Suy tim tâm trương chiếm khoảng 40 – 50% các trường hợp suy tim ở người lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến suy tim toàn bộ, kéo theo đó là một loạt các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Vậy, suy tim tâm trương là gì, nguyên nhân nào có thể gây ra nó? Nếu không may mắc bệnh thì người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như thế nào, cách chẩn đoán và điều trị ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây
Tìm hiểu chung
Suy tim tâm trương là gì?
Suy tim tâm trương hay rối loạn chức năng tâm trương là gì? Suy tim tâm trương còn được gọi là suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) hoặc rối loạn chức năng tâm trương thất trái là tình trạng bất thường về sự đàn hồi của buồng tim, dẫn đến việc tâm thất trái (buồng tim phía dưới, bên trái) không đủ khả năng để tiếp nhận đầy đủ máu trong giai đoạn tâm trương (là giai đoạn tim thư giãn). Hậu quả là các cơ quan, tổ chức trong cơ thể không được đáp ứng đầy đủ lượng máu theo nhu cầu.
Tình trạng này là do một số nguyên nhân khiến thành cơ tim trở nên dày và cứng hơn làm cho tâm thất trái khó giãn rộng để chứa máu. Theo thời gian, máu ở tâm nhĩ trái không thể tống hết xuống tâm thất trái dẫn đến hiện tượng ứ máu lại ở phổi. Từ đó, gây ra các triệu chứng suy tim trong khi chỉ số phân suất tống máu lại bình thường (EF ≥ 50%).
Suy tim tâm trương là một trong hai loại suy tim trái. Loại còn lại là suy tim tâm thu làm giảm sức bơm của tâm thất trái.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương thường không có biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu nhưng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, vì thế phần lớn các trường hợp được phát hiện ra khi đã bắt đầu tiến triển với các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Khó thở dù đã nghỉ ngơi
- Mệt mỏi
- Khó thở nghiêm trọng hơn khi nằm thẳng, tập thể dục hoặc hoạt động gắng sức
- Ho khan kéo dài hoặc thở khò khè, đôi khi có đờm màu trắng hoặc hồng
- Sưng ở bụng, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bàn chân (phù nề)
- Chóng mặt
- Đi tiểu thường xuyên
- Chán ăn và buồn nôn
- Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây suy tim tâm trương
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tâm trương thất trái là gì? Tìm được nguyên nhân gây bệnh là vấn đề có ý nghĩa rất lớn trong việc quyết định hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Suy tim tâm trương được cho là có liên quan đến một số bệnh lý như:
- Rung tâm nhĩ
- Bệnh động mạch vành
- Bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Huyết áp cao
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Béo phì, hội chứng chuyển hóa
- Bệnh thận mãn tính
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ
- Bệnh hẹp van động mạch chủ
- Bệnh cơ tim phì đại
- Lão hóa
- Rối loạn nhịp tim
- Viêm màng ngoài tim.
Biến chứng
Suy tim tâm trương có nguy hiểm không?
Suy tim tâm trương hay rối loạn chức năng tâm trương thất trái có nguy hiểm không? Suy tim tâm trương có nguy hiểm không tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của biến chứng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của mỗi bệnh nhân. Trong đó, các biến chứng suy tim tâm trương thường gặp nhất có thể kể đến là:
- Thiếu máu
- Rung tâm nhĩ
- Hội chứng suy mòn do tim
- Suy giảm chức năng thận
- Ứ trệ tĩnh mạch chân và loét
- Đột quỵ
Chẩn đoán & Điều trị
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán suy tim tâm trương
Để xác định một người có bị suy tim tâm trương hay không, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám và khai thác các thông tin về bệnh sử, triệu chứng,… Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu để có thêm bằng chứng chính xác cho việc kết luận. Các xét nghiệm phổ biến thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý này bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang ngực
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ (EKG)
- Kiểm tra mức độ căng thẳng
- Đặt ống thông tim.
Những phương pháp điều trị suy tim tâm trương
Mặc dù suy tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể khỏe mạnh và sống chung suốt đời với bệnh lý này nếu phát hiện sớm, có hướng điều trị phù hợp cùng với việc xây dựng một lối sống lành mạnh.
Hiện nay, không thể chữa khỏi bệnh suy tim tâm trương nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng bằng phương pháp dùng thuốc. Các thuốc thường được chỉ định điều trị rối loạn chức năng tâm trương thất trái là:
- Thuốc ức chế men chuyển đổi angiotensin (thuốc ức chế men chuyển) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) có tác dụng làm giãn các mạch máu để cải thiện lưu lượng máu.
- Thuốc chẹn beta có thể làm giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim nhanh.
- Thuốc chẹn kênh canxi và thuốc nhóm nitrat tác dụng kéo dài để làm giãn mạch máu, đặc biệt là những mạch máu nuôi cơ tim.
- Thuốc lợi tiểu giúp giảm bớt tình trạng phù nề, khó thở do tăng đào thải lượng chất lỏng trong cơ thể bằng cách thúc đẩy việc đi tiểu.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị như phẫu thuật sửa chữa van tim hoặc nong mạch có thể thực hiện ở một số trường hợp không đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc. Ghép tim là giải pháp được đề nghị cuối cùng nếu các phương pháp khác không hiệu quả.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh suy tim tâm trương
Giống như bất kỳ bệnh lý nào khác, biện pháp phòng ngừa không thể đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không bị suy tim tâm trương. Nhưng thay vào đó, chúng có thể giúp bạn giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, đồng thời hạn chế xuất hiện biến chứng ở những người đã bị bệnh. Một số biện pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của bạn:
- Vận động. Thường xuyên luyện tập thể dục ở mức độ vừa phải sẽ giúp lưu thông tuần hoàn và giảm căng thẳng cho cơ tim.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế ăn đường, chất béo bão hòa, cholesterol và muối. Song song đó nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là khi bạn có bất kỳ biểu hiện bất thường nào.
- Kiểm soát cân nặng. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giảm bớt áp lực, căng thẳng lên tim.
- Hạn chế sử dụng rượu. Một số trường hợp có thể phải ngừng uống rượu bia hoàn toàn.
- Bỏ thuốc lá. Có thể ngăn chặn nguy cơ hỏng mạch máu, tăng huyết áp, giảm lượng oxy trong máu và tim đập nhanh.
- Dùng thuốc theo chỉ định. Nếu đang điều trị suy tim tâm trương hoặc một bệnh lý nguyên nhân nào khác, hãy đảm bảo uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý thay đổi hoặc ngưng thuốc.
Suy tim tâm trương là một bệnh lý mạn tính, các triệu chứng bệnh có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu tuân thủ việc điều trị và biết cách chăm sóc bản thân, người bệnh vẫn có thể cải thiện được tình trạng suy tim để nâng cao chất lượng cuộc sống.
[embed-health-tool-heart-rate]