhân gây block tim.
Phương pháp điều trị block nhánh phải
Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của bạn mà tình trạng này được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.
Ở người khỏe mạnh
Nếu bạn không bị bệnh tim, phổi, block nhánh phải không được coi là bệnh vì chứng này hiếm khi gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim và chưa cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần khám định kỳ 1 – 2 năm một lần và làm điện tâm đồ ECG để theo dõi tiến triển của bệnh nếu phát hiện bị block nhánh phải.
Ở những người mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Khi bị block nhánh phải ở thể nhẹ (chưa bị block hoàn toàn), bệnh dễ tiến triển sang thể nặng (block nhánh phải hoàn toàn). Khi đó, quá trình điều trị cần tập trung vào kiểm soát nguyên nhân gây bệnh.
Một số trường hợp block nhánh phải nặng (như hội chứng nút xoang, sau nhồi máu cơ tim…) gây nhịp tim chậm có nguy cơ tử vong cao cần được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Bạn nên làm gì khi bị block nhánh phải?
Ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thay đổi lối sống để giảm thiểu rủi ro do các bệnh tim, phổi tiềm ẩn. Bạn có thể tham khảo một số việc cần làm như sau:
- Theo dõi các triệu chứng bệnh thường xuyên và tái khám ngay khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, ngất hoặc các bất thường khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Bỏ hút thuốc lá và giảm cân nếu bạn đang thừa cân.
- Ăn thực phẩm tốt cho tim như rau xanh, trái cây vì loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ giúp giảm cholesterol, giảm mỡ máu và giảm nguy cơ tim mạch.
- Vận động để tăng cường khả năng co bóp của tim bằng cách đi bộ thay vì đi thang máy, tập yoga, đạp xe, tập Thái Cực quyền…
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn block nhánh phải là gì cũng như cách khắc phục tình trạng này. Dù block nhánh phải so với block nhánh trái ít nguy hiểm hơn nhưng bạn vẫn cần kiểm tra định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần kết hợp lối sống lành mạnh. Nhờ đó, bạn có thể phòng ngừa bệnh tiến triển thành block hoàn toàn, giúp tim đập ổn định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như giảm gánh nặng điều trị.
[embed-health-tool-heart-rate]