backup og meta

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không?

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không?

Với những người có chỉ số mỡ máu cao, bác sĩ sẽ yêu cầu họ tuân thủ chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Thế nhưng, nếu lối sống lành mạnh vẫn chưa đủ, người bệnh phải dùng thuốc hạ mỡ máu. Vậy, thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không và cần lưu ý những gì khi dùng thuốc? Biết được những điều này sẽ giúp bạn xây dựng kế hoạch điều trị mỡ máu cao hiệu quả hơn.

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không?

Nhiều người tin rằng khi chỉ số mỡ máu giảm xuống thì không cần phải dùng thuốc nữa. Tuy nhiên, thuốc hạ mỡ máu, nhờ đặc tính kháng viêm, còn có một vai trò khác là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp có chỉ định điều trị là gì. Nếu bạn kiểm soát mỡ máu tốt, không có hoặc có ít nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, bác sĩ có thể cho bạn ngừng dùng thuốc sau một thời gian ngắn. Sau đó, bạn vẫn sẽ phải tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, luyện tập thể lực và kiểm tra mỡ máu định kỳ để đánh giá hiệu quả của các biện pháp không dùng thuốc.

Tuy nhiên, nếu nguy cơ của bạn rất cao (chẳng hạn như từng bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ trước đây, mắc bệnh động mạch ngoại biên), dù chỉ số mỡ máu có bình thường, bạn vẫn buộc phải duy trì sử dụng thuốc mỡ máu lâu dài ở liều thấp. Thuốc cũng được dùng để dự phòng biến chứng tim mạch trong tương lai cho những người mắc bệnh tiểu đường từ 40–75 tuổi và có mức cholesterol LDL từ 70 mg/dL trở lên.

Lưu ý quan sát tác dụng phụ của thuốc mỡ máu

Dù thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không hay chỉ trong thời gian ngắn, việc biết được những tác dụng phụ có thể gặp phải sẽ giúp bạn kịp thời thông báo với bác sĩ và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần.

Bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc hạ mỡ máu duy nhất hoặc kết hợp nhiều loại. Dưới đây là tác dụng phụ không mong muốn của một số nhóm thuốc hạ mỡ máu được kê đơn phổ biến:

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không và lưu ý về tác dụng phụ

Statin

Đại diện gồm atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin, rosuvastatin, simvastatin.

Thuốc có thể gây:

  • Đau cơ
  • Tăng lượng đường trong máu
  • Táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày
  • Chuột rút
  • Tăng men gan.

Chất ức chế hấp thu cholesterol (ezetimibe)

Thuốc có thể gây:

  • Đau dạ dày, tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức cơ bắp
  • Không được dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Chất ức chế PCSK9

Đại diện gồm alirocumab, evolocumab.

Thuốc có thể gây: Ngứa, sưng, đau hoặc bầm tím tại chỗ tiêm.

Chất ức chế lyase citrate

Đại diện gồm axit bempedoic, axit bempedoic-ezetimibe.

Thuốc có thể gây: Co thắt cơ và đau khớp (bao gồm cả cơn gút cấp).

Chất cô lập axit mật

Đại diện gồm cholestyramine, colesevelam, colestipol.

Thuốc có thể gây: Táo bón, đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn.

Chất ức chế hấp thu cholesterol kết hợp statin

Đại diện là ezetimibe – simvastatin.

Thuốc có thể gây:

  • Mệt mỏi
  • Đau dạ dày, đầy hơi, táo bón, đau bụng
  • Chuột rút
  • Đau nhức cơ.

Thuốc chẹn kênh canxi kết hợp statin

Đại diện là amlodipine – atorvastatin.

Thuốc có thể gây:

  • Đỏ bừng mặt và cổ
  • Chóng mặt
  • Tim đập nhanh
  • Đau nhức cơ bắp
  • Tăng lượng đường trong máu
  • Táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày
  • Chuột rút
  • Tăng men gan.

Fibrate

Đại diện gồm fenofibrate, gemfibrozil.

Thuốc có thể gây:

  • Buồn nôn, đau bụng
  • Đau cơ.

Niacin

Thuốc có thể gây:

  • Đỏ bừng mặt và cổ
  • Ngứa
  • Dạ dày khó chịu
  • Tăng lượng đường trong máu.

Axit béo omega – 3

Thuốc có thể gây:

  • Ợ hơi có mùi tanh, khó tiêu
  • Tăng nguy cơ chảy máu
  • Phát ban hoặc ngứa da.

Bạn cần thông báo với bác sĩ nếu nghi ngờ mình gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc.

Hầu hết các loại thuốc hạ mỡ máu đều giúp giảm cholesterol với ít tác dụng phụ hay thuyên giảm dần khi dùng lâu dài. Ngoài ra, hiệu quả dùng thuốc ở mỗi người là khác nhau với mục tiêu cần đạt được là khác nhau. Vậy nên, thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không cũng sẽ không giống nhau ở từng người, dù họ có cùng tình trạng bệnh lý.

Lưu ý khi dùng thuốc hạ mỡ máu

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không và các lưu ý khác
Đừng tự ý giảm liều thuốc hạ mỡ máu vì bất kỳ lý do gì nếu bác sĩ chưa cho phép

Để giảm bớt nỗi lo thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không, nâng cao hiệu quả điều trị và bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt nhất, bạn nên thực hiện những lời khuyên dưới đây:

  • Nắm rõ liều lượng, thời gian sử dụng thuốc tim mạch và tuân thủ đúng.
  • Đừng tự ý giảm liều thuốc hạ mỡ máu vì bất kỳ lý do gì nếu bác sĩ chưa cho phép.
  • Luôn mua thuốc sẵn trước khi hết thuốc để đảm bảo không bỏ hay chậm một liều nào.
  • Duy trì thói quen uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu hay quên, bạn có thể chia sẵn thuốc vào hộp, cài nhắc nhở hay ghi chú trên lịch, điện thoại.
  • Nếu quên uống một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
  • Nhớ mang theo thuốc mỡ máu khi đi du lịch hay công tác xa và chuẩn bị số liều nhiều hơn một chút để phòng ngừa chuyến đi có thể kéo dài hơn dự kiến.
  • Luôn hỏi bác sĩ nếu muốn sử dụng thêm một loại thuốc, kể cả thuốc không kê đơn, hay thực phẩm chức năng nào. Bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh liều thuốc mỡ máu.
  • Khi thực hiện bất kỳ thủ thuật hay phẫu thuật, hoặc đi khám bác sĩ vì một tình trạng khác, bạn nên thông báo với họ về việc mình đang sử dụng thuốc hạ mỡ máu, đặc biệt là khi phải gây mê toàn thân.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh cho người mỡ máu cao và tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không. Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ về thuốc, hãy ghi nhớ các lời khuyên trong thời gian dùng thuốc, các biện pháp thay đổi lối sống và biến những hành động này thành thói quen mỗi ngày để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cholesterol medications: Consider the options https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/in-depth/cholesterol-medications/art-20050958 Ngày truy cập: 20/12/2023

Statins: Are these cholesterol-lowering drugs right for you? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/in-depth/statins/art-20045772 Ngày truy cập: 20/12/2023

Cholesterol Medications https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/prevention-and-treatment-of-high-cholesterol-hyperlipidemia/cholesterol-medications Ngày truy cập: 20/12/2023

Lipid-lowering drugs https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1986656/ Ngày truy cập: 20/12/2023

Cholesterol-Lowering Medicines https://www.cdc.gov/cholesterol/treating_cholesterol.htm Ngày truy cập: 20/12/2023

Phiên bản hiện tại

17/01/2025

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

Bác sĩ giải đáp mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Chế độ ăn cho người mỡ máu cao: Ăn như thế nào là tốt?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 17 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo