Mất nước là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của tiêu chảy, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hiểu rõ phân độ mất nước khi bị tiêu chảy sẽ giúp bạn có thêm thông tin để đánh giá tình trạng hiện tại và có cách xử lý phù hợp nhất để phòng ngừa biến chứng.
Mất nước là tình trạng lượng nước thoát ra ngoài cơ thể lớn hơn lượng nước được đưa vào, khiến cơ thể bị thiếu nước và các chất điện giải. Nước chiếm khoảng 2/3 trọng lượng cơ thể và phân bố ở tất cả các cơ quan. Chính vì vậy, mất nước trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
Mất nước là biến chứng nghiêm trọng nhất mà bạn cần cảnh giác khi bị tiêu chảy và nôn mửa. Mất nước có nhiều mức độ, ở giai đoạn nhẹ, có thể chỉ cần bù nước thì cơ thể đã hồi phục nhưng ở giai đoạn nặng thì cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về phân độ mất nước cũng như các dấu hiệu cụ thể ở từng mức độ để có hướng xử lý phù hợp nhất.
Phân độ mất nước và các dấu hiệu cụ thể
Tình trạng mất nước của cơ thể sẽ được phản ánh thông qua các triệu chứng như mức độ khát nước, tình trạng da, mạch, huyết áp, tần suất đi tiểu, màu sắc nước tiểu và nhiệt độ tay chân.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, mất nước được phân thành 3 loại chính là mức nước nhẹ (mất nước độ 1), mức nước trung bình (mất nước độ 2) và mức nước nặng (mất nước độ 3). Việc đánh giá phân độ mất nước sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng lâm sàng. Cụ thể:
Các biểu hiện ban đầu khi bị mất nước thường chỉ thể hiện qua việc khát nước, tần suất đi tiểu và màu sắc nước tiểu. Khi mức độ mất nước tăng lên, các triệu chứng khác sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Ở mức độ vừa và nặng, cơ thể sẽ “cố gắng” bù đắp việc thiếu hụt chất lỏng bằng cách tăng nhịp tim và làm cho các mạch máu co lại để cố gắng duy trì huyết áp và lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng.
Điều trị mất nước khi bị tiêu chảy như thế nào?
Khi bị tiêu chảy và nôn mửa, bạn sẽ cần quan sát kỹ các dấu hiệu mất nước để đánh giá phân độ mức nước đang gặp phải.
Nếu mất nước ở mức độ nhẹ, hãy cố gắng uống nhiều nước lọc, ăn các thực phẩm loãng, nhiều nước… Với trẻ nhỏ thì cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Ngoài ra, bạn cũng cần bù nước bằng dung dịch bù nước Oresol sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng theo liều lượng sau:
- Dưới 10 kg: 60-120ml
- 10 kg trở lên: 120-240ml
Bên cạnh đó, bổ sung thêm 50ml-100ml/kg thể trọng Oresol sau mỗi 4 giờ.
Với những trường hợp mất nước vừa và nặng thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Khi đi khám, bác sĩ sẽ đánh giá chính xác về phân độ mất nước và có phương án điều trị phù hợp nhất.
Nếu bị mất nước nặng, không uống được, bác sĩ có thể chỉ định bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Dung dịch thường được lựa chọn là Ringer lactat. Ngoài ra còn có dung dịch chứa NaCl 0,9%, Glucose 5% với tỷ lệ 1/2:1.
Sau khi bù dịch, cứ 1 – 2 tiếng, người bệnh sẽ được đánh giá lại. Nếu tình trạng mất nước không thuyên giảm thì truyền thêm một lần nữa. Nếu người bệnh có thể uống được, bác sĩ có thể cho bù nước bằng dung dịch Oresol 100ml/kg/4 giờ.
Làm thế nào để tránh mất nước khi bị tiêu chảy?
Tiêu chảy và nôn mửa có thể khiến bạn mất nước rất nhanh. Do đó, để phòng ngừa mất nước, bạn cần bổ sung nhiều chất lỏng cho cơ thể và tìm cách cầm tiêu chảy càng nhanh càng tốt:
- Uống nhiều nước là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, bạn không nên uống quá nhiều cùng một lúc mà uống thành nhiều lần. Chẳng hạn, uống từng ngụm nhỏ sau mỗi 10 phút. Chú ý uống nước ấm, tránh uống nước lạnh. Bạn có thể uống nhiều nước lọc, nước trái cây không đường, nước súp, nước dừa hoặc nước uống thể thao giàu chất điện giải.
- Sử dụng dung dịch bù nước đường uống (Oresol) theo liều phòng ngừa (khoảng 5-10ml/kg trọng lượng cơ thể) sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp khi bị tiêu chảy: Bạn có thể ăn các món cháo phù hợp với người tiêu chảy như cháo hoa, cháo gà nấm hương, cháo cà rốt thịt nạc… để vừa bổ sung dinh dưỡng vừa bù nước. Hoặc bạn có thể theo chế độ ăn BRAT dành cho người tiêu chảy.
- Sử dụng các loại thuốc trị tiêu chảy không kê đơn như loperamide, bismuth subsalicylate, diosmectite… nếu các triệu chứng chỉ mới xuất hiện và không quá nghiêm trọng, tiêu chảy không nhầy máu. Tuy nhiên, nếu bạn đang mắc các bệnh lý khác thì tốt nhất nên đi khám và tránh tự ý dùng thuốc, không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ em.
Nếu tình trạng tiêu chảy, nôn mửa kéo dài hơn 2 ngày và đi cùng với các triệu chứng như sốt, đau bụng dữ dội, phân có màu đen, đỏ thì tốt nhất nên đi khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-bmr]