backup og meta

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ

Tìm hiểu chung

Điện tâm đồ là gì?

Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) là một xét nghiệm ghi lại các tín hiệu điện của tim. Mỗi lần tim đập, một tín hiệu điện truyền qua tim. Điện tâm đồ có thể cho biết tim có đập ở nhịp độ và sức mạnh bình thường hay không. Nó cũng giúp hiển thị kích thước và vị trí của các buồng tim. Điện tâm đồ bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh tim hoặc tổn thương.

Điện tâm đồ là một xét nghiệm không xâm lấn, không gây đau và cho kết quả nhanh. Trong điện tâm đồ, các điện cực (có thể phát hiện hoạt động điện của tim) được gắn vào ngực và đôi khi gắn vào chân. Các điện cực (cảm biến) này thường được giữ trong vài phút.

Đo điện tâm đồ là một xét nghiệm phổ biến được sử dụng để phát hiện các vấn đề và theo dõi tình trạng của tim trong nhiều tình huống. Điện tâm đồ thường được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ hoặc bệnh viện.

đo điện tâm đồ là gì

Mục đích khi thực hiện đo điện tâm đồ?

Điện tâm đồ được sử dụng để đo:

  • Bất kỳ tổn thương hoặc vấn đề bất thường nào cho trái tim
  • Kiểm tra nhịp tim, xem tim có đang đập bình thường không
  • Kiểm tra lưu lượng máu đến cơ tim
  • Ảnh hưởng của thuốc hoặc thiết bị được sử dụng để kiểm soát tim (chẳng hạn như máy tạo nhịp tim)
  • Kích thước và vị trí của các buồng tim.

Khi nào bạn cần đo điện tâm đồ?

Điện tâm đồ thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện để xác định liệu một người có bệnh tim hay không.

Bác sĩ có thể sử dụng điện tâm đồ để chẩn đoán hoặc phát hiện:

  • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
  • Nếu các động mạch ở tim bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp (bệnh động mạch vành) gây ra đau ngực hoặc đau tim
  • Tổn thương tim
  • Đau tim
  • Suy tim
  • Bệnh cơ tim
  • Một số phương pháp điều trị bệnh tim, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim, đang hoạt động hiệu quả như thế nào

Bạn có thể cần đo điện tâm đồ nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây:

  • Đau ngực hoặc đánh trống ngực
  • Chóng mặt, choáng váng hoặc lú lẫn
  • Tim đập nhanh
  • Mạch nhanh
  • Khó thở
  • Suy nhược, mệt mỏi hoặc giảm khả năng tập thể dục.

Bạn cũng có thể cần thực hiện xét nghiệm này nếu bạn:

  • Đã từng bị đau tim hoặc các vấn đề về tim khác trong quá khứ
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim
  • Đã được lên lịch phẫu thuật, bác sĩ sẽ cần kiểm tra sức khỏe tim trước khi làm phẫu thuật
  • Có một máy tạo nhịp tim, xét nghiệm có thể cho biết thiết bị đang hoạt động tốt như thế nào.
  • Đang dùng thuốc điều trị bệnh tim, xét nghiệm có thể cho biết thuốc và phương pháp điều trị đang áp dụng có hiệu quả hay không.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi thực hiện điện tâm đồ

Điện tâm đồ được coi là một thủ thuật an toàn cho hầu hết mọi người. Độ chính xác của việc đo điện tâm đồ phụ thuộc vào tình trạng được kiểm tra. Một vấn đề về tim có thể không phải lúc nào cũng hiển thị trên ECG. Một số tình trạng tim không bao giờ tạo ra bất kỳ thay đổi điện tâm đồ cụ thể nào.

Các biến chứng nào và tác dụng phụ sau khi điện tâm đồ?

Điện tâm đồ không gây đau đớn. Không có nguy cơ bị điện giật trong quá trình thử nghiệm vì các điện cực được sử dụng không tạo ra điện mà chúng chỉ ghi lại hoạt động điện của tim. Các điện cực có thể khiến bạn cảm thấy lạnh khi lần đầu tiên chạm vào da.

Bạn có thể thấy khó chịu nhẹ, tương tự như khi tháo băng, khi tháo các điện cực. Trong một số trường hợp hiếm hoi, một số người có thể bị phát ban hoặc kích ứng nơi các miếng dán điện cực được đặt.

Thử nghiệm gắng sức có thể dẫn đến nhịp tim bất thường và hiếm khi xảy ra cơn đau tim. Những triệu chứng này là do tập thể dục hoặc dùng thuốc, không phải do điện tâm đồ.

Máy ghi vòng cấy ghép có nguy cơ nhiễm trùng nhẹ vì nó liên quan đến thủ thuật phẫu thuật nhỏ. Một số người có thể gặp phản ứng viêm với thiết bị.

Quy trình

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định.

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện điện tâm đồ?

Bạn không cần chuẩn bị đặc biệt khi thực hiện đo điện tâm đồ. Bạn hãy thông báo bác sĩ về bất kỳ loại thuốc và chất bổ sung nào bạn đang dùng vì một số có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Không tập thể dục hoặc uống nước lạnh ngay trước khi đo điện tâm đồ vì những hành động này có thể gây ra kết quả sai lệch.

Quy trình đo điện tâm đồ diễn ra như thế nào?

quy trình đo điện tâm đồ

Thời gian thực hiện

Việc thực hiện điện tâm đồ mất khoảng 5-10 phút.

Cách thực hiện điện tâm đồ

Bác sĩ sẽ đính kèm 10 điện cực gắn với miếng dán vào da ngực, cánh tay và chân. Nếu là nam giới, bạn có thể cần cạo lông ngực để có kết nối tốt hơn. Trong quá trình đo điện tâm đồ, bạn sẽ phải nằm ngửa.

Các miếng dán được kết nối bằng dây với một màn hình. Chúng ghi lại các tín hiệu điện khiến tim đập. Máy tính ghi lại thông tin và hiển thị dưới dạng sóng trên màn hình hoặc trên giấy. Đây chính là kết quả xét nghiệm.

Bạn sẽ cần phải nằm yên trong suốt quá trình làm thủ tục. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn nín thở trong vài giây khi xét nghiệm đang được thực hiện.

Điều quan trọng là phải thư giãn và giữ ấm trong khi ghi điện tâm đồ vì bất kỳ cử động nào, kể cả run rẩy, đều có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Đôi khi xét nghiệm này được thực hiện khi bạn đang tập thể dục hoặc đang bị căng thẳng nhẹ để tìm kiếm những thay đổi trong tim. Loại ECG này thường được gọi là một bài kiểm tra căng thẳng.

Có thể mất đến khoảng 10 phút để gắn các điện cực và hoàn thành xét nghiệm, còn kết quả bản ghi đồ thị thực sự chỉ mất vài giây.

Bác sĩ sẽ giữ các mẫu kết quả điện tâm đồ của bạn trong hồ sơ để có thể so sánh chúng với các xét nghiệm bạn nhận được trong tương lai.

Điều gì xảy ra sau khi đo điện tâm đồ?

kết quả sau khi đo điện tâm đồ

Bạn thường có thể trở lại các hoạt động bình thường sau khi đo điện tâm đồ. Sau khi đo điện tâm đồ, bác sĩ sẽ đọc sóng đồ thị được ghi lại trong quá trình kiểm tra để xem các xung điện chạy qua tim có bình thường hay không. Bác sĩ có thể cho bạn biết kết quả trong cùng một ngày thực hiện hoặc vào cuộc hẹn tiếp theo.

Kết quả đo điện tâm đồ bình thường:

  • Nhịp tim: 60 đến 100 nhịp mỗi phút
  • Nhịp tim: Nhất quán và đều

Kết quả đo điện tâm đồ bất thường có nghĩa là gì?

Nếu kết quả đo điện tâm đồ bất thường, điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc một trong các chứng rối loạn sau:

  • Nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim)
  • Giảm lưu lượng máu đến cơ tim
  • Phình động mạch trong tim
  • Tổn thương hoặc thay đổi cơ tim (thành cơ tim dày lên)
  • Đau tim trong quá khứ hoặc hiện tại
  • Suy tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Viêm cơ tim
  • Thay đổi về lượng chất điện giải (chẳng hạn như kali và canxi) trong máu
  • Chất lỏng hoặc sưng tấy trong túi xung quanh tim.

Nếu kết quả đo điện tâm đồ là bình thường, bạn có thể không cần thêm bất kỳ xét nghiệm nào khác.

Nếu kết quả cho thấy có sự bất thường ở tim, bạn có thể cần làm thêm loại điện tâm đồ khác hoặc các xét nghiệm chẩn đoán khác như siêu âm tim. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Electrocardiogram. https://medlineplus.gov/ency/article/003868.htm. Ngày truy cập: 12/06/2018

Electrocardiogram (ECG or EKG). https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/ekg/about/pac-20384983. Ngày truy cập: 12/06/2018

Electrocardiogram (ECG). https://www.nhs.uk/conditions/electrocardiogram/#:~:text=An%20electrocardiogram%20(ECG)%20is%20a,heart%20each%20time%20it%20beats. Ngày truy cập: 06/06/2022

Electrocardiogram. https://medlineplus.gov/lab-tests/electrocardiogram/. Ngày truy cập: 06/06/2022

Electrocardiogram. https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/electrocardiogram. Ngày truy cập: 06/06/2022

Electrocardiogram (ECG or EKG). https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/diagnosing-a-heart-attack/electrocardiogram-ecg-or-ekg. Ngày truy cập: 06/06/2022

Electrocardiogram. https://www.mountsinai.org/health-library/tests/electrocardiogram. Ngày truy cập: 06/06/2022

Phiên bản hiện tại

06/06/2022

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Đặt máy trợ tim: Quy trình và chi phí

Nhịp tim nhanh trên thất


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 06/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo