Không phải trường hợp nào bị sỏi túi mật to cũng phải mổ, chính vì thế nên nhiều người rất băn khoăn không biết sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ, mổ khi nào.
Sỏi túi mật hay sỏi mật là bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến, thường gặp ở người trên 50 tuổi với tỷ lệ mắc phải là khoảng 15%. Đối với việc điều trị sỏi túi mật thì phẫu thuật là phương pháp thường được chỉ định.
Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn bỏ túi thêm một vài thông tin hữu ích liên quan đến việc điều trị sỏi túi mật bằng phẫu thuật như sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ, mổ sỏi túi mật như thế nào…
Sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ?
Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ bởi việc có mổ sỏi túi mật hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng việc sỏi có kích thước lớn hay bé.
Tuy nhiên, nếu xét về kích thước thì đa phần bác sĩ sẽ chỉ định mổ nếu sỏi lớn hơn 2,5cm hoặc chiếm 2/3 diện tích túi mật. Bởi lúc này, sỏi có thể làm ảnh hưởng đến khả năng co bóp và tống đẩy dịch mật, gây ứ trệ dịch mật và đôi khi dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu sỏi túi mật lớn hơn 1cm kết hợp với polyp túi mật thì mổ cắt túi mật cũng có thể được chỉ định.
Sỏi túi mật khi nào cần phải mổ?
Như đã nói ở trên, việc sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ không quá quan trọng, mà bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng nhiều hơn. Hầu hết bệnh nhân bị sỏi túi mật có triệu chứng đều được chỉ định mổ, kể cả sỏi nhỏ.
Các triệu chứng bao gồm:
- Đau kéo dài, dữ dội ở bụng và lưng, nhất là sau khi ăn nhiều chất béo
- Sốt và đau bụng do túi mật hoặc ống mật bị nhiễm trùng
- Buồn nôn, nôn.
Phẫu thuật là cần thiết bởi đây là các dấu hiệu cho thấy sỏi túi mật có nguy cơ gây viêm túi mật mãn tính hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong những trường hợp như:
- Sỏi túi mật có nguy cơ phát triển thành ung thư
- Sỏi kẹt ở vị trí hẹp như cổ túi mật làm chặn hoàn toàn đường vào ra của dịch mật
- Áp xe túi mật (viêm mủ hoặc hoại tử túi mật do sỏi)
- Viêm gan, xơ gan do ứ mật
- Sỏi mật có kích thước lớn, có thể gây biến chứng ở người lớn tuổi.
Mổ cắt túi mật như thế nào?
Quy trình phẫu thuật cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm bên cạnh sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ. Hiện có 2 phương pháp chính để cắt túi mật là:
- Mổ nội soi cắt túi mật: Chiếm 90% trường hợp. Đây là loại phẫu thuật ít xâm lấn nên sau phẫu thuật, bạn sẽ ít đau và hồi phục nhanh hơn. Ban đầu, bác sĩ sẽ rạch 1 đường nhỏ ở gần rốn và đưa một ống hẹp có gắn camera vào ổ bụng để nhìn thấy túi mật trên màn hình. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một 1 đường khác và đưa dụng cụ phẫu thuật vào cắt bỏ túi mật đưa ra ngoài.
- Mổ mở cắt túi mật: Phương pháp này xâm lấn hơn do túi mật sẽ được loại bỏ thông qua một đường mổ lớn khoảng 10 – 15cm trên thành bụng. Mổ hở thường được chỉ định trong các trường hợp nội soi không thể nhìn thấy chính xác túi mật, đã mang thai đủ tháng, viêm túi mật nặng, có sẹo lớn từ cuộc phẫu thuật trước, có bệnh lý về tim và hô hấp, bị rối loạn chảy máu, bệnh gan hoặc nghi ngờ ung thư túi mật.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ cắt túi mật như thế nào?
Sau khi phẫu thuật cắt túi mật, bạn có thể thấy đau ở vị trí mổ và được cho dùng thuốc giảm đau. Nếu phẫu thuật nội soi, bạn có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc ở lại bệnh viện một đêm. Còn nếu mổ mở thì thời gian ở bệnh viện có thể tới 8 ngày.
Ngoài ra, nếu mổ nội soi, bạn có thể sẽ mất khoảng 2 tuần để hồi phục, còn mổ mở thì sẽ khoảng 6 – 8 tuần. Trong thời gian này, bạn sẽ cần:
- Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể để vết mổ nhanh lành
- Vận động nhẹ nhàng khi có thể. Tránh khuân vác nặng, làm việc hoặc tập thể dục quá sức.
- Ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo.. trong những ngày đầu mới mổ. Trong giai đoạn hồi phục, cần ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây giàu chất xơ; thêm dần các thực phẩm giàu chất đạm như thịt nạc…
- Ăn một lượng vừa phải mỗi bữa, không ăn quá ít hoặc quá no. Có thể chia nhỏ thành nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn.
- Chú ý uống nhiều nước.
Dù phẫu thuật cắt túi mật được đánh giá là an toàn nhưng vẫn có thể gây các biến chứng như:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Tổn thương các cơ quan tiêu hóa lân cận
- Tổn thương ống mật
- Rò rỉ mật vào khoang bụng
- Xuất hiện các cục máu đông
Do đó, sau phẫu thuật, bạn cần chú ý theo dõi và quan sát các triệu chứng. Nếu có các biểu hiện bất thường như sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng ngày càng nhiều, chướng bụng, nôn và buồn nôn không giảm, có dịch chảy từ vết mổ thì cần đi khám ngay.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn trả lời câu hỏi sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ và những thông tin xoay quanh mổ sỏi mật. Nếu được chỉ định mổ, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.
[embed-health-tool-bmr]