Thời gian đặt stent mạch vành được bao lâu không chỉ dựa vào loại stent, kỹ thuật đặt stent mà còn do khả năng tương thích của mỗi người. Có người đặt stent 10–15 năm vẫn duy trì được hiệu quả, nhưng cũng có người mới 6 tháng đã cần thay stent mới.
Đặt stent mạch vành là phương pháp can thiệp tim mạch nhằm mở rộng đoạn mạch vành bị tắc nghẽn bằng giá đỡ kim loại hoặc polymer. Đồng thời đặt stent cũng giúp người bệnh mạch vành nặng có thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần khi gặp phải hội chứng mạch vành cấp tính hoặc làm giảm tình trạng đau thắt ngực do bệnh mạch vành mãn tính.
Hiệu quả sau đặt stent động mạch vành được bao lâu?
Tuổi thọ của stent mạch vành kim loại có thể là vĩnh viễn, còn stent sinh học sẽ tự tiêu trong vòng 2–3 năm. Tuy nhiên, rất khó có câu trả lời chính xác cho câu hỏi tác dụng của stent sau khi đặt được bao lâu vì hiệu quả chống tắc hẹp của stent mạch vành sẽ bị giảm dần theo thời gian tùy thuộc ở mỗi người.
ThS–BS. Nguyễn Đình Hiến – Trưởng khoa nội Tim mạch Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, cho biết: “Việc tái hẹp sớm hay muộn phụ thuộc vào loại stent được đặt, kỹ thuật đặt, vị trí đặt stent cũng như việc tuân thủ chế độ ăn và dùng thuốc của người bệnh”. Chính bởi điều này mà có những người sau 10–15 năm đặt stent sức khỏe vẫn ổn, còn có những người chỉ mới đặt khoảng 6 tháng đã có hiện tượng tái tắc hẹp trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc các triệu chứng đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi lại xuất hiện và có thể họ phải đặt lại stent ngay tại điểm tắc hẹp cũ.
Nguyên nhân giảm tác dụng của stent sau khi đặt
Khoảng thời gian stent còn tác dụng sẽ rút ngắn hơn khi có tái tắc hẹp cùng với sự xuất hiện của huyết khối trong lòng stent, mô sẹo tại vị trí đặt, hoặc chế độ ăn, tập luyện cũng như việc dùng thuốc sau đặt chưa tốt. Ngoài ra, việc lựa chọn loại stent, cơ địa của người bệnh, đáp ứng thuốc chống đông cũng ảnh hưởng đến thời gian đặt stent mạch vành được bao lâu.
- Tái tắc hẹp vì sự tăng sinh mô sẹo: Trong quá trình nong bóng có thể gây ra tổn thương lòng động mạch vành và ngay tại vị trí đặt stent, từ đó hình thành lên các mô sẹo, làm tăng nguy cơ tái tắc hẹp ngay ở đoạn đã đặt stent, thậm chí còn gây chít hẹp cả những đoạn khác.
- Tiếp tục phát triển mảng xơ vữa tại vị trí đã đặt: Đặt stent không có nghĩa là ngăn chặn được mảng xơ vữa phát triển. Các mảng xơ vữa sẽ vẫn tăng sinh nếu chế độ ăn, tập luyện của bạn thiếu khoa học hay do cơ địa.
- Hình thành huyết khối do stent: Khi lòng mạch bị tổn thương do quá trình đặt stent sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây ra cơn đau thắt ngực, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim cấp do tắc mạch vành hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian đặt stent mạch vành được bao lâu.
- Xuất huyết do dùng thuốc chống đông: Việc sử dụng thuốc chống đông lâu dài hoặc dùng với liều không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết ở người bệnh sau đặt stent. Bạn có thể bị xuất huyết dưới da với những vết bầm tím, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nặng hơn có thể là xuất huyết dạ dày…
- Loại stent được sử dụng cũng tác động đến thời gian đặt stent mạch vành được bao lâu. Stent phủ thuốc, đặc biệt là stent trị liệu kép sẽ duy trì được hiệu quả lâu nhất, thời gian tái tắc hẹp sau khi đặt chậm hơn stent kim loại. Sau đây là một số thông tin về các loại stent được sử dụng tại Việt Nam:
- Stent kim loại trần: Đây là loại stent mạch vành thế hệ đầu, được làm từ kim loại trần không có lớp phủ đặc biệt. Khoảng 30% số người bệnh sử dụng stent thường bị tái hẹp lòng động mạch vành trong vòng 6 tháng sau khi đặt.
- Stent phủ thuốc: Loại stent này có khung kim loại được phủ thuốc bên ngoài có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển quá mức của mô sẹo trong động mạch, làm giảm nguy cơ tái hẹp xuống 10%.
- Stent tự tiêu (stent sinh học): Là loại stent cấu tạo từ khung polymer đặc biệt có khả năng tự tiêu sau 2 – 3 năm, từ đó giúp mạch vành khôi phục trở lại với đặc tính tự nhiên ban đầu.
- Stent phủ thuốc có khung tự tiêu: Loại stent này ngoài khung tự tiêu bằng polymer, còn được phủ thuốc bên ngoài để ngăn ngừa sự phát triển của mô sẹo.
- Stent trị liệu kép: Là sự kết hợp của stent sinh học và stent phủ thuốc nhằm ngăn chặn sự phát triển của mô sẹo và thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương trong lòng mạch.
Tuy nhiên, việc chỉ định đặt loại stent nào ngoài phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của bạn, cơ sở y tế tại bệnh viện bạn khám và còn bởi cơ địa của người bệnh có phù hợp không. Bởi vậy, bạn không nên quá lo lắng về vấn đề này, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn để có thể chọn được loại phù hợp nhất.
Cách chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng đến thời gian đặt stent mạch vành được bao lâu
Cách chăm sóc sau can thiệp đặt stent và thay đổi thói quen sống sau khi phẫu thuật quyết định rất lớn đến việc duy trì chức năng stent và thời gian đặt stent mạch vành được bao lâu. Vì vậy, bạn nên lưu ý những điều sau đây để phòng chống nguy cơ tái tắc hẹp và tránh phải đặt thêm stent mới:
Tuân theo chỉ định của bác sĩ
Sau đặt stent, người bệnh cần dùng thuốc thường xuyên theo chỉ định, không tự ý bỏ liều và nên uống thuốc vào đúng một thời điểm trong ngày để tránh quên liều. Đặc biệt với thuốc chống đông thì thời gian uống bao lâu, khi nào dừng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Điều chỉnh chế độ ăn, lối sống
Người bệnh sau đặt stent cần hạn chế ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất béo (cholesterol) như mỡ động vật, các loại thịt đỏ, nội tạng động vật. Thay vào đó, bạn nên ăn thức ăn tốt cho bệnh mạch vành như cá và thịt trắng. Thời gian đầu sau đặt stent động mạch vành, bạn nên ăn thức ăn dễ tiêu, không nên ăn quá no và không sử dụng chất kích thích.
Sau khi sức khỏe hồi phục, bạn nên tập thể dục thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi, thiền, chạy bộ, đạp xe… Nếu đang tập luyện mà thấy có dấu hiệu khó thở, đau ngực, mệt mỏi, choáng váng thì bạn cần dừng lại và nghỉ ngơi.
Thảo Viên HELLO BACSI
[embed-health-tool-heart-rate]