backup og meta

LDL cholesterol

LDL cholesterol

Cholesterol di chuyển trong máu nhờ các protein gọi là “lipoprotein”. Hai loại lipoprotein mang cholesterol đi khắp cơ thể là LDL cholesterol và HDL cholesterol HDL. Vậy, LDL là gì, LDL cao có nguy hiểm không? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

LDL cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất giống như sáp, chất béo được tìm thấy ở trong máu. Mặc dù cholesterol rất quan trọng cho việc hình thành màng tế bào, vitamin D, axit mật và một số hormone để cơ thể hoạt động bình thường, nhưng cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Cholesterol không thể tan trong máu, do đó các lipoprotein có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol qua máu. Bạn có thể đã nghe nói về các dạng cholesterol khác nhau, tùy thuộc vào loại cholesterol mà lipoprotein vận chuyển, bao gồm:

  • Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL cholesterol): LDL-c là gì? LDL cholesterol (LDL-c) là cholesterol “xấu” vì chúng tích tụ trong thành động mạch, làm cho động mạch cứng và hẹp.
  • Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL cholesterol): Đây là cholesterol “tốt” vì giúp loại bỏ các LDL cholesterol dư thừa ở động mạch và đưa chúng trở về gan. Gan sau đó sẽ loại bỏ cholesterol ra khỏi cơ thể.

LDL cholesterol bao nhiêu là cao?

Khi đi khám bệnh, chúng ta thường nghe bác sĩ nhắc đến cụm từ “mức LDL cholesterol cao”, nhưng thực tế bạn đã biết rõ LDL cholesterol cao là gì hay LDL cholesterol bao nhiêu là cao không?

  • Bình thường: Ở người trưởng thành, mức LDL cholesterol lý tưởng thường là dưới 100mg/dL (2,6 mmol/L). Nếu bạn có mức cholesterol từ 100 – 129mg/dL (2,6-3,3 mmol/L) thì vẫn được xem là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc các yếu tố nguy cơ tim mạch thì nên giữ mức LDL cholesterol dưới 70mg/dL (1,8 mmol/L).
  • LDL cholesterol bao nhiêu là cao? Nếu mức cholesterol trong khoảng 130 – 159mg/dL (3,4-4,1 mmol/L) thì được xem là ở mức giới hạn cao, 160 – 189mg/dL (4,1-4,9 mmol/L) là ở mức cao và từ 190mg/dL (4,9 mmol/L) trở lên là rất cao.

LDL cao có nguy hiểm không?

Nếu bạn có mức cholesterol LDL cao trong máu thì lượng LDL dư thừa này sẽ cùng với các chất khác tạo thành mảng bám. Mảng bám tích tụ trong động mạch gây ra một tình trạng gọi là xơ vữa động mạch. Những mảng bám này có thể làm thu hẹp mạch máu, giảm lưu lượng máu đến và đi từ tim tới các cơ quan khác và gây ra các biến chứng, chẳng hạn như:

  • Động mạch vành. Bệnh động mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ trong động mạch của tim. Nó làm cho các động mạch trở nên cứng và thu hẹp, làm chậm hoặc chặn dòng máu đến tim.
  • Đau ngực. Nếu các động mạch cung cấp máu cho tim (động mạch vành) bị mảng bám làm tắc nghẽn thì tim sẽ không thể nhận đủ oxy để hoạt động, điều này sẽ gây ra những cơn đau ngực (đau thắt ngực).
  • Đau tim. Nếu mảng bám bị rách hoặc vỡ, cục máu đông có thể hình thành tại vị trí mảng bám bị vỡ rồi ngăn chặn dòng máu đến tim hoặc vỡ ra gây tắc nghẽn động mạch ở hạ lưu. Nếu lưu lượng máu đến tim bị chặn một phần, bạn sẽ bị đau tim.
  • Đột quỵ. Tương tự như cơn đau tim, đột quỵ xảy ra khi cục máu đông chặn dòng máu đến não.

Triệu chứng

Những triệu chứng và dấu hiệu LDL cholesterol cao là gì?

LDL cholesterol là gì

Nói chung, cholesterol cao thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Đôi khi, dấu hiệu đầu tiên sẽ là cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Nếu có các triệu chứng trên, bạn cần lập tức đến bệnh viện để được cấp cứu.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân gây LDL cholesterol cao là gì?

Những nguyên nhân gây LDL cholesterol cao bao gồm:

  • Một số bệnh lý: Suy giáp, tiểu đường, HIV/AIDS, lupus, bệnh thận mạn tính và một số loại bệnh gan có thể làm tăng LDL cholesterol.
  • Một số loại thuốc: Thuốc bạn đang dùng có thể làm tăng nồng độ cholesterol LDL, bao gồm thuốc điều trị các tình trạng như mụn, ung thư, huyết áp cao, HIV/AIDS, nhịp tim không đều, cấy ghép nội tạng.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh LDL cholesterol cao?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh LDL cholesterol cao, chẳng hạn như:

  • Lười vận động
  • Thừa cân, béo phì: Bạn có nguy cơ mắc cholesterol cao nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Đàn ông với vòng eo lớn hơn 102cm hoặc phụ nữ có vòng eo hơn 89cm.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn thức ăn có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Di truyền: Nếu gia đình có di truyền về cholesterol cao, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh hoặc cơ thể  gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ cholesterol LDL ra khỏi máu hoặc phân hủy nó ở gan.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc gây tổn thương các thành mạch máu, khiến cho mảng bám tích tụ nhanh trong thành động mạch. Hút thuốc cũng có thể làm giảm HDL và khiến LDL-c tăng lên.
  • Rượu bia. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng mức cholesterol toàn phần.
  • Tuổi tác. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể có cholesterol cao nhưng nó phổ biến hơn ở những người trên 40 tuổi. Khi bạn già đi, gan của bạn trở nên kém khả năng loại bỏ cholesterol LDL.

LDL cholesterol cao có thể do di truyền, nhưng thường là do lối sống không lành mạnh, vì vậy bạn có thể ngăn ngừa và điều trị được.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh LDL cholesterol?

Xét nghiệm máu là cách duy nhất để đo mức cholesterol trong máu, bao gồm cả LDL cholesterol. Thời điểm và tần suất bạn nên thực hiện xét nghiệm này tùy thuộc vào độ tuổi, các yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh. Các khuyến nghị chung là:

Dành cho những người từ 19 tuổi trở xuống:

  • Lần đầu tiên nên ở độ tuổi từ 9 đến 11
  • Trẻ em nên xét nghiệm lại sau mỗi 5 năm
  • Một số trẻ có thể thực hiện xét nghiệm này bắt đầu từ 2 tuổi nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh cholesterol cao, đau tim hoặc đột quỵ.

Dành cho người từ 20 tuổi trở lên:

  • Người trẻ tuổi nên làm xét nghiệm 5 năm một lần
  • Đàn ông từ 45 đến 65 tuổi và phụ nữ từ 55 đến 65 tuổi nên tiêm 1 đến 2 năm một lần.

Đối với người trên 65 tuổi:

  • Hãy làm kiểm tra hàng năm.

Bạn có thể cần phải kiểm tra cholesterol thường xuyên hơn nếu bạn mắc bệnh tim , tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình có cholesterol cao.

Để có được kết quả chính xác nhất, bạn không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước) từ 9 đến 12 giờ trước khi bác sĩ lấy máu.

Những phương pháp nào dùng để điều trị LDL cholesterol cao?


Mục tiêu điều trị bệnh là làm giảm nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Thay đổi lối sống như tập thể dục và ăn uống lành mạnh là biện pháp điều trị đầu tiên chống lại cholesterol cao. Tuy nhiên, nếu bạn đã thực hiện những thay đổi quan trọng trong lối sống này và mức cholesterol vẫn ở mức cao, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc.

Việc lựa chọn thuốc hoặc kết hợp thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nguy cơ bệnh lý cá nhân, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc. Các lựa chọn phổ biến bao gồm:

  • Statin
  • Thuốc ức chế hấp thu cholesterol như ezetimibe
  • Axit bempedoic
  • Nhựa liên kết với axit mật như cholestyramine, colesevelam và colestipol
  • Thuốc ức chế PCSK9.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa LDL cholesterol cao?

phòng ngừa tăng mức LDL cholesterol

Những thay đổi lối sống lành mạnh cho tim có thể làm giảm cholesterol cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng cholesterol cao ngay từ đầu. Để giúp ngăn ngừa cholesterol cao, bạn có thể:

  • Ăn chế độ ăn ít muối, chủ yếu là trái cây, rau và ngũ cốc
  • Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Bổ sung chất béo không bão hòa đơn lành mạnh ở mức độ vừa phải từ dầu ô liu, dầu hạt cải, bơ, các loại hạt và cá có dầu.
  • Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Từ bỏ hút thuốc
  • Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần trong ít nhất 30 phút
  • Uống rượu có chừng mực, nếu có
  • Quản lý căng thẳng

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về LDL cholesterol cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

High blood cholesterol. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/symptoms-causes/dxc-20181874. Ngày truy cập: 02/10/2016

LDL: The “Bad” Cholesterol. https://medlineplus.gov/ldlthebadcholesterol.html. Ngày truy cập: 28/01/2022

LDL and HDL Cholesterol: “Bad” and “Good” Cholesterol. https://www.cdc.gov/cholesterol/ldl_hdl.htm. Ngày truy cập: 28/01/2022

HDL (Good), LDL (Bad) Cholesterol and Triglycerides. https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/hdl-good-ldl-bad-cholesterol-and-triglycerides. Ngày truy cập: 28/01/2022

LDL Cholesterol. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=167&contentid=ldl_cholesterol. Ngày truy cập: 28/01/2022

Phiên bản hiện tại

30/01/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Chỉ số cholesterol: Hiểu để kiểm soát

Bạn biết gì về cholesterol toàn phần?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 30/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo