Tìm hiểu chung
Xạ hình gan mật là gì?
Xạ hình gan mật (HIDA) là một kỹ thuật quét tạo hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn và tổn thương ở gan, túi mật và ống mật như áp xe, khối u di căn, xơ gan.
Khi thực hiện, người bệnh được tiêm một chất đánh dấu đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch trên cánh tay. Chất đánh dấu đi qua dòng máu đến gan, cùng các tế bào sinh mật di chuyển vào túi mật và thông qua các ống mật đến ruột non. Một máy quét y học hạt nhân (camera gamma) theo dõi dòng chảy của chất đánh dấu từ gan vào túi mật và ruột non rồi tạo ra hình ảnh trên máy tính.
Khi nào bạn cần thực hiện xạ hình gan mật?
Chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong xác định bệnh lý gan mật: tắc mật, vị trí chỗ tắc, nguyên nhân gây tắc mật và góp phần xây dựng phác đồ điều trị bệnh lý gan mật.
Xạ hình gan mật thường được thực hiện để đánh giá tình trạng túi mật người bệnh. Nó cũng được sử dụng để xem xét chức năng bài tiết mật của gan và theo dõi dòng mật từ gan vào ruột non. Kỹ thuật này thường được sử dụng với X-quang và siêu âm.
Xạ hình gan mật có thể giúp chẩn đoán một số bệnh và tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như:
- Viêm túi mật
- Tắc nghẽn ống mật
- Bất thường bẩm sinh trong các ống mật, chẳng hạn như hẹp đường mật
- Biến chứng sau phẫu thuật, như rò rỉ mật và tạo thành đường rò (fistula)
- Đánh giá phẫu thuật ghép gan
Bác sĩ có thể chỉ định xạ hình gan mật như một phần của xét nghiệm để đo tốc độ giải phóng mật từ túi mật của người bệnh (phân suất tống máu túi mật).
Điều cần thận trọng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Xạ hình gan mật có nguy hiểm không?
Kỹ thuật này nhìn chung là an toàn, chỉ tiềm ẩn một vài rủi ro như:
- Phản ứng dị ứng với các loại thuốc có chứa chất đánh dấu đồng vị phóng xạ được sử dụng để quét
- Bầm tím tại chỗ tiêm
- Phơi nhiễm bức xạ (thấp)
Nếu người bệnh đang mang thai hoặc cho con bú, hãy thông báo cho bác sĩ. Trong hầu hết trường hợp, các xét nghiệm y học hạt nhân như xạ hình gan mật không được thực hiện ở phụ nữ có thai vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Chất đánh dấu đồng vị phóng xạ mà người bệnh được tiêm chỉ phát xạ trong vài giờ, sau đó thì không còn tác dụng. Camera gamma sử dụng để chụp ảnh các bộ phận cơ thể của người bệnh thì không tạo ra tia bức xạ.
Quy trình thực hiện
Trước khi thực hiện
Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh kiêng ăn trong 4–12 giờ trước khi làm xạ hình gan mật. Người bệnh có thể uống nước lọc. Bác sĩ cũng cần biết về các loại thuốc hay vitamin bổ sung mà người bệnh đang sử dụng.
Người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Họ có thể kê một loại thuốc giúp kết quả của chụp xạ hình rõ ràng hơn. Thuốc này có thể dùng trước ngày thực hiện một vài ngày hoặc ngay trước khi bắt đầu.
Khi bắt đầu tiến hành xạ hình, người bệnh cần thay áo choàng dành cho bệnh nhân. Không mang theo đồ trang sức và các phụ kiện kim loại khác, hoặc tháo ra trước khi thực hiện.
Trong khi thực hiện
Chuyên viên y học hạt nhân sẽ hỗ trợ người bệnh nằm ngửa trên giường và tiêm chất đánh dấu đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch cánh tay. Người bệnh có thể có cảm giác lạnh trong khi tiêm.
Trong quá trình thực hiện, người bệnh có thể được tiêm thuốc đường tĩnh mạch (Kinevac), khiến túi mật co lại và rỗng đi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm morphine giúp hình ảnh túi mật hiển thị rõ hơn. Tuy nhiên, morphine có thể khiến người bệnh buồn ngủ.
Camera gamma được cố định phía trên, hướng vào bụng người bệnh để chụp ảnh chất đánh dấu đồng vị phóng xạ khi nó di chuyển trong cơ thể. Người bệnh cần nằm yên trong quá trình này khoảng một giờ. Nếu cảm thấy không thoải mái, hãy báo ngay cho các chuyên viên và hít thở sâu để giảm bớt khó chịu.
Trên máy tính, bác sĩ sẽ theo dõi hành trình di chuyển của chất đánh dấu đồng vị phóng xạ trong cơ thể người bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần thực hiện lại quy trình nếu kết quả xạ hình không đạt yêu cầu, thường là trong vòng 24 giờ sau lần xạ hình đầu tiên.
Quá trình xạ hình gan mật có thể mất khoảng 60–90 phút, thậm chí mất tới 4 giờ tùy trường hợp.
Sau khi thực hiện
Thông thường, người bệnh có thể ra về trong ngày thực hiện xạ hình gan mật. Lượng chất đánh dấu đồng vị phóng xạ không nhiều và sẽ đào thải qua nước tiểu, phân trong 1 hoặc 2 ngày tiếp theo. Để thúc đẩy quá trình này, người bệnh nên uống nhiều nước.
Kết quả
Kết quả của xạ hình gan mật là gì?
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh, tổng hợp các kết quả xét nghiệm khác với kết quả xạ hình gan mật.
- Nếu kết quả là bình thường: Chất đánh dấu đồng vị phóng xạ di chuyển tự do cùng mật từ gan vào túi mật và ruột non của người bệnh.
- Nếu chất đánh dấu đồng vị phóng xạ di chuyển chậm: Điều này có thể chỉ ra sự tắc nghẽn hoặc có vấn đề trong chức năng gan.
- Nếu không nhận thấy chất đánh dấu đồng vị phóng xạ trong túi mật: Điều này có thể chỉ ra tình trạng viêm cấp tính (viêm túi mật cấp tính).
- Nếu phân suất tống máu túi mật thấp bất thường: Lượng chất đánh dấu rời khỏi túi mật thấp sau khi người bệnh được cho dùng thuốc làm rỗng túi mật có thể cho thấy tình trạng viêm mãn tính (viêm túi mật mãn tính).
- Nếu chất đánh dấu được phát hiện ở các khu vực khác: Điều này có thể chỉ ra sự rò rỉ mật, tiềm ẩn nguy cơ tạo đường rò.
Bác sĩ sẽ thảo luận trực tiếp về kết quả với người bệnh kỹ hơn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmr]