Bệnh tim bẩm sinh, hay khiếm khuyết bẩm sinh tại tim, là những vấn đề bất thường về cấu trúc tim đã có ngay từ khi trẻ mới chào đời. Những sai lệch này có nhiều mức độ, từ không nghiêm trọng cho đến tiềm tàng nhiều nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng ngay từ ngày đầu sau sinh. Do đó, phát hiện sớm dấu hiệu tim bẩm sinh, tốt nhất là từ trong bào thai, sẽ giúp trẻ được chẩn đoán kịp thời và điều trị ngay khi cần thiết.
Những tiến bộ vượt bậc của y học ngày nay đã giúp hầu hết bệnh nhân tim bẩm sinh có thể sống khỏe suốt cuộc đời. Tuy nhiên, bạn cần biết rõ cách bệnh biểu hiện trong từng thời điểm để thăm khám sớm và can thiệp đúng cách.
Dấu hiệu tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ
Tim hình thành và có nhịp đập từ khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Đây cũng là lúc cơ thể tạo ra những mạch máu chính chạy đến và đi ra khỏi tim, phác họa hệ tuần hoàn sơ khai. Chính ở thời điểm này, các khiếm khuyết ở tim cũng bắt đầu hình thành, có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào, trên mạch máu kết nối với tim, van tim, buồng tim, cơ tim.
Ngày nay, kỹ thuật siêu âm tim thai dần tiến bộ giúp phát hiện phần lớn các sản phụ có dị tật tim thai nhi bẩm sinh. Điều này là nền tảng theo dõi và lên phương án hỗ trợ quá trình chuyển dạ cũng như điều trị ngay khi trẻ chào đời, lúc tuần hoàn của trẻ sơ sinh độc lập khỏi cơ thể mẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp khiếm khuyết tim kín đáo hay tổn thương quá phức tạp phải đợi đến khi trẻ chào đời mới chẩn đoán toàn diện được.
Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng dị tật tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có thể khác nhau, phụ thuộc nhiều vào loại dị tật, mức độ và tuổi của trẻ. Mặc dù khi sinh ra, tim của trẻ đã bất thường nhưng không phải lúc nào triệu chứng bệnh cũng xuất hiện ngay lập tức.
Tuy vậy, hầu hết các dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng thường biểu hiện rõ ràng ngay sau khi sinh hoặc vài tháng đầu đời. Theo đó, do tim không đảm bảo cấu trúc và chức năng để có thể bơm máu hiệu quả hoặc máu không nhận đủ oxy, có luồng thông giữa máu động mạch và máu tĩnh mạch, cha mẹ có thể quan sát được các dấu hiệu tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh ngay từ giai đoạn sớm như sau:
- Da của trẻ đổi màu xám hoặc xanh lam (tím tái), rõ nhất là quan sát ở mặt trong má, lưỡi, môi và nướu răng.
- Dị tật tim làm tăng lượng máu lên phổi có thể khiến trẻ thở nhanh và gấp, khó thở, thở khò khè, cánh mũi phập phồng mạnh; viêm phổi hoặc viêm phế quản tái đi tái lại nhiều lần.
- Cảm giác tim đập nhanh.
- Chân, bụng hoặc vùng xung quanh thóp sưng lên.
- Hay cáu gắt, quấy khóc liên tục, khó ngủ.
- Đổ nhiều mồ hôi, nhất là lúc bú.
- Da mát lạnh bất thường do lưu lượng máu đến tay chân giảm.
- Khó bú, thường chỉ bú được một chút là rời vú mẹ hoặc vừa bú vừa khóc nên rất chậm tăng cân.
- Thấy rõ tĩnh mạch cổ khi trẻ ngửa đầu lên.
Triệu chứng tim bẩm sinh khi trẻ lớn hơn
Các dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh ít nghiêm trọng hơn phần lớn được phát hiện ở những năm về sau chứ không xuất hiện khi trẻ còn sơ sinh hoặc trẻ vẫn dung nạp được để trưởng thành Triệu chứng thường biểu hiện rõ ràng nhất khi trẻ vận động. Con bạn dễ bị:
- Hụt hơi, nhanh mệt mỏi hoặc thậm chí ngất xỉu khi thực hiện các hoạt động gắng sức hoặc tập thể dục
- Phù nề ở bàn tay, bàn chân và mắt cá chân
- Vùng hạ sườn phải to đau, ăn uống chậm tiêu
- Da sạm màu, móng tay phì đại kiểu dùi trống
- Bên cạnh đó, những bé này có thể không phát triển cân nặng, chiều cao đúng chuẩn
- Gặp một vài dấu hiệu tim bẩm sinh khác cũng giống như trẻ sơ sinh như dễ tím tái, viêm hô hấp nhiều lần.
Thời điểm vàng để phẫu thuật điều trị cho trẻ (nếu cần) là trước 5 tuổi. Vậy nên, cha mẹ nhớ cố gắng quan sát biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh và đưa con đi khám sớm nhé!
Dấu hiệu tim bẩm sinh ở người lớn
Trong một số trường hợp, những khuyết tật tim chưa gây ra vấn đề nghiêm trọng khi còn nhỏ, cơ thể trẻ vẫn có thể thích nghi được. Lúc trưởng thành, chiều cao và cân nặng đều tăng. Tuy nhiên, một số yếu tố thúc đẩy có thể khiến các dấu hiệu tim bẩm sinh trở nên rõ ràng hơn ở người trưởng thành như đặc thù nghề nghiệp cần vận động nhiều, căng thẳng, lo lắng, thói quen ăn uống, thay đổi hormone, giai đoạn mang thai hoặc khi mắc một số bệnh lý kèm theo.
Mặt khác, trẻ có thể đã điều trị từ khi còn nhỏ, nếu các sửa chữa chỉ tạm thời mà chưa triệt để thì bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể diễn tiến tiếp tục sau nhiều năm và biểu hiện triệu chứng.
Những triệu chứng tim bẩm sinh ở người lớn có thể là:
- Rối loạn nhịp tim (nhanh, chậm hoặc không đều)
- Da, môi và móng tay có màu hơi xanh (tím tái)
- Da sạm, móng tay phì đại kiểu dùi trống
- Khó thở, khò khè
- Sưng, phù nề các cơ quan, đau tức hạ sườn phải
- Tĩnh mạch cổ nổi
- Nhanh chóng mệt mỏi, hụt hơi hay ngất xỉu mỗi khi gắng sức.
Bệnh tim bẩm sinh không được điều trị đúng cách khiến bạn phải đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng, bao gồm rối loạn nhịp tim nghiêm trọng (nguy hiểm nhất là rung tâm nhĩ), viêm nội tâm mạc, tăng áp động mạch phổi, suy tim, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Các biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng, gây đột tử hoặc giảm thời gian sống của bệnh nhân. Phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh muốn mang thai cần tham vấn ý kiến của bác sĩ tim mạch và đồng thời cũng cần được đánh giá cẩn thận, theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ, quyết định thời điểm, cách thức chuyển dạ cũng như thực hiện thêm các sàng lọc di truyền của hai vợ chồng trong quá trình tiền làm tổ, nhằm đảm bảo có một thai kỳ an toàn và một em bé hoàn toàn bình thường.
Như vậy, bạn đừng coi thường bất kỳ dấu hiệu tim bẩm sinh nào kể trên. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tim mạch khi thấy bất thường và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để sống lâu dài với trái tim khỏe mạnh nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]