backup og meta

Tìm hiểu về chẩn đoán và phác đồ điều trị tăng huyết áp

Tìm hiểu về chẩn đoán và phác đồ điều trị tăng huyết áp

Phác đồ điều trị tăng huyết áp cung cấp thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất về các bước xử lý cũng như điều trị bệnh lý này cho bạn.

Theo quy định từ Bộ Y tế, bạn sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 120mmHg và huyết áp tâm trương từ 80mmHg trở lên.

Chẩn đoán tăng huyết áp

Bác sĩ sẽ sử dụng máy đo huyết áp để đo áp lực máu của bạn và đưa ra chẩn đoán tăng huyết áp nếu kết quả 3 lần đo đều lớn hơn 120/80mmHg, mỗi lần cách nhau ít nhất một tuần.

Một số lưu ý khi đo huyết áp như:

  • Huyết áp nên được đo trong môi trường yên tĩnh, ấm sau khi bạn ngồi yên và thư giãn trong ít nhất năm phút.
  • Bạn không nên sử dụng caffeine hoặc hút thuốc trong ít nhất 30 phút trước khi đo.
  • Bác sĩ có thể mất ít nhất hai lần đo huyết áp, mỗi lần cách nhau năm phút. Nếu chỉ số thay đổi hơn 5mmHg, họ có thể sẽ tiếp tục đo thêm cho đến khi các chỉ số gần hơn. Mục đích là để có được một kết quả nhất quán.

Một số người có khả năng được chẩn đoán tăng huyết áp dù thực tế áp lực máu của họ hoàn toàn bình thường. Trường hợp này được gọi là hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng, xảy ra do sự lo ngại của người bệnh đối với bác sĩ cũng như chuyên viên y tế. .

Xét nghiệm máu

xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể cần thiết để xác định xem bạn có bị tăng huyết áp thứ phát do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc có thể điều trị được không. Các xét nghiệm máu có thể được yêu cầu hỗ trợ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị tăng huyết áp bao gồm:

  • Nồng độ điện giải
  • Lượng đường trong máu
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Xét nghiệm chức năng thận

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp xác định xem bệnh tiểu đường hay suy thận hoặc tác dụng phụ từ thuốc đang sử dụng có gây ra hoặc góp phần vào tăng huyết áp hay không.

Điện tâm đồ (EKG)

Điện tâm đồ là một xét nghiệm khá đơn giản và nhanh chóng, giúp đánh giá nhịp tim. Nhịp tim bất thường là một trong những nguyên nhân tăng huyết áp. Ngược lại, cao huyết áp cũng có khả năng gây ra những thay đổi lâu dài dẫn đến sự bất thường của nhịp tim.

Siêu âm tim

Huyết áp cao quá mức có thể tạo ra những thay đổi được xác định bằng siêu âm tim. Sự bất thường ở chức năng tim cũng góp phần vào nguyên nhân tăng huyết áp.

Siêu âm

Xét nghiệm này giúp đánh giá thận và mạch máu, giúp bác sĩ quan sát rõ lưu lượng máu của người bệnh. Ví dụ, nếu bác sĩ cho rằng mao mạch hẹp quá mức, họ có thể chỉ định người bệnh làm siêu âm.

Chụp CT hoặc MRI

Nếu bác sĩ nghi ngờ khối u là nguyên nhân tăng huyết áp cao, bạn có thể cần phải thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI. Loại xét nghiệm này cũng được dùng để đánh giá thận hoặc tuyến thượng thận.

Phác đồ điều trị tăng huyết áp

Nguyên tắc chung của phác đồ điều trị tăng huyết áp là khiến chỉ số huyết áp quay lại phạm vi lý tưởng, đồng thời ngăn ngừa tối đa nguy cơ tim mạch xảy ra.

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm: Người bị tăng huyết áp cấp cứu cần phải làm gì

Phác đồ điều trị tăng huyết áp của Bộ Y tế đưa ra bao gồm những giai đoạn như sau:

Phác đồ điều trị tăng huyết áp

Lối sống lành mạnh

Bước đầu tiên của phác đồ điều trị tăng huyết áp là thay đổi thói quen sống lành mạnh và áp dụng chúng mãi mãi.

Lối sống lành mạnh bao gồm rất nhiều khía cạnh, chẳng hạn như:

Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo kali và các yếu tố vi lượng

  • Hạn chế lượng natri (muối) hấp thụ mỗi ngày (khoảng 1/2 muỗng cà phê muối mỗi ngày)
  • Tăng cường ăn xanh và hoa quả tươi
  • Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa (axit béo no hoặc mỡ động vật)

Tích cực giảm cân (nếu bạn đang trong tình trạng béo phì)

  • Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18,5 đến 22,9 kg/m
  • Cố gắng duy trì vòng bụng (vòng eo) dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn

Theo các nhà nghiên cứu, nồng độ cồn giới hạn ở nam giới là hai ly rượu mỗi ngày, còn với nữ giới là một ly.

Một số thói quen khác

  • Bỏ thuốc lá hoàn toàn
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao với cường độ thích hợp như chạy bộ, đi bộ khoảng 30–60 phút mỗi ngày
  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh. Bạn cần chú ý nhiều đến việc thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý
  • Tránh bị lạnh đột ngột

Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc

dùng thuốc trị tăng huyết áp

Nếu việc áp dụng lối sống lành mạnh không đem lại hiệu quả như mong muốn, bạn có thể tiếp tục bước tiếp theo trong phác đồ điều trị tăng huyết áp, đó là kết hợp song song lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc.

Trước tiên, bạn sẽ được kê đơn thuốc theo phân độ huyết áp, bắt đầu từ giai đoạn thấp nhất.

Tăng huyết áp giai đoạn 1

Bạn có thể sẽ dùng một hoặc nhiều thuốc trong số các nhóm sau:

  • Thuốc lợi tiểu thiazide liều thấp
  • Thuốc ức chế men chuyển
  • Thuốc chẹn kên canxi loại tác dụng kéo dài
  • Thuốc chẹn beta giao cảm (nếu không có chống chỉ định)

Tăng huyết áp từ giai đoạn 2 trở lên

Nếu bạn được chẩn đoán tăng huyết áp giai đoạn 2 hoặc nặng hơn, các bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng phối hợp từ hai loại thuốc trở lên, ví dụ như lợi tiểu, chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II; chẹn beta giao cảm.

Các thuốc điều trị tăng huyết áp sẽ được phối hợp từng bước, bắt đầu từ liều thấp.

Nếu kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, liều lượng thuốc bạn phải dùng sẽ cần điều chỉnh lại để tối ưu hóa cơ chế hoạt động của chúng hoặc bổ sung thêm một hoặc vài loại thuốc khác cho đến khi chỉ số huyết áp của bạn quay lại phạm vi lý tưởng.

Trong trường hợp kết quả vẫn không khả quan hoặc biến cố xảy ra, bác sĩ sẽ chuyển bạn lên tuyến trên hoặc gửi bạn qua khoa tim mạch.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Drugs Commonly Used to Treat High Blood Pressure. https://www.verywellhealth.com/hypertension-drugs-1745989. Ngày truy cập 25/02/2019.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. https://kcb.vn/vanban/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap. Ngày truy cập 25/02/2019.

Types of Blood Pressure Medications. https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/changes-you-can-make-to-manage-high-blood-pressure/types-of-blood-pressure-medications. Ngày truy cập 25/02/2019.

Phiên bản hiện tại

14/01/2021

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Cơ chế tăng huyết áp gây tổn thương thận

Người bị tăng áp phổi sống được bao lâu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 14/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo