Triglyceride là một trong các chỉ số quan trọng của bộ xét nghiệm bilan lipid máu giúp phản ánh tình trạng sức khỏe tim mạch và các vấn đề chuyển hóa. Mức triglyceride cao trong máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tổn thương tụy. Vậy, triglyceride là gì và chỉ số triglyceride cao uống thuốc gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!
Triglyceride là gì?
Triglyceride là một loại chất béo (lipid) lưu thông trong máu của bạn. Chúng là loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể. Bạn nhận được một số triglyceride từ thực phẩm (như bơ và dầu). Thêm vào đó, khi bạn tiêu thụ nhiều calo hơn mức cần thiết, cơ thể bạn sẽ chuyển hóa bất kỳ lượng calo dư thừa nào mà nó không cần sử dụng ngay thành triglyceride. Khi cơ thể bạn cần năng lượng, nó sẽ giải phóng triglyceride.
Triglyceride khác với cholesterol. Cholesterol là một chất giống như sáp, giống chất béo có trong tất cả các tế bào của cơ thể. Nồng độ triglyceride và cholesterol trong máu được kiểm tra bằng xét nghiệm máu.
Xét nghiệm nồng độ triglyceride trong máu thường bao gồm trong bộ khảo sát bilan mỡ máu (cùng với cholesterol toàn phần, lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp LDL-C và lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao HDL-C.
Triglyceride cao là gì?
Trước khi muốn biết triglyceride cao uống thuốc gì, chúng ta cần hiểu rõ hơn về tình trạng triglyceride cao là gì?
Triglyceride cao (tăng triglyceride) là tình trạng có quá nhiều chất béo trung tính trong máu. Triglyceride là một loại lipid (chất béo) quan trọng được tìm thấy trong máu, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu hàm lượng chất béo trung tính cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Triglyceride cao có thể góp phần làm giảm tính đàn hồi thành động mạch hoặc làm dày thành động mạch (xơ cứng động mạch), góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Triglyceride rất cao cũng có thể gây viêm tuyến tụy cấp tính (viêm tụy cấp do tăng triglyceride).
- Triglyceride bình thường là dưới 150 miligam mỗi deciliter (mg/dL), hoặc dưới 1,7 milimol mỗi lít (mmol/L)
- Triglyceride bất thường là từ 150 đến 199 mg/dL (1,7 đến 2,2 mmol/L)
- Triglyceride cao là từ 200 đến 499 mg/dL (2,3 đến 5,6 mmol/L)
- Triglyceride rất cao từ 500 mg/dL trở lên (5,7 mmol/L trở lên).
Triglyceride bình thường | Dưới 150 mg/dL (hoặc dưới 1,7 mmol/L) |
Triglyceride bất thường | 150 đến 199 mg/dL (1,8 đến 2,2 mmol/L) |
Triglyceride cao | 200 đến 499 mg/dL (2,3 đến 5,6 mmol/L) |
Triglyceride rất cao | 500 mg/dL hoặc cao hơn (5,7 mmol/L trở lên) |
Triglyceride máu cao là một loại rối loạn lipid. Tình trạng này có thể tự phát triển, hoặc đi kèm với các rối loạn lipid khác như cholesterol LDL cao hoặc cholesterol HDL thấp, hoặc là một phần của hội chứng chuyển hóa.
Bình thường | Bất thường | Nguy hiểm | |
Cholesterol toàn phần | Dưới 200 mg/dL (5,2 mmol/L) | 200-239 mg/dL (5,2-6,2 mmol/L) | 240 mg/dL trở lên (Trên 6,2 mmol/L) |
Cholesterol LDL | Dưới 100 mg/dL (2,6 mmol/L) | 100-159 mg/dL (2,6-4,1 mmol/L) | 160 mg/dL trở lên (Trên 4,1 mmol/L) |
Cholesterol HDL | 60 mg/dL trở lên (Trên 1,5 mmol/L) | Nam giới: 40-59 mg/dL (1,0-1,5 mmol/L) Nữ giới: 50-59 mg/dL (1,3-1,5 mmol/L) | Nam giới: Dưới 40 mg/dL Nữ giới: Dưới 50 mg/dL |
Bảng cholesterol lý tưởng theo độ tuổi
Cholesterol toàn phần | Triglyceride | Cholesterol LDL | Cholesterol HDL | |
Dưới 19 tuổi | Dưới 170 mg/dL | Dưới 150 mg/dL | Dưới 110 mg/dL | Trên 45 mg/dL |
Nam giới 20 tuổi trở lên | 125 đến 200 mg/dL | Dưới 150 mg/dL | Dưới 100 mg/dL | Trên 40 mg/dL |
Nữ giới 20 tuổi trở lên | 125 đến 200 mg/dL | Dưới 150 mg/dL | Dưới 100 mg/dL | Trên 50 mg/dL |
Bảng cholesterol cao theo độ tuổi
Cholesterol toàn phần | Cholesterol LDL | Cholesterol Non-HDL | |
Dưới 19 tuổi | Mức bất thường: 170-199 mg/dL Mức cao: 200 mg/dL hoặc cao hơn | Mức bất thường: 110-129 mg/dL Mức cao: 130 mg/dL hoặc cao hơn | Mức bất thường: 120-144 mg/dL Cao: 145 mg/dL trở lên |
20 tuổi trở lên | Mức bất thường: 200-239 mg/dL Mức cao: 240 mg/dL hoặc cao hơn | Gần tối ưu: 100-129 mg/dL Bất thường: 130-159 mg/dL Cao: 160-189 mg/dL Rất cao: 190 mg/dL hoặc cao hơn | Cao: 130 mg/dL hoặc cao hơn |
Triglyceride cao uống thuốc gì?
Bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc để giúp điều chỉnh mức triglyceride khi tăng quá cao và đánh giá là khó cải thiện chỉ với chế độ ăn hoặc luyện tập thể lực đơn thuần. Mục tiêu dùng thuốc hạ nồng độ triglyceride trong máu là làm giảm nguy cơ mắc biến chứng ảnh hưởng đến tim mạch hoặc tuyến tụy. Theo đó, nếu việc thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát mức triglyceride cao, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giảm mỡ máu triglyceride sau đây:
Triglyceride cao uống thuốc gì? Fibrate
Uống thuốc gì để giảm triglyceride? Các loại thuốc fibrate, chẳng hạn như fenofibrate và gemfibrozil, làm giảm quá trình sản xuất cholesterol lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL) của gan và tăng tốc độ loại bỏ chất béo trung tính ra khỏi máu. Fibrate có thể làm giảm mức triglyceride từ 20% đến 70%.
Fibrate không được sử dụng nếu bạn bị bệnh lý thận hoặc gan nặng. Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng sử dụng fibrate kết hợp với statin có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ của statin.
Thuốc giảm triglyceride: Statin
Chỉ số triglyceride cao uống thuốc gì? Câu trả lời là statin, điển hình là atorvastatin và rosuvastatin. Statin là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị LDL cholesterol cao nhưng cũng có thể được sử dụng để làm giảm mức triglyceride, ngăn ngừa nguy cơ mắc các biến cố tim mạch khác. Tùy thuộc vào liều lượng được chỉ định dùng, statin có thể làm giảm mức triglyceride từ 20% đến 40%.
Triglyceride cao uống thuốc gì? Axit béo omega-3
Cùng với việc sử dụng fibrate hay statin, bổ sung axit béo omega-3 có thể hỗ trợ giúp giảm triglyceride. Axit béo omega-3 liều cao (3 – 4g mỗi ngày) có thể được bác sĩ kê đơn cho những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc biến chứng tim mạch, tăng triglyceride kéo dài và luôn từ 150 mg/dL trở lên.
Trong một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, việc điều trị bằng ethyl ester của axit eicosapentaenoic (là một loại axit axit béo omega 3) với liều 4g mỗi ngày cho thấy hiệu quả đáng kể ở bệnh nhân không thể dùng statin.
Axit béo omega-3 có thể tồn tại dưới dạng thuốc theo toa hoặc thực phẩm bổ sung không cần kê đơn. Nếu bạn chọn dùng thực phẩm bổ sung không cần kê đơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn. Bởi việc bổ sung axit béo omega-3 có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác mà bạn đang dùng và liều cao cản trở quá trình đông máu.
Các loại thuốc hạ triglyceride khác
Triglyceride cao uống thuốc gì? Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng nhiều loại thuốc để điều trị khi nồng độ triglyceride tăng rất cao trong máu. Một số loại thuốc giảm triglyceride khác bao gồm:
- Niacin, đôi khi được gọi là axit nicotinic, có thể làm giảm triglyceride và cholesterol LDL xấu nhờ khả năng ngăn chặn gan sản xuất cholesterol LDL và VLDL. Tuy nhiên, niacin có thể gây tổn thương gan và đột quỵ. Vì vậy, hầu hết các bác sĩ hiện nay chỉ khuyên dùng loại thuốc này cho những người không thể dùng statin.
- Ezetimibe, một loại thuốc giảm cholesterol khác, cũng có thể được sử dụng để loại bỏ triglyceride khi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.
Điều trị triglyceride cao bằng thay đổi lối sống
Ngoài việc quan tâm đến vấn đề triglyceride cao uống thuốc gì, bệnh nhân cũng nên kết hợp dùng thuốc với các cách thay đổi lối sống sau đây để hỗ trợ điều trị bệnh:
- Tập thể dục thường xuyên hơn, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần
- Tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế và đường tinh luyện, chẳng hạn như đường dùng làm gia vị hay thực phẩm làm từ bột mì trắng hoặc fructose
- Giảm lượng calo nạp vào để giúp cơ thể giảm cân
- Thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo lành mạnh hơn có trong dầu ô liu, dầu hạt cải…
- Ăn cá béo ít nhất 2 lần mỗi tuần, gồm cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá thu,…
- Hạn chế uống rượu, bia
- Bỏ hút thuốc
- Ngủ đủ giấc
- Giảm căng thẳng.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc triglyceride cao uống thuốc gì. Nếu được bác sĩ kê đơn thuốc giảm triglyceride trong máu, hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định và tuân thủ thêm các hoạt động thay đổi lối sống. Khả năng dung nạp thuốc ở mỗi người là khác nhau. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc nên bạn cần thăm khám thường xuyên với bác sĩ để được theo dõi các tác động bất lợi và can thiệp sớm nếu cần thiết cũng như kiểm tra lại nồng độ triglyceride trong máu nhằm đánh giá hiệu quả điều trị.
[embed-health-tool-bmi]