Bệnh động mạch cảnh, hay hẹp mạch cảnh, có thể gây đột quỵ và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân nếu không kịp thời cấp cứu và điều trị. Vì vậy, đừng bao giờ chủ quan trước căn bệnh này.
Bệnh động mạch cảnh dẫn tới đột quỵ như thế nào, cách điều trị và phòng ngừa ra sao cho hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ là do đâu?
Động mạch chịu trách nhiệm mang máu giàu oxy và chất dinh dưỡng từ tim đến não và toàn bộ cơ thể. Mỗi người có thể sờ thấy hai động mạch cảnh của mình ở mỗi bên của cổ, ngay phía dưới góc hàm. Hai mạch máu này giữ nhiệm vụ cung cấp máu cho các phần của não.
Bệnh động mạch cảnh xảy ra khi các động mạch cảnh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, hầu hết do xơ vữa động mạch cảnh gây ra. Ban đầu, vì một lý do nào đó, chẳng hạn như hút thuốc lâu năm, tăng huyết áp,… làm thành mạch bị tổn thương. Lúc này, chất béo, cholesterol, canxi, mô sợi và các mảnh vụn tế bào khác sẽ tích tụ tại vị trí tổn thương, tạo thành mảng bám. Những mảng bám này làm thu hẹp động mạch cảnh, giảm lưu lượng máu chảy qua.
Mảng bám tiến triển dần theo thời gian, khi đủ lớn có thể sẽ gây bít tắc hoàn toàn mạch cảnh. Ngoài ra, mảng bám cũng có thể vỡ ra, lơ lửng trong dòng máu và tiếp tục huy động thêm tiểu cầu, sợi fibrin đến tạo thành cục máu đông. Cục máu đông quá lớn cũng sẽ làm tắc động mạch cảnh. Hậu quả là nguồn máu từ tim lên não bị cắt đứt toàn bộ, gây ra đột quỵ nhồi máu não cấp.
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp vì có thể khiến bạn bị tổn thương não vĩnh viễn, di chứng tàn phế về lâu dài, thậm chí gây tử vong.
Những dấu hiệu đột quỵ do bệnh động mạch cảnh
Trong giai đoạn đầu khi sự tắc hẹp chưa nghiêm trọng, bệnh thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào đáng kể. Tình trạng này có thể không được phát hiện cho đến khi đủ nghiêm trọng để gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ.
TIA là tình trạng mất lưu lượng máu đến một vùng não đột ngột, tạm thời, kéo dài trong 2 – 30 phút. Sau đó, các triệu chứng thường biến mất hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Đột quỵ cũng có triệu chứng tương tự nhưng kéo dài hơn, để lại di chứng về sau.
Các triệu chứng của TIA hoặc đột quỵ do bệnh động mạch cảnh có thể bao gồm:
- Đột ngột mất thị lực hoặc nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt, nhìn đôi
- Đột ngột tê hoặc yếu liệt ở một bên mặt, một bên cánh tay/chân hoặc một nửa cơ thể.
- Nói ngọng, khó nói hoặc không hiểu người khác đang nói gì
- Mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp vận động
- Chóng mặt hoặc nhầm lẫn
- Đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân
- Khó nuốt.
50% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ gặp đột quỵ trong vòng 48 giờ sau đó; 10 – 20% có cơn đột quỵ trong vòng 90 ngày và khoảng 30% gặp đột quỵ trong vòng 5 năm nếu không được điều trị đúng mức.
Hãy đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu khẩn cấp nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng của đột quỵ nào. Ngay cả khi các triệu chứng chỉ thoáng qua rồi tự khỏi, hãy đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Ai dễ bị đột quỵ do bệnh động mạch cảnh?
- Tuổi tác càng lớn.
- Nam giới dưới 75 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ, nhưng sau 75 tuổi, phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
- Có người thân trong gia đình bị xơ vữa mạch máu hoặc các bệnh tim mạch khác.
- Mỡ máu cao, đặc biệt là LDL cholesterol và triglycerid.
- Hút thuốc lá, dễ gây kích ứng niêm mạc thành động mạch, làm tăng nhịp tim và huyết áp.
- Tăng huyết áp
- Bệnh tiểu đường thường kéo theo rối loạn mỡ máu.
- Thừa cân, béo phì.
- Ngưng thở khi ngủ vào ban đêm.
- Lối sống ít vận động góp phần gây huyết áp cao, tiểu đường và béo phì.
Những phương pháp điều trị và phòng ngừa đột quỵ do bệnh động mạch cảnh
Mục tiêu chính trong việc điều trị bệnh là kiểm soát tình trạng hẹp mạch cảnh và ngăn ngừa đột quỵ. Các phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn trong động mạch cảnh, thường bao gồm sự kết hợp của thay đổi lối sống, dùng thuốc và một vài trường hợp nghiêm trọng sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật.
Thay đổi lối sống
Một lối sống khoa học không thể chữa khỏi hoàn toàn tình trạng hẹp mạch cảnh nhưng sẽ ngăn ngừa bệnh tiến triển và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Những thay đổi lối sống có thể bao gồm:
- Bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh và bệnh tim mạch khác. Chất nicotine trong thuốc lá có thể làm co mạch máu. Điều này làm giảm lưu lượng máu qua động mạch.
- Kiểm soát các bệnh lý mạn tính. Kiểm soát các tình trạng như bệnh tiểu đường và huyết áp cao giúp bảo vệ động mạch của bạn.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân góp phần vào các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và ngưng thở khi ngủ.
- Hạn chế cholesterol và chất béo. Cắt giảm chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn có thể làm giảm sự tích tụ của các mảng bám trong động mạch.
- Ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Những loại thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng như kali, folate và chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ chống lại TIA hoặc đột quỵ.
- Hạn chế muối. Lượng muối dư thừa có thể làm tăng huyết áp. Các chuyên gia khuyến cáo rằng người lớn khỏe mạnh nên ăn ít hơn 1.500 mg natri mỗi ngày.
- Tập thể dục đều đặn. Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp, tăng mức cholesterol tốt và góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể của mạch máu và tim. Hơn nữa, tập luyện thể chất cũng giúp bạn giảm cân, kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm căng thẳng.
Thuốc men
Một số các loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn trong quá trình điều trị bao gồm:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Tất cả các bệnh nhân mắc bệnh động mạch cảnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc này nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông, phổ biến là aspirin, clopidogrel và dipyridamole.
- Thuốc giảm cholesterol: Statin là một nhóm thuốc giảm cholesterol được dùng khá phổ biến. Một số loại statin nhất định có thể làm giảm độ dày của mảng xơ vữa.
- Thuốc chống đông máu: Warfarin có thể được kê đơn để làm loãng máu và giảm nguy cơ đông máu.
- Thuốc hạ huyết áp: Dành cho bệnh nhân có cao huyết áp.
- Chất kích hoạt plasminogen mô (t-PA): Đây là một loại thuốc làm tan cục máu đông được dùng để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Thuốc được tiêm trong vòng ba giờ kể từ khi bắt đầu có các triệu chứng đột quỵ.
Phẫu thuật
Nếu động mạch cảnh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn nghiêm trọng, thường là từ 50% trở lên, bác sĩ có thể cần phải làm thủ thuật để mở rộng lòng động mạch.
Chúng có thể bao gồm:
- Phẫu thuật cắt nội mạc động mạch cảnh: Đây phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh động mạch cảnh. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường dọc phía trước cổ, sau đó mở động mạch cảnh bị ảnh hưởng và loại bỏ các mảng bám. Sau khi hoàn tất, họ sẽ khâu động mạch lại. Phương pháp này hiệu quả cho những bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh từ 50% trở lên và cả với những bệnh nhân không có triệu chứng bị hẹp động mạch cảnh từ 60% trở lên.
- Đặt stent và nong động mạch cảnh: Nếu vị trí tắc nghẽn quá khó tiếp cận bằng phẫu thuật hoặc việc phẫu thuật có nguy cơ rủi ro cao thì đặt stent có thể được chỉ định. Bạn sẽ được gây tê cục bộ, tiếp theo dùng một ống thông mang theo quả bóng cao su nhỏ luồn từ động mạch đùi tại nếp gấp bẹn đến động mạch cảnh bị tắc. Tại đây, quả bóng được bơm căng để mở rộng động mạch, sau đó để lại ống lưới nhỏ (stent) để giữ cho động mạch không bị hẹp trở lại. Bệnh nhân thường trở lại các hoạt động bình thường trong vòng một đến hai tuần sau các thủ thuật này.
Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh động mạch cảnh, cũng như cách điều trị và phòng ngừa những rủi ro đột quỵ và tử vong do căn bệnh này gây ra.
[embed-health-tool-heart-rate]