Suy tim giai đoạn cuối khiến nhiều người không khỏi hoang mang nghĩ mình đã cận kề cửa tử khi phải chịu đựng những cơn ho kéo dài, khó thở, mệt mỏi… Tuy nhiên, nếu bạn biết cách chăm sóc và điều trị thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Suy tim giai đoạn cuối có thể được xem là chặng dừng chân cuối cùng của các bệnh tim mạch. Với nhiều người, điều đáng sợ hơn cả là đợt mệt mỏi triền miên, những cơn ho, khó thở xuất hiện ngay cả khi nằm nghỉ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là mọi giải pháp điều trị lúc này đều đã trở nên vô nghĩa hay bạn chỉ còn có thể phó mặc cho số phận.
Thực tế, người bệnh vẫn có thể sống chung với bệnh cùng những chỉ dẫn về cách chăm sóc, điều trị để giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Đây mới chính là điều quan trọng nhất giúp bạn duy trì ngay cả khi đã bước vào giai đoạn cuối của bệnh suy tim.
Biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối
Suy tim không có nghĩa là tim ngừng đập mà chính xác thì suy tim chính là tình trạng tim bơm máu kém hiệu quả. Theo Ths. Bs Nguyễn Đình Hiến – Trưởng khoa Nội Tim Mạch Việt Nam: “Suy tim giai đoạn cuối là mức độ nặng nhất của suy tim độ 4, người bệnh dường như không còn đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa nào. Khi ấy, họ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm và nhập viện thường xuyên hơn”.
Khoảng cách đến giai đoạn cuối của mỗi người không giống nhau, có thể diễn ra chậm ở một số người nhưng lại diễn tiến rất nhanh ở những người khác. Sau đây là những dấu hiệu có thể nhận thấy ở người đang bước vào giai đoạn cuối của bệnh:
- Không muốn ăn hay uống gì
- Giờ giấc ngủ, thức không cố định
- Huyết áp và nhịp tim không ổn định
- Đi tiểu ít hơn và lượng nước tiểu cũng giảm
- Kiệt sức đến mức không thể tự rời khỏi giường
- Tay chân lạnh, nhợt nhạt do thân nhiệt xuống thấp
Khi đã chuyển sang giai đoạn cuối, các triệu chứng suy tim sẽ biểu hiện trầm trọng hơn. Những biến chứng nghiêm trọng xuất hiện trên cơ thể người bệnh suy tim giai đoạn cuối khiến họ phải vào viện thường xuyên.
Biến chứng thường gặp ở người suy tim giai đoạn cuối
Các biến chứng nguy hiểm ở người bệnh có thể kể đến như:
• Suy thận: Do lưu lượng máu đến thận giảm nên thận không thể đảm bảo chức năng lọc và đào thải dịch dư thừa cùng các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
• Suy gan: Gan bị tích tụ dịch lâu ngày sẽ bị to ra, cản trở khả năng hoạt động, lâu dần dẫn đến xơ gan, viêm gan.
• Nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Tốc độ máu chảy trong tim chậm hơn bình thường sẽ tạo điều kiện hình thành các cục máu đông, gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
• Phù phổi cấp: Đây là biến chứng suy hô hấp cấp tính do dịch ứ trệ tại phổi và cần được cấp cứu kịp thời.
Suy tim giai đoạn cuối sống được bao lâu? Thời gian sống của người bệnh suy tim giai đoạn cuối rất khó nói trước, có thể tính bằng năm, nhưng cũng có khi là vài tháng hay vài tuần. Đối với người bệnh ở giai đoạn cuối, việc chăm sóc, khuyến khích, động viên để người bệnh có tinh thần lạc quan, thoải mái chính là điều quan trọng hơn cả.
Cách giảm triệu chứng suy tim giai đoạn cuối
Bệnh tim giai đoạn cuối có chữa được không? Suy tim là một bệnh lý mạn tính và cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào giúp trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số cách điều trị suy tim nặng đang được áp dụng phổ biến dưới đây có thể giúp bạn nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng bệnh.
1. Duy trì sử dụng thuốc điều trị suy tim
Khi ở giai đoạn cuối của bệnh suy tim, người bệnh hầu như đã không còn đáp ứng với thuốc điều trị nữa. Tuy vậy, việc sử dụng thuốc vẫn là điều quan trọng không thể bỏ qua nhằm giảm nhẹ tình trạng phù, khó thở.
Bạn cần tự chủ động tuân thủ dùng đúng thuốc, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ hoặc có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ phía người thân.
2. Theo dõi sát tình trạng bệnh
Bạn cần lưu tâm tới triệu chứng ho có đờm hay bọt hồng vì đây là biểu hiện của cơn phù phổi cấp, cần được đến bệnh viện sớm để có hướng xử trí kịp thời. Khi nằm nghỉ, người bệnh nên nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi bằng cách kê cao gối để giúp dễ thở và bớt ho hơn.
Ngoài ra, việc theo dõi sát diễn biến cân nặng cũng sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Theo đó, nếu thừa cân là bước đầu cảnh báo suy tim đang tiến triển dần sang giai đoạn cuối, thì sụt cân nhanh thường là dấu hiệu cảnh báo suy tim ở giai đoạn cuối.
3. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Một khi bị suy tim ở giai đoạn cuối, người bệnh thường có cảm giác no, bụng đầy trướng mặc dù ăn ít; cơ thể nặng nề kèm theo ho, khó thở. Bởi vậy, người bệnh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim giúp giảm tình trạng trướng bụng nhưng vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đồng thời giảm khó thở, ho, mệt mỏi.
Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia tim mạch sẽ giúp người bệnh suy tim thực hiện chế độ ăn uống khoa học:
• Giảm lượng natri đến mức tối đa: Muối và các thực phẩm giàu natri (sò, trứng, sữa,…) sẽ khiến cơ thể giữ nước, ảnh hưởng đến tình trạng suy tim, gây phù. Lượng natri khuyến cáo là không quá 2g mỗi ngày. Người bị suy tim nặng thì cần thiết phải ăn nhạt hoàn toàn.
• Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Các loại rau, đậu và ngũ cốc giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, kiểm soát cholesterol trong máu cũng như lượng đường trong máu.
• Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo: Trong thực đơn hàng ngày, bạn nên giảm lượng chất béo, hạn chế các loại thịt đỏ, thịt mỡ, đồng thời ưu tiên chế biến các món hấp, luộc.
• Bổ sung thực phẩm có chứa nhiều kali: Người bệnh suy tim thường phải sử dụng thuốc lợi tiểu nhưng việc này sẽ làm cho lượng kali bị giảm đáng kể. Do đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, chuối, bơ,… để duy trì hoạt động của tim.
Ngoài cách lựa chọn thành phần trong chế độ ăn thì người bệnh cũng nên chú ý đến khâu chế biến thức ăn dạng xay nhuyễn để dễ tiêu hơn, tránh chướng bụng.
Thay vì lo lắng hay buông xuôi, điều ý nghĩa nhất với những người suy tim giai đoạn cuối là bạn cần giữ thái độ lạc quan và tìm ra giải pháp chữa trị bệnh hiệu quả. Nếu kiên trì đẩy lùi bệnh, bạn sẽ càng có thêm nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống và ở bên cạnh những người mình yêu thương.
[embed-health-tool-heart-rate]