Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt huyết áp của bản thân, đồng thời tránh phụ thuộc vào thuốc điều trị.
Nếu được chẩn đoán bị cao huyết áp, người bệnh có thể nghĩ ngay đến việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, họ cần biết rằng thói quen sống lành mạnh đóng vai trò chủ chốt trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp. Nếu kiểm soát tốt huyết áp bằng phương pháp thay đổi lối sống, người bệnh có thể tránh, trì hoãn hoặc giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp.
Hello Bacsi sẽ hướng dẫn cho bạn 9 lưu ý khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp trong bài viết ngay sau đây nhé!
1. Khuyến khích người bệnh giảm cân
Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của tăng huyết áp. Khi giảm cân, huyết áp cũng sẽ cải thiện.
Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, hãy giúp người bệnh giảm cân bằng việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
2. Chăm sóc người bệnh tăng huyết áp cần nhắc nhở vận động
Hoạt động thể chất thường xuyên, chẳng hạn như 150 phút mỗi tuần hoặc khoảng 30 phút mỗi ngày, có thể giúp giảm huyết áp khoảng 5–8mmHg. Điều quan trọng là người bệnh cần phải kiên trì thói quen này. Trong quá trình lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, bạn nên lên một lịch trình luyện tập phù hợp với thể trạng của bệnh nhân.
Một số ví dụ về các bài tập mà người bệnh có thể tập luyện bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ. Những bài tập có cường độ nặng trong thời gian ngắn xen kẽ với các bài tập nhẹ nhàng cũng có khả năng được áp dụng nếu thể trạng người bệnh tốt.
3. Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh
Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, hãy lên một thực đơn ăn uống lành mạnh và cân bằng cho người bệnh. Áp dụng một chế độ ăn:
- Giàu ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau, cá, đậu và các sản phẩm từ sữa ít béo
- Hạn chế chất béo động vật, đồ chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn.
Một lưu ý nhỏ là bạn cần cân nhắc khi chăm sóc người bệnh cao huyết áp là tăng kali từ thực phẩm như:
- Cam, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, quả bơ, mơ, bưởi
- Rau lá xanh, măng tây, rau chân vịt và bông cải xanh luộc
- Dưa leo tươi, khoai tây, khoai lang, cà tím, nấm, củ cải, củ dền, bí đỏ
- Cá ngừ, cá bơn, cá tuyết, cá hồi
- Các loại đậu…
4. Hạn chế hàm lượng muối (natri) trong chế độ ăn uống
Ngay cả việc giảm một chút natri trong chế độ ăn uống cũng có thể giảm chỉ số huyết áp. Có thể nói rằng, việc hạn chế tiêu thụ muối đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp.
Nhìn chung, người bị tăng huyết áp nên giới hạn mức natri tiêu thụ là 2.3g mỗi ngày, lý tưởng nhất là dưới 1.5g. Natri không chỉ có trong muối, gia vị có vị mặn mà còn có trong các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn.
Sau đây là một số mẹo nhỏ hỗ trợ việc hạn chế muối trong chế độ ăn uống:
- Đọc nhãn thực phẩm chế biến sẵn để tìm hiểu lượng natri chứa trong đó. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn
- Giảm dùng muối để nêm món ăn. Bạn có thể dùng thảo mộc hoặc gia vị khác để thay thế
- Ăn nhạt dần để cơ thể dễ dàng thích nghi.
5. Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp – Hạn chế đồ uống có cồn
Nếu chỉ uống một lượng rượu vang vừa phải, thông thường là một ly/ngày đối với phụ nữ hay hai ngày/lần với nam giới, sẽ rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu hoặc bia lại làm tăng huyết áp vì khiến cơ thể mất nước và gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan.
6. Khuyến khích bệnh nhân bỏ thuốc lá
Một bước quan trọng khác trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp là khuyến khích người bệnh bỏ thuốc lá. Ngừng hút thuốc sẽ góp phần giúp huyết áp trở lại phạm vi lý tưởng. Bỏ thuốc lá còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể người bệnh.
7. Cắt giảm lượng caffeine
Người ta vẫn còn đang tranh luận về vai trò của caffeine đối với huyết áp. Caffeine có khả năng làm tăng huyết áp tạm thời ở một số người nhưng cũng có những người lại không bị ảnh hưởng.
Mặc dù tác dụng lâu dài của caffeine đối với huyết áp không rõ ràng, nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bạn hãy kiểm tra huyết áp trong vòng 30 phút sau khi dùng đồ uống có chứa caffein và quyết định có tiếp tục sử dụng hay không.
8. Bước thư giãn tinh thần khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Căng thẳng lâu ngày có thể góp phần làm huyết áp tăng lên vì cơ thể giải phóng hormone cortisol.
Người bệnh cần giữ cho tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc mỗi ngày.
9. Theo dõi huyết áp tại nhà và đi tái khám đúng hẹn
Theo dõi huyết áp tại nhà và tái khám đúng hẹn cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả điều trị.
9 bước lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp này áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Những người có huyết áp cao sẽ có nguy cơ gặp cơn tăng huyết áp nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, nếu không kiểm soát tốt. Vì vậy, hãy nghiêm túc điều trị từ hôm nay, bạn nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]