Chúng ta đều biết chỉ số cholesterol cao sẽ khiến cơ thể tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ tim mạch. Tuy vật, chỉ số cholesterol thấp hơn mức bình thường có gây nguy hiểm gì không hay tình trạng cholesterol thấp có sao không?
Chỉ số cholesterol toàn phần đôi khi có thể hạ thấp hơn mức bình thường và trở thành một vấn đề bệnh lý. Dù vậy, tình trạng này thường không phổ biến như cholesterol cao. Việc lượng cholesterol trong máu hạ thấp cũng là tác nhân dẫn đến một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu hoặc ung thư. Để tìm hiểu rõ hơn các vấn đề xảy ra xung quanh việc chỉ số cholesterol thấp, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây của Hello Bacsi nhé.
Chỉ số cholesterol thấp là gì?
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một thành phần của mỡ máu, giữ vai trò rất quan trọng đối với hệ thống sinh học của cơ thể. Cholesterol có liên quan đến quá trình tổng hợp ra vitamin D, axit mật và một số loại hormone, đồng thời còn hỗ trợ hoạt động của màng tế bào sợi thần kinh. Phần lớn cholesterol sẽ do gan tạo ra, nguồn còn lại là lấy từ thức ăn như các loại thịt, trứng, sữa, nội tạng động vật…
Trong hệ tuần hoàn, cholesterol di chuyển dưới dạng kết hợp với protein được gọi là lipoprotein. Dựa vào tỷ trọng sau khi gắn kết, cholesterol được chia thành 2 loại chính là LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) và HDL (lipoprotein tỷ trọng cao).
Trong đó, LDL thường được xem là loại cholesterol “xấu” do có nguy cơ tạo nên các mảng xơ vữa bám trong lòng động mạch, gây tắc nghẽn mạch máu. Ngược lại, HDL được xem là cholesterol “tốt” vì giúp đưa LDL từ máu trở về gan. Tại gan, lượng LDL dư thừa quá mức sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể.
2. Chỉ số cholesterol thấp là gì?
Nồng độ cholesterol trong máu được xem là bình thường khi ở các mức giới hạn như sau:
- Chỉ số cholesterol toàn phần < 200mg/dL
- Chỉ số HDL ≥ 60mg/dL
- Chỉ số LDL < 100mg/dL
Giới hạn này đôi khi có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng tộc, giới tính và độ tuổi… và các bệnh lý đi kèm làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý xơ vữa mạch máu.
Cholesterol thấp là gì hay LDL cholesterol thấp là gì?
3. Chỉ số cholesterol thấp có sao không?
Định lượng cholesterol toàn phần thấp có sao không? Thông thường, tình trạng cholesterol thấp sẽ đem đến trạng thái sức khỏe tốt hơn tình trạng cholesterol cao. Tuy nhiên, khi mức cholesterol hạ thấp quá mức mà không rõ nguyên nhân, đây là một dấu hiệu đáng chú ý và cần được thảo luận với bác sĩ chuyên môn.
Chỉ số cholesterol toàn phần hoặc LDL ở mức rất thấp và kéo dài sẽ tác động không tốt đến cơ thể, chẳng hạn như:
- Gây rối loạn hoạt động của tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh và sinh dục
- Giảm chức năng sản xuất một số hormone của cơ thể
- Tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết
- Nhiều khả năng mắc chứng lo âu và trầm cảm
- Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và ung thư
- Phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân nếu chỉ số cholesterol quá thấp trong thai kỳ.
Như vậy, chỉ số cholesterol thấp cũng là một tình trạng cần được quan tâm, đánh giá định kỳ và khắc phục sớm.
[embed-health-tool-bmi]
Cholesterol thấp: Nguyên nhân do đâu?
Chỉ số từng loại cholesterol thấp có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Với cholesterol “tốt” HDL, những lý do có thể làm hạ mức cholesterol này xuống thấp gồm:
- Tích lũy nhiều mỡ thừa ở bụng
- Đề kháng insulin
- Hút thuốc
Nếu rơi vào một trong các những trường hợp này, bạn chỉ cần giảm cân, bỏ hút thuốc là có thể kiểm soát và giúp chỉ số cholesterol HDL trở về mức bình thường.
Ngoài ra, một số bệnh lý tiềm ẩn ít gặp hơn có khả năng làm chỉ số cholesterol HDL hạ thấp gồm:
- Thiếu hụt APOA1: Một tình trạng di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến gene APOA1 có chức năng mã hóa một loại protein hình thành nên HDL. Những người thiếu hụt APOA1 sẽ không thể tạo ra lượng HDL trong máu như bình thường.
- Bệnh Tangier: Đây cũng là một loại thiếu hụt APOA1, dẫn đến tình trạng HDL thấp hoặc không có HDL, đồng thời cũng khiến nồng độ LDL ở mức thấp.
- Tăng lipid máu kết hợp có tính gia đình: Một rối loạn gây ra tình trạng HDL thấp nhưng LDL và triglycerid tăng cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn này xảy ra do những thay đổi trong gene và chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường như lối sống, chế độ ăn uống.
Trường hợp chỉ số cholesterol LDL thấp thường ít phổ biến so với HDL thấp. Thông thường, đây là tình trạng thứ phát diễn ra sau một vấn đề sức khỏe/ bệnh lý khác, chẳng hạn như:
- Suy dinh dưỡng
- Cường giáp
- Nhiễm trùng mạn tính, như viêm gan C
- Viêm mạn tính
- Ung thư máu
- Các rối loạn di truyền khiến cholesterol LDL thấp: hạ beta-lipoprotein máu, bệnh tích tụ chylomicron (Anderson), bệnh Abetalipoproteinemia (hội chứng Bassen-Kornzweig)
Chỉ số cholesterol LDL thấp cũng có thể xảy ra ở những người đang dùng thuốc hạ cholesterol máu.
Cholesterol thấp gây ra những triệu chứng gì?
Khi cholesterol hạ thấp, bạn sẽ không gặp phải cơn đau thắt ngực nào báo hiệu có sự tích tụ mảng bám xơ vữa trong lòng động mạch như trường hợp cholesterol cao. Tuy nhiên, người có mức cholesterol thấp có thể có biểu hiện các triệu chứng của lo âu, trầm cảm như sau:
- Thường xuyên cảm thấy thất vọng, bi quan
- Luôn lo lắng, bất an và bồn chồn trong người
- Lú lẫn, khó tập trung
- Tâm trạng thay đổi, dễ bị kích động
- Thay đổi thói quen, chế độ ăn uống
- Khó khăn khi đưa ra quyết định
- Mất ngủ thời gian dài
- Chán ăn, ăn không ngon miệng.
Nếu nghi ngờ bản thân có mức cholesterol toàn phần thấp hơn bình thường hoặc gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy đến khám tại các cơ sở y tế. Bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm máu để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Cholesterol thấp được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
1. Chẩn đoán
Cách duy nhất để đưa ra chẩn đoán đúng về mức cholesterol của cơ thể là thực hiện xét nghiệm máu. Nếu kết quả cho thấy chỉ số cholesterol LDL dưới 40mg/dL hoặc chỉ số cholesterol toàn phần dưới mức 120mg/dL thì bạn đang có tình trạng cholesterol thấp.
Mức cholesterol LDL lý tưởng nên dao động trong khoảng từ 70 – 100mg/dL, có thể nên giảm thấp hơn ở người đã từng mắc phải biến cố tim mạch do xơ vữa. Bên cạnh đó, việc quan trọng là phải theo dõi chỉ số cholesterol máu định kỳ để có đánh giá chính xác hơn về tình trạng mỡ máu.
2. Điều trị
Chỉ số cholesterol thấp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân trong chế độ ăn uống hoặc tình trạng sức khỏe thể chất / tâm thần. Do đó, việc điều trị cholesterol thấp không chỉ đơn giản là ăn nhiều thực phẩm chứa cholesterol hơn. Sau khi xét nghiệm máu và đánh giá sức khỏe thể chất/ tâm thần, bác sĩ sẽ đề xuất hướng điều trị phù hợp, bao gồm những thay đổi về lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc nếu cần.
Nếu chỉ số cholesterol thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hoặc ngược lại, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm để điều trị các triệu chứng liên quan.
Trường hợp bạn đang dùng thuốc statin để hạ cholesterol máu và khiến cho mức cholesterol hạ quá thấp thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh liều dùng hoặc thay đổi thuốc khác.
Nếu tình trạng cholesterol LDL thấp liên quan đến các rối loạn di truyền tiềm ẩn thì cần có phương pháp điều trị các rối loạn đó. Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung vitamin E và các vitamin tan trong dầu khác, cũng như tăng lượng chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày để cải thiện chỉ số này.
Với những người có mức cholesterol “tốt” HDL thấp thì có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống như:
- Bỏ hút thuốc
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì
- Tập thể dục thường xuyên.
Cholesterol thấp nên ăn gì hay làm gì để cải thiện?
Hiện nay, chưa có thuốc nào có tác dụng làm tăng cholesterol toàn phần hay LDL cholesterol. Đối với cholesterol “tốt” HDL thì có thể gia tăng bằng cách sử dụng các thuốc statin, thay đổi lối sống. Tuy nhiên, nhóm thuốc statin có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Mặc dù khó có thể làm tăng chỉ số cholesterol bằng thuốc, chúng ta vẫn có thể duy trì được cholesterol ở mức ổn định bằng cách điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Dưới đây là một vài biện pháp giúp khắc phục tình trạng cholesterol thấp:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Khi cholesterol thấp nên ăn gì, cụ thể là cholesterol HDL thấp nên ăn gì? Câu trả lời là tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và axit béo omega-3 như: cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích, quả óc chó, hạt chia, bột yến mạch, rau xanh và các loại hoa quả… Đồng thời, hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa để cắt giảm lượng chất béo bão hòa.
- Giảm cân: Duy trì cân nặng trong mức chỉ số BMI khỏe mạnh vừa giúp tăng lượng cholesterol tốt cho cơ thể vừa làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bạn nên giảm cân thông qua chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục.
- Hạn chế bia rượu: Mỗi ngày uống một lượng vừa phải rượu vang trắng (nam giới dưới 2 ly, nữ giới dưới 1 ly) đã được chứng minh là có thể làm tăng mức cholesterol “tốt” HDL. Bạn không nên uống quá nhiều rượu vì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn bao gồm tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ.
- Không hút thuốc lá: Việc ngừng hút thuốc lá sẽ cải thiện được mức cholesterol HDL trong máu, đồng thời chức năng phổi, huyết áp, nhịp tim cũng sẽ được cải thiện.
- Rèn luyện sức khỏe: Tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa được tình trạng béo phì và ổn định mỡ máu.
Ngoài các biện pháp trên, bạn cũng có thể dùng thêm một số sản phẩm bổ sung có thành phần dầu cá, coenzyme Q10, chất xơ hòa tan để tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ duy trì mức cholesterol ở giới hạn bình thường.
Cholesterol thấp và các thắc mắc thường gặp
1. Cholesterol toàn phần thấp có sao không?
Mức cholesterol toàn phần thấp có thể ảnh hưởng đến một số quá trình sinh lý trong cơ thể. Bình thường, cholesterol giúp tổng hợp vitamin D, hormone steroid như cortisol và hormone sinh dục (estrogen, testosterone). Do đó, khi cholesterol toàn phần giảm sút có thể khiến quá trình tổng hợp các chất trên gặp vấn đề.
Mặt khác, cholesterol cũng giúp sản xuất dịch mật cần thiết cho quá trình tiêu hóa và hỗ trợ hấp thụ vitamin A, K, E, D, giúp hình thành màng tế bào. Nếu không có cholesterol, nhiều chức năng của cơ thể sẽ trục trặc, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, tình trạng dinh dưỡng cũng như sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy nồng độ cholesterol càng thấp có thể có mối liên quan đến tỷ lệ tử vong do các bệnh không phải tim mạch sẽ tăng lên. Do đó, việc cholesterol toàn phần thấp có sao không thì nếu ở mức rất thấp sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
2. Làm sao để giữ chỉ số cholesterol ổn định? Có thể ngăn ngừa cholesterol thấp không?
Để duy trì chỉ số cholesterol ổn định, bạn nên:
- Kiểm soát cân nặng ở mức khỏe mạnh bình thường, tránh để thừa cân, béo phì hoặc kiêng khem quá mức gây suy dinh dưỡng
- Hạn chế rượu bia để tăng chỉ số cholesterol “tốt” HDL
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, tăng cường ăn cá và hạn chế thịt đỏ, chất béo bão hòa
- Tập thể dục thường xuyên, đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Để ngăn ngừa cholesterol thấp hoặc theo dõi tình trạng cholesterol máu nói chung, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm tổng quát cần thiết. Nếu gia đình bạn có bất kỳ tiền sử nào liên quan đến việc rối loạn cholesterol hoặc mỡ máu, đây là các trường hợp đặc biệt cần lưu ý về tình trạng mỡ máu hơn. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và có lối sống năng động cũng giúp bạn tránh mắc phải các vấn đề sức khỏe cần phải dùng đến thuốc statin hoặc thuốc hạ huyết áp, những loại thuốc có nguy cơ gây hạ thấp mức cholesterol. Cuối cùng, bạn cũng cần chú ý đến các triệu chứng về tinh thần, tâm lý như trầm cảm, căng thẳng lo âu.
3. HDL cholesterol thấp là gì? Có nguy hiểm không?
HDL còn được gọi là cholesterol “tốt” khi giúp đưa cholesterol “xấu” về gan để phân giải và loại bỏ khỏi cơ thể. Mức cholesterol HDL khỏe mạnh nên từ 60 mg/dL trở lên. Nếu chỉ số HDL thấp hơn mức này trong khi cholesterol toàn phần và LDL cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch.
Để cải thiện mức cholesterol “tốt” HDL trong cơ thể, bạn cần thay đổi lối sống tích cực, lành mạnh và có chế độ ăn khoa học hơn.
4. LDL cholesterol thấp là gì?
LDL cholesterol thấp được xác định khi chỉ số LDL trong kết quả xét nghiệm mỡ máu ở mức thấp hơn 40 mg/dL. Mọi người thường được khuyến khích rằng nên cố gắng giảm cholesterol “xấu” LDL và tăng cholesterol “tốt” HDL. Tuy nhiên, khi mức cholesterol LDL quá thấp cũng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Tóm lại, mức cholesterol thấp hay cao đều có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, hãy thường xuyên đi khám để được theo dõi chỉ số cholesterol kết hợp với lối sống, chế độ ăn uống cân bằng và khoa học để có được trạng thái sức khỏe tốt nhất.