backup og meta

Các triệu chứng viêm loét đại tràng là gì? Khi nào bạn cần đi khám?

Các triệu chứng viêm loét đại tràng là gì? Khi nào bạn cần đi khám?

Viêm loét đại tràng là một dạng của bệnh viêm ruột. Đây là bệnh lý mãn tính, trong đó lớp niêm mạc của đại tràng (ruột già) từ manh tràng (đoạn đầu ruột già tiếp nối với ruột non) tới trực tràng (phần cuối của ruột) bị viêm và gây ra các vết loét. Ở hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng viêm loét đại tràng thường phát triển theo thời gian và thi thoảng bùng phát đột ngột.

Bệnh có thể gây chảy máu và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc sớm nhận biết các triệu chứng là điều rất quan trọng để bạn có thể đi khám và điều trị kịp thời. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn tìm hiểu các triệu chứng, dấu hiệu viêm loét đại tràng phổ biến cũng như các triệu chứng của từng loại viêm loét đại tràng khác nhau.

Các triệu chứng viêm loét đại tràng phổ biến

Các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí viêm và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm. Thông thường, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng từ mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, đối với một số người, bệnh có tác động đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Các triệu chứng, dấu hiệu viêm loét đại tràng phổ biến

  • Tiêu chảy dai dẳng, có thể tái phát
  • Đi ngoài thường có máu trong phân do chảy máu từ trực tràng
  • Đau bụng, co thắt bụng, đau mót rặn ở trực tràng
  • Người bệnh thường có nhu cầu đi ngoài khẩn cấp vì không giữ được phân hoặc ngược lại, bệnh nhân bị mót rặn, táo bón
  • Sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân
  • Đối với trẻ em, viêm loét đại tràng có thể khiến trẻ chậm phát triển.

Các triệu chứng viêm loét đại tràng bên ngoài hệ tiêu hóa

triệu chứng viêm đại tràng

Các triệu chứng của viêm loét đại tràng có thể xảy ra theo từng đợt. Điều này nghĩa là sau khi trải qua các triệu chứng khó chịu, bệnh sẽ thuyên giảm sau một khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng, sau đó là bùng phát trở lại. Ngoài các triệu chứng phổ biến kể trên, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng ngoài ruột, chẳng hạn như:

  • Viêm khớp gây sưng, đau khớp
  • Thiếu máu do giảm số lượng hồng cầu
  • Loét miệng
  • Mắt bị kích ứng, đỏ
  • Chuột rút nghiêm trọng
  • Các vấn đề về xương, chẳng hạn như loãng xương
  • Viêm các tế bào mỡ dưới da biểu hiện dưới dạng sẩn hoặc các cục u nhỏ màu đỏ. Tình trạng này được gọi là hồng ban nút.

Tìm hiểu các triệu chứng cụ thể theo từng loại viêm loét đại tràng

Có 4 loại viêm loét đại tràng, được phân loại dựa trên vị trí cụ thể của phần ruột đang bị ảnh hưởng.  Vì vậy, ngoài các triệu chứng viêm loét đại tràng chung, phổ biến kể trên, bạn có thể cần chú ý thêm các triệu chứng đặc trưng của mỗi loại viêm loét đại tràng sau đây.  

Viêm loét trực tràng

Đây là tình trạng mà viêm đường tiêu hóa chỉ giới hạn ở phần trực tràng, khu vực gần hậu môn nhất. Viêm loét trực tràng ảnh hưởng ở một phần nhỏ và vẫn liên quan đến ung thư. Các triệu chứng bao gồm: 

  • Chảy máu trực tràng: Đây có thể là triệu chứng duy nhất
  • Đau trực tràng
  • Nhu động ruột bất thường khiến bệnh nhân đi ngoài khẩn cấp (bệnh nhân luôn có cảm giác mót rặn mắc đi cầu nhưng không có phân, hoặc chỉ đi ra nhầy máu).
  • Táo bón cũng có thể là triệu chứng chính

Viêm đại tràng sigma – trực tràng (proctosigmoiditis)

Đây là tình trạng viêm liên quan đến trực tràng và đại tràng sigma – phần cuối của ruột tiếp giáp với trực tràng. Các triệu chứng cũng tương tự như trên bao gồm:

  • Tiêu chảy ra máu
  • Đau quặn bụng
  • Mót rặn, không thể đi tiêu mặc dù có nhu cầu.

Triệu chứng viêm loét đại tràng – Trường hợp viêm đại tràng bên trái

triệu chứng viêm đại tràng

Đây là tình trạng viêm đại tràng kéo dài từ trực tràng đi qua đại tràng sigma và đến phần đại tràng đi xuống. Các triệu chứng bao gồm:

  • Tiêu chảy ra máu
  • Đau quặn bụng, đặc biệt là đau ở bên trái
  • Ăn mất ngon, sụt cân
  • Có nhu cầu đi đại tiện khẩn cấp.

Viêm toàn bộ đại tràng

Đúng như tên gọi, trường hợp này tình trạng viêm sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng. So với các loại viêm loét đại tràng kể trên, viêm toàn bộ đại tràng có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu nghiêm trọng, đau quặn bụng, mệt mỏi, sụt cân đáng kể.

Khi nào bạn cần đi khám?

Các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng có thể phát triển từ nhẹ đến nặng (thiếu máu, suy dinh dưỡng, hoặc biến chứng ung thư). Dù trường hợp bệnh nghiêm trọng không quá phổ biến nhưng bạn không nên chủ quan. Bạn nên sớm đi khám nếu có những triệu chứng sau:

  • Đau bụng, cảm giác mót rặn
  • Có máu trong phân, đây thường là dấu hiệu của chảy máu trực tràng
  • Tiêu chảy liên tục, bạn đã dùng thuốc không kê đơn nhưng không khỏi
  • Tiêu chảy ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và giấc ngủ của bạn
  • Sốt không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 đến 2 ngày.

Mặc dù viêm loét đại tràng thường không gây tử vong nhưng vẫn có thể gây biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị. Đôi khi, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu phát triển thành ung thư ruột hoặc biến chứng thủng ruột. Vì vậy, bạn đừng chủ quan khi có các triệu chứng viêm loét đại tràng mà cần đi khám để được điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ulcerative colitis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ulcerative-colitis/symptoms-causes/syc-20353326 Truy cập ngày 17/11/2022

Types of Ulcerative Colitis

https://www.crohnscolitisfoundation.org/what-is-ulcerative-colitis/types-of-ulcerative-colitis Truy cập ngày 17/11/2022

Ulcerative colitis

https://www.nhs.uk/conditions/ulcerative-colitis/#:~:text=Ulcerative%20colitis%20is%20a%20long,can%20bleed%20and%20produce%20pus. Truy cập ngày 17/11/2022

Ulcerative colitis

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10351-ulcerative-colitis Truy cập ngày 17/11/2022

Ulcerative Colitis

https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/ulcerative-colitis Truy cập ngày 17/11/2022

( Guideline] Bernstein CN, Eliakim A, Fedail S, et al. World Gastroenterology Organisation global guidelines: inflammatory bowel disease: update August 2015. J Clin Gastroenterol. 2016 Nov/Dec. 50(10):803-8 

Phiên bản hiện tại

26/11/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Viêm đại tràng có nguy hiểm không? Liệu có dẫn đến ung thư


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo