backup og meta

Huyết áp 160/110 mmHg có cao không? 160/90 thì sao?

Huyết áp 160/110 mmHg có cao không? 160/90 thì sao?

Hello Bacsi nhận được câu hỏi của chú Long (53 tuổi) như sau: Chào bác sĩ, tôi năm nay 53 tuổi. Dạo gần đây tôi thường bị chóng mặt, mờ mắt, đau đầu. Khi đo huyết áp thì thấy chỉ số huyết áp là 160/110 mmHg. Vậy xin hỏi bác sĩ huyết áp 160/110 mmHg có cao không và có nguy hiểm không? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều.

Cùng nghe bác sĩ Ngô Võ Ngọc Hương, chuyên khoa Tim mạch, đang công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp như sau:

Huyết áp 160/110 mmHg có cao không?

Huyết áp là lực của máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu. Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, xảy ra khi máu chảy qua các mạch máu (động mạch) ở áp suất cao hơn bình thường.

Huyết áp được đo bằng hai con số.

  • Số đầu tiên, hoặc số trên, là áp suất trong mạch máu khi tim đập, được gọi là huyết áp tâm thu.
  • Số thứ hai, hoặc số dưới, đo lực của máu trong động mạch trong khi tim được thư giãn giữa các nhịp đập, được gọi là áp suất tâm trương.

Huyết áp được xem bình thường là khi có kết quả 120/80 hoặc thấp hơn. Mức độ tăng huyết áp được chia ra như sau:

  • Chỉ số huyết áp tâm thu 120-129 và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương 80-89 được coi là tiền tăng huyết áp.
  • Huyết áp cao giai đoạn 1 là huyết áp tâm thu từ 130 – 139 và/hoặc huyết áp tâm trương từ 80 – 89.
  • Huyết áp cao giai đoạn 2 là huyết áp tâm thu từ 140 và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 hoặc cao hơn.
  • Nếu từng được đo chỉ số huyết áp 180/110 hoặc cao hơn, dù chỉ mới một lần, hãy đi khám ngay lập tức. Mức huyết áp này được coi là cơn tăng huyết áp khẩn cấp và cần can thiệp kịp thời.
Chú Long với câu hỏi huyết áp 160/110 có cao không thì khi đã sắp quá độ tuổi trung niên, đây được xem là có bệnh tăng huyết áp. Kết luận này là có cơ sở khi huyết áp được đo đúng tiêu chuẩn. Hơn nữa, các triệu chứng chóng mặt, mờ mắt, đau đầu do chú khai báo có thể gợi ý tình trạng tăng huyết áp đã lâu dài và đã có thể xảy ra tổn thương một số cơ quan.
Ngoài ra, một số người cũng thắc mắc huyết áp 160/90 có cao không thì câu trả lợi cũng là có. Đây là tăng huyết áp giai đoạn 2.
huyết áp 160/110 có nguy hiểm không
Huyết áp 160/110 khi đã sắp qua tuổi trung niên được xem là có bệnh tăng huyết áp

Huyết áp 160/110 mmHg có nguy hiểm không? Cơ quan nào bị ảnh hưởng?

Với câu hỏi huyết áp 160/110 mmHg có cao không thì câu trả lời là CÓ. Vậy nó nguy hiểm đến mức nào?

Bệnh tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó có thể hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi không được điều trị và kiểm soát tốt, bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sau:

Tổn thương thận

Thận bị tổn thương là một trong những nguy cơ phổ biến nhất mà bệnh nhân cao huyết áp phải đối mặt và ngược lại, bệnh nhân mắc bệnh thận cũng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp.

Cấu tạo của cầu thận (nơi lọc máu của cơ thể) là từ rất nhiều các mạch máu nhỏ. Huyết áp cao làm cho các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả thận, căng ra. Tình trạng này kéo dài khiến mạch máu quanh thận suy yếu hoặc cứng lại. Điều này cản trở lưu lượng máu đến thận và cuối cùng là suy giảm hoạt động bình thường của thận.

Nếu chức năng thận không còn, người bệnh phải chạy thận nhân tạo định kỳ mới có thể duy trì sự sống. 

Đột quỵ

Nguy cơ đột quỵ xảy ra liên quan trực tiếp đến mức độ cao của huyết áp.

Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra. Điều này ngăn chặn việc cung cấp oxy cho não dẫn đến chết các mô não. Đột quỵ có thể dẫn đến tê liệt mặt, thân người, tay chân hoặc thậm chí tử vong. 

Giảm thị lực

Huyết áp cao có thể làm cho các mạch máu cung cấp máu đến mắt bị vỡ hoặc xơ cứng lại, có thể chặn dòng máu bình thường vào mắt, do đó làm tổn thương dây thần kinh thị giác và gây giảm thị lực. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ.

Bên cạnh đó, huyết áp cao cũng có thể gây tắc nghẽn các động mạch đưa máu đến võng mạc mắt.

Tổn thương mạch máu

Do lực bơm máu quá lớn, các mạch máu phải căng ra để máu lưu thông dễ dàng, có thể khiến chúng dễ bị vỡ.

Chứng phình động mạch

Chứng phình động mạch có thể xảy ra ở não, động mạch chủ, chân và lá lách.

Đôi khi các động mạch bị tắc nghẽn ở những vị trí do chất béo tích tụ, điều này có thể kích hoạt tim bơm máu mạnh hơn bình thường để máu đẩy qua các đoạn này. Sự căng thẳng liên tục có thể làm cho các động mạch dễ bị vỡ hơn, đó là chứng phình động mạch.

Rối loạn cương dương

Điều này xảy ra khi huyết áp cao không cho phép các động mạch đưa máu vào dương vật giãn ra theo cách bình thường trong quá trình giao hợp.

Tiền sản giật

Ngoài ra, với phụ nữ mang thai, khi huyết áp cao xảy ra sau mốc 20 tuần và tiếp tục được gọi là tiền sản giật, có thể dẫn đến sản giật. Tình trạng này mặc dù là tạm thời nhưng có thể gây nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.

Bạn có thể xem thêm: Biến chứng tăng huyết áp: Bạn đã biết gì về nó?

Cần làm gì khi huyết áp 160/110 mmHg?

lưu ý khi huyết áp 160/110

Sau khi đã rõ việc huyết áp 160/110 mmHg có cao không thì chú Long cũng cần nắm rõ cách xử lý khi bị tăng huyết áp:

  • Nếu chưa từng được chẩn đoán, chú Long cần đến các bác sĩ tim mạch để được lập kế hoạch điều trị huyết áp lâu dài.
  • Trong trường hợp đang điều trị, chỉ số huyết áp là 160/110 mmHg được xem là chưa đạt mục tiêu và chú cần tái khám sớm để bác sĩ điều chỉnh thuốc. 
    • Việc điều trị huyết áp tiên quyết là uống thuốc. Hầu hết những người bị huyết áp cao sẽ cần hai hoặc nhiều loại thuốc, cùng với thay đổi lối sống để giảm huyết áp về mức bình thường.
    • Trong quá trình điều trị, chú nên kiên trì, vì có những loại thuốc trị huyết áp cao phải cần đến sáu tuần mới phát huy tác dụng đầy đủ. Ngoài ra, chú phải uống thuốc theo toa thường xuyên, đúng thời điểm và đúng hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Bên cạnh đó, nếu được, chú nên tự đo huyết áp hằng ngày để theo dõi hiệu quả điều trị và đừng quên tái khám đúng hẹn, hoặc khi hết thuốc, hoặc chỉ số huyết áp có điều bất thường.

huyết áp 160/110 nên ăn gì

Chú cũng cần xây dựng lối sống hợp lý để ổn định chỉ số huyết áp dễ dàng hơn, bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh, tăng cường trái cây, rau xanh, các loại ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa ít béo, gia cầm và cá, các loại hạt và cây họ đậu, dầu thực vật; hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, thịt đỏ, đồ ngọt và đồ uống có đường
  • Ăn ít muối
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Hoạt động thể chất thường xuyên bằng cách làm việc nhà, tập thể dục hay chơi thể thao 
  • Quản lý tốt những căng thẳng, áp lực
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý
  • Duy trì cân nặng phù hợp
  • Bỏ thuốc lá

Chú Long và người bệnh cần lưu ý thêm một điểm là trong cơn tăng huyết áp, những người có huyết áp trên 180/120 mmHg có thể gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở, mờ mắt, nhức đầu hoặc chảy máu cam. Lúc này, người bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng này, chú cần gọi cấp cứu ngay.

Hi vọng những thông tin hữu ích trên đây đã giúp chú Long giải đáp được vấn đề huyết áp 160/110 có cao không và hiểu rõ những điều mình cần làm để có sức khỏe tốt.

Trân trọng!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Things you need to know about blood pressure and hypertension. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2560868/. Ngày truy cập 7/7/2022

High blood pressure. https://www.fda.gov/drugs/special-features/high-blood-pressure-understanding-silent-killer#:~:text=Your%20blood%20pressure%20is%20considered,is%20considered%20%E2%80%9Chypertensive%20crisis.%E2%80%9D. Ngày truy cập 7/7/2022

High blood pressure. https://www.cdc.gov/bloodpressure/about.htm. Ngày truy cập 7/7/2022

High blood pressure. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension. Ngày truy cập 7/7/2022

High blood pressure.https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410#:~:text=High%20blood%20pressure%20(hypertension)%20is,problems%2C%20such%20as%20heart%20disease. Ngày truy cập 7/7/2022

Phiên bản hiện tại

08/12/2024

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Nên ăn bao nhiêu muối là tốt?

Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp: Bạn cần lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 08/12/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo