backup og meta

Bạn biết gì về tăng áp động mạch phổi?

Bạn biết gì về tăng áp động mạch phổi?

Tăng áp động mạch phổi (PAH) – hay tăng áp phổi nguyên phát – là một loại cao huyết áp hiếm gặp. Phạm vi ảnh hưởng của bệnh bao gồm động mạch phổi và mao mạch. Hiểu về bệnh lý này sẽ giúp bạn phát hện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Vậy tăng áp động mạch phổi là gì và cách nhận biết như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Tăng áp động mạch phổi là gì?

Tăng áp động mạch phổi (PAH) – hay tăng áp phổi nguyên phát – là một loại cao huyết áp hiếm gặp. Phạm vi ảnh hưởng của bệnh bao gồm động mạch phổi và mao mạch. Những mạch máu này mang máu từ khoang dưới bên phải của tim (tâm thất phải) đi vào phổi để nuôi sống cơ quan này.

Áp lực trong động mạch phổi và các mạch máu nhỏ hơn tích tụ lại sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn để có thể bơm máu đến phổi. Tình trạng này kéo dài sẽ gây suy yếu cơ tim theo thời gian. Hệ quả nghiêm trọng nhất là người bệnh sẽ bị suy tim và tử vong.

Cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị tăng áp lực động mạch phổi tận gốc. Tuy nhiên, các giải pháp trị liệu tạm thời đã được áp dụng rộng rãi, giúp làm giảm các triệu chứng bệnh, hạn chế nguy cơ gây biến chứng và kéo dài tuổi thọ.

Các giai đoạn tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi được chia thành bốn giai đoạn dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Bên cạnh đó, theo tiêu chí do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập, tăng áp động mạch phổi cũng được phân thành bốn giai đoạn chức năng như sau:

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn này, các hoạt động thể chất vẫn sẽ diễn ra bình thường. Bạn không gặp phải bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào trong thời gian vận động hoặc nghỉ ngơi thông thường.

Giai đoạn 2

Một số hoạt động thể chất sẽ bị hạn chế vì bạn sẽ gặp các triệu chứng trong thời gian vận động. Tuy nhiên, bạn sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào xảy ra trong thời gian nghỉ ngơi.

Giai đoạn 3

Giai đoạn này giới hạn rất nhiều hoạt động thể chất của bạn. Bạn có thể bắt gặp các triệu chứng nghiêm trọng trong thời gian gắng sức nhẹ cũng như hoạt động thể chất thông thường. Tuy vậy, vẫn không có gì bất ổn xảy ra trong khoảng thời gian bạn nghỉ ngơi.

Giai đoạn 4

Khi tiến đến giai đoạn này, mỗi một hoạt động của bạn luôn kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau, kể cả khi bạn nằm. Thông thường, những dấu hiệu suy tim phải có xu hướng xảy ra trong giai đoạn này.

Nếu bạn bị tăng áp động mạch phổi, giai đoạn của bệnh sẽ ảnh hưởng đến quyết định đưa ra phương pháp điều trị từ bác sĩ.

Các loại tăng áp phổi khác

Tăng áp động mạch phổi là một trong năm loại tăng áp phổi (PH), còn được gọi là tăng áp phổi nhóm 1.

Các loại tăng áp phổi khác bao gồm:

  • Nhóm 2: có mối liên kết với các tình trạng liên quan đến tâm thất và tâm nhĩ trái của tim
  • Nhóm 3: liên quan đến một số tình trạng trao đổi khí trong phổi
  • Nhóm 4: có thể gây ra bởi cục máu đông mãn tính trong mạch vận chuyển máu đến phổi
  • Nhóm 5: có thể bắt nguồn từ một loạt các tình trạng sức khỏe khác

Một số loại tăng áp phổi có tỷ lệ điều trị thành công cao hơn những loại khác. Hãy liên hệ với bác sĩ để tìm hiểu kỹ hơn

Tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh

Trong một số trường hợp hiếm gặp, tăng áp động mạch phổi ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh. Điều này được gọi là tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh (PPHN). Bệnh xảy ra khi các mạch máu đến phổi của bé không giãn nở như bình thường.

Các yếu tố rủi ro gây tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Nhiễm trùng thai nhi
  • Nhiễm trùng lúc sinh
  • Các vấn đề về phổi, chẳng hạn như phổi kém phát triển hoặc hội chứng suy hô hấp.

Nếu trẻ của bạn được chẩn đoán mắc bệnh tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ cố gắng làm giãn các mạch máu trong phổi bằng cách tiếp thêm oxy. Đôi khi, trẻ cũng cần dùng máy trợ thở để hỗ trợ quá trình hô hấp.

Điều trị đúng cách và kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ chậm phát triển và khuyết tật chức năng ở trẻ, đồng thời giúp nâng cao cơ hội sống sót.

Triệu chứng

Các triệu chứng tăng áp động mạch phổi là gì?

Trong giai đoạn đầu của bệnh, cơ thể thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Tuy vậy, khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn, các triệu chứng sẽ rõ ràng, bao gồm:

  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Tức ngực cũng như đau ngực
  • Mạch nhanh
  • Tim đập nhanh
  • Môi hoặc da tái xanh
  • Chân hoặc mắt cá chân bị phù

Bạn có thể thấy khó thở khi tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác. Thậm chí, việc hít thở đối với bạn lúc này cũng có thể trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, kể cả trong lúc nghỉ ngơi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi phát triển khi các động mạch phổi và mao mạch mang máu từ tim đến phổi của bạn bị tắc nghẽn hoặc tổn thương. Điều này có thể bắt nguồn từ một vài biến cố trong cơ thể, song cho đến nay, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được khám phá.

Theo thống kê của Tổ chức quốc gia về các rối loạn hiếm gặp (NORD), khoảng 15 – 20% trường hợp tăng áp lực động mạch phổi là do di truyền. Điều này liên quan đến đột biến gen xảy ra ở gen BMPR2 hoặc các gen khác. Các đột biến sau đó có thể được di truyền cho các thành viên trong gia đình, khiến thế hệ sau sẽ có khả năng bị tình trạng này.

Những yếu tố tiềm ẩn khác có thể liên quan đến việc phát triển PAH bao gồm:

  • Viêm gan mãn tính
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Rối loạn mô liên kết nhất định
  • Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm HIV hoặc bệnh sán máng
  • Một số độc tố hoặc thuốc, bao gồm cả chất kích thích như methamphetamine (ma túy đá) hoặc thuốc ức chế sự thèm ăn được bán trên thị trường.

Trong một số trường hợp, bệnh có thể phát triển mà không rõ nguyên nhân do đâu. Trường hợp này được gọi là tăng áp động mạch vô căn.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng áp động mạch phổi?

tăng áp động mạch phổi 1

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể mắc phải tăng áp lực động mạch phổi, họ sẽ yêu cầu bạn tham gia một hoặc nhiều xét nghiệm để đánh giá động mạch phổi và tim.

Các xét nghiệm chẩn đoán tăng áp động mạch phổi thường bao gồm:

  • Điện tâm đồ giúp kiểm tra các dấu hiệu căng thẳng hoặc nhịp đập bất thường trong tim.
  • Siêu âm tim giúp kiểm tra cấu trúc và chức năng của tim, đồng thời đo áp lực động mạch phổi.
  • Chụp X-quang ngực giúp bác sĩ tìm hiểu xem liệu động mạch phổi hoặc tâm thất phải của tim có bị giãn nở hay không.
  • Chụp CT hoặc MRI giúp tìm kiếm cục máu đông, khu vực thu hẹp hoặc tổn thương (nếu có) ở động mạch phổi.
  • Áp dụng biện pháp thông tim phải giúp đo huyết áp trong động mạch phổi và tâm thất phải của tim.
  • Kiểm tra chức năng phổi giúp đánh giá khả năng và lưu lượng không khí ra vào phổi.
  • Xét nghiệm máu giúp kiểm tra các chất liên quan đến tăng áp động mạch phổi hoặc các tình trạng sức khỏe khác.

Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của các xét nghiệm này để kiểm tra các dấu hiệu phát sinh bệnh, cũng như những nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra các triệu chứng mà cơ thể biểu hiện. Họ sẽ cố gắng loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác trước khi chẩn đoán PAH.

Phương pháp điều trị tăng áp động mạch phổi

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị tăng áp động mạch phổi tận gốc. Tuy nhiên, họ có thể đưa ra một vài biện pháp tạm thời để ngăn chặn các triệu chứng của căn bệnh này cũng như giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng và kéo dài sự sống của người bệnh.

Sử dụng thuốc trong điều trị tăng áp động mạch phổi

Để giúp kiểm soát tình trạng bệnh, bác sĩ có thể kê toa gồm một hoặc nhiều loại thuốc sau:

  • Điều trị tuyến tiền liệt để làm giãn mạch máu
  • Chất kích thích guanylate cyclase hòa tan để làm giãn mạch máu của bạn
  • Chất đối kháng thụ thể endothelin để ức chế hoạt động của endothelin, một hoạt chất có thể gây hẹp các mạch máu
  • Thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông

Nếu tăng áp động mạch phổi có mối liên hệ với một tình trạng sức khỏe cụ thể khác mà bạn mắc phải, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc khác để giúp điều trị tình trạng đó. Họ cũng có thể điều chỉnh bất kỳ loại thuốc mà bạn hiện đang dùng.

Phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tăng áp động mạch phổi, bác sĩ có thể đề nghị bạn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật thông liên nhĩ có thể được thực hiện để giảm áp lực ở tâm thất phải của trái tim, đồng thời ghép tim hoặc phổi thay thế trong trường hợp hai cơ quan này bị tổn thương.

Nếu tình trạng của bạn nghiêm trọng và liên quan đến viêm phổi, nhiều khả năng bạn sẽ phải làm thêm phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Lúc này, bác sĩ sẽ cắt bỏ một hoặc cả hai lá phổi và thay thế bằng phổi hiến tặng.

Mặt khác, trong trường hợp bạn mắc bệnh tim hoặc suy tim, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn ghép tim..

Triển vọng

Người bị tăng áp động mạch phổi có thể sống được bao lâu?

Tăng áp động mạch phổi sẽ dần dần chuyển biến tiêu cực theo thời gian. Triệu chứng bệnh ở một số người có thể trầm trọng với tốc độ nhanh hơn hẳn so với những người khác.

Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí CHEST đã kiểm tra tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người ở từng giai đoạn tăng áp động mạch phổi khác nhau và ghi nhận rằng bệnh trạng càng tiến triển, tỷ lệ sống sót càng giảm.

Các nhà nghiên cứu đã liệt kê tỷ lệ sống sót sau 5 năm theo từng giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: 72 – 88%
  • Giai đoạn 2: 72 – 76%
  • Giai đoạn 3: 57 – 60%
  • Giai đoạn 4: 27 – 44%

Mặc dù chưa có biện pháp điều trị cụ thể, những tiến bộ trong y học gần đây đã giúp cải thiện triển vọng cho những người không may bị tăng áp động mạch phổi..

Tiên lượng cho tăng áp động mạch phổi

Trong những năm gần đây, các phương pháp điều trị đã được cải thiện cho những người mắc tăng áp động mạch phổi. Tuy nhiên, biện pháp giải quyết tận gốc vẫn còn đang nghiên cứu.

Chẩn đoán và điều trị tăng áp động mạch phổi sớm có thể giúp giảm triệu chứng tốt hơn, đồng thời làm giảm nguy cơ gây biến chứng và kéo dài tuổi thọ của người bệnh.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tăng áp động mạch phổi?

phòng ngừa tăng áp dộng mạch phổi

Xây dựng các thói quen lành mạnh là chìa khóa vàng giúp giảm nguy cơ mắc biến chứng của tăng áp động mạch phổi. Thói quen lành mạnh bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, chăm tập thể dục và một vài thói quen khác, chẳng hạn như:

  • Áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
  • Tập thể dục cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất nhẹ
  • Giảm cân hoặc duy trì cân nặng lý tưởng
  • Bỏ thuốc lá

Theo các chuyên gia tư vấn, chương trình điều trị có thể giảm các triệu chứng cũng như nguy cơ biến chứng và kéo dài tuổi thọ.

Cẩm nang dành cho người bị tăng áp động mạch phổi

Vào năm 2014, các bác sĩ chuyên khoa lồng ngực từ một trường đại học ở Hoa Kỳ đã đưa ra một vài hướng dẫn hỗ trợ cho việc điều trị tăng áp động mạch chủ. Sau đây là một số lời khuyên được trích dẫn:

  • Những người có nguy cơ mắc bệnh và những người đang ở giai đoạn loại 1 nên được theo dõi các triệu chứng nhằm đề ra phương án điều trị kịp thời.
  • Những người bị tăng áp động mạch phổi nên lựa chọn một trung tâm y tế chất lượng cao để thực hiện xét nghiệm, nhằm tối ưu hóa mọi điều kiện trước khi bắt đầu quá trình điều trị.
  • Bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt cho bất kỳ tình trạng sức khỏe nào do tăng áp động mạch phổi gây ra.
  • Người bệnh nên được tiêm vắc xin ngừa cúm và viêm phổi do phế cầu khuẩn.
  • Bạn cần tránh mang thai nếu như được chẩn đoán mắc bệnh tăng áp động mạch phổi. Nếu có thai, bạn sẽ phải được chăm sóc từ một nhóm sức khỏe đa ngành bao gồm các chuyên gia có chuyên môn cao về tăng áp phổi.
  • Người bệnh nên tránh thực hiện các phẫu thuật không cần thiết. Vì khi trải qua một cuộc phẫu thuật cụ thể, họ cần được chăm sóc từ một nhóm sức khỏe đa ngành bao gồm các chuyên gia có chuyên môn về tăng áp phổi.
  • Hạn chế đến những nơi có vị trí trên cao, bao gồm cả đi máy bay. Vì không khí ở trên cao khá loãng, bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi thở. Trong trường hợp bạn bắt buộc phải đi máy bay, hãy chuẩn bị sẵn bình thở oxy bổ sung.

Những gợi ý trên chỉ cung cấp một số phương pháp chăm sóc người bị tăng áp động mạch phổi. Quá trình điều trị cũng như chăm sóc cá nhân của mỗi người tùy thuộc vào bệnh sử và các triệu chứng gặp phải.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pulmonary Arterial Hypertension. https://rarediseases.org/rare-diseases/pulmonary-arterial-hypertension/. Ngày truy cập 19/12/2018.

Heritable pulmonary arterial hypertension. ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK1485/. Ngày truy cập 28/07/2021.

The global alliance against chronic respiratory diseases: Pulmonary hypertension. who.int/gard/news_events/3-15___Plumonary%20hyperthension-Dr%20M.%20Hmpert.pdf. Ngày truy cập 28/07/2021.

Therapy for pulmonary arterial hypertension in adults. journal.chestnet.org/article/S0012-3692(19)30002-9/pdf. Ngày truy cập 28/07/2021.

Pulmonary arterial hypertension: Insights from genetic studies. ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3131832/. Ngày truy cập 28/07/2021.

Pulmonary hypertension. nhlbi.nih.gov/health-topics/pulmonary-hypertension. Ngày truy cập 28/07/2021.

Phiên bản hiện tại

28/07/2021

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Thư Phạm


Bài viết liên quan

Khám phá 4 bài thuốc dân gian trị thiếu máu cơ tim

Thực đơn dành cho người bệnh tăng áp động mạch phổi


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo