Bạn cần sớm phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ khi sỏi quá lớn và thường xuyên gây biến chứng như đau viêm, sốt, ứ mật… Thay vì quá lo lắng mổ sỏi mật có nguy hiểm không, bạn nên tìm cách hạn chế biến chứng và phòng tái phát sỏi.
Mổ sỏi mật là phẫu thuật ngoại khoa được đánh giá là khá an toàn hiện nay song vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Nếu đang lo lắng mổ sỏi mật có nguy hiểm không, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách chăm sóc sức khỏe để nhanh hồi phục và tránh sỏi tái phát sau phẫu thuật nhé.
Những trường hợp bạn cần mổ sỏi mật
Có nhiều trường hợp người bị sỏi mật có thể chung sống với bệnh mà không cần phẫu thuật nếu sỏi không gây triệu chứng, vì sự hiện diện của sỏi lúc này thường không nguy hiểm. Hơn nữa, bạn cũng có thể áp dụng một số cách loại bỏ sỏi mật không phẫu thuật nếu bệnh chưa quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với những trường hợp sỏi đã gây biến chứng như dưới đây thì chỉ định phẫu thuật là cần thiết:
- Polyp túi mật kích thước trên 10mm và có nguy cơ ung thư hóa.
- Túi mật dày thành, xơ hóa, teo xẹp mất khả năng co bóp và dự trữ dịch mật.
- Sỏi túi mật kích thước trên 25mm, thường xuyên gây đau viêm, buồn nôn, sốt cao…
- Sỏi đường mật trong gan, sỏi ống mật chủ thường xuyên gây đau, viêm, ứ mật…
Ngoài ra, những trường hợp người bệnh tiểu đường có sỏi mật, người bị cả sỏi mật và polyp, người đã từng bị viêm tụy do sỏi mật… cũng nên phẫu thuật sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng gì để phòng ngừa rủi ro về sau.
Bạn sẽ cần phẫu thuật khi sỏi mật quá to hoặc di chuyển trong hệ thống gan mật, gây cản trở dòng chảy và tích tụ mật. Bác sĩ điều trị sẽ là người đưa ra chỉ định có nên phẫu thuật hay không.
Bạn có thể nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo biến chứng sỏi mật như: sốt, buồn nôn và nôn, đau đột ngột và dữ dội ở giữa bụng hoặc bụng phía trên bên phải, vàng da, vàng mắt… Khi có các triệu chứng này, bạn cần đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Bên cạnh việc đưa ra chỉ định điều trị phù hợp, các bác sĩ sẽ tư vấn thêm về những việc cần chuẩn bị trước và sau khi mổ.
Mổ sỏi mật có nguy hiểm không?
Từ khi có phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sỏi mật đã trở nên khá an toàn. Vậy nên, bạn không cần lo lắng phẫu thuật mổ sỏi mật có nguy hiểm không mà hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt để vượt qua ca phẫu thuật. Tuy nhiên, mọi thủ thuật y khoa đều tồn tại một số rủi ro nhất định. Đối với phẫu thuật túi mật thì rủi ro là các biến chứng trong và sau khi mổ.
Rủi ro trong ca phẫu thuật
Trong quá trình mổ sỏi mật, một số biến chứng có thể xảy ra là viêm tụy, nhiễm trùng, mất máu hay rò rỉ dịch mật vào ổ bụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp một số vấn đề về tim mạch và phổi, bị dị ứng thuốc trong phẫu thuật, bị tổn thương ống mật hay có huyết khối.
Tuy các biến chứng trên thường hiếm xảy ra nhưng bạn vẫn nên đề phòng bằng cách thực hiện phẫu thuật ở bệnh viện uy tín và chọn bác sĩ đủ kinh nghiệm xử trí các tình huống xấu.
Rủi ro sau khi phẫu thuật
Phẫu thuật cắt túi mật thường không ảnh hưởng tới tuổi thọ nên bạn không cần lo lắng cắt túi mật sống được bao lâu. Tuy nhiên, cứ 10 người cắt túi mật thì có tới 4 người sẽ gặp các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài, khó tiêu, đầy hơi, đau bụng, sốt cao, vàng da, vàng tròng trắng mắt… Đây là các triệu chứng của hội chứng sau cắt túi mật xảy ra khi có dịch mật bị rò rỉ vào ổ bụng hoặc do còn sót sỏi trong các ống dẫn mật sau phẫu thuật.
Hội chứng sau cắt túi mật sẽ hết sau một thời gian ngắn, nhưng nếu các triệu chứng kéo dài nhiều tháng thì bạn cần đến cơ sở y tế để được điều trị.
Ngoài nguy cơ mắc hội chứng sau cắt túi mật, bạn cũng có thể tái phát sỏi mật sau khi phẫu thuật. Mặc dù phẫu thuật được đánh giá là phương pháp điều trị sỏi mật hiệu quả nhất cho đến nay nhưng bạn vẫn có nguy cơ tái phát do cơ địa, chế độ ăn uống hay phòng ngừa không phù hợp.
Cách phòng ngừa biến chứng mổ sỏi mật
Mổ sỏi mật có nguy hiểm không phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc sau mổ. Để phòng các biến chứng và tránh sỏi tái phát, bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Điều chỉnh chế độ ăn
Bạn có thể giảm nhẹ tình trạng đau bụng hay đầy hơi sau phẫu thuật bằng cách thay đổi chế độ ăn của mình như sau:
• Giảm dầu mỡ và tăng chất xơ: Bạn nên ăn đồ luộc và kiêng hoàn toàn các món chiên xào hay mỡ động vật ít nhất một tuần sau phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung chất xơ tốt cho ruột từ rau củ quả tươi, ngũ cốc… một cách vừa phải.
• Chia nhỏ bữa ăn: Bạn nên ăn 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính vì khi không còn túi mật, cơ thể sẽ không thể tiêu hóa được một lượng lớn chất béo cùng một lúc.
• Tránh các thực phẩm khó tiêu: Bạn nên tránh các thực phẩm có thể gây đầy hơi hay tiêu chảy như cà phê, nước tăng lực, nước ngọt, sữa tươi, sữa chua, phô mai, kẹo bánh…
Tuân theo chỉ định của bác sĩ
Để ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa cũng như biến chứng sau cắt túi mật, bạn có thể cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc bạn có thể cần là thuốc tẩy giun, thuốc kháng sinh và thuốc lợi mật.
Bạn cũng cần đến bác sĩ để khám nếu có các triệu chứng như ớn lạnh, sưng bụng, ho, khó thở, buồn nôn hoặc nôn. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bị sốt cao trên 39 độ dai dẳng, đau bụng hay bị chảy máu, mưng mủ, tấy đỏ ở vết mổ.
Mổ sỏi mật có nguy hiểm không là do cách bạn chăm sóc sức khỏe bản thân trước và sau khi phẫu thuật. Bạn nên chọn một bệnh viện uy tín, ăn uống lành mạnh và tuân theo chỉ định của bác sĩ để nhanh chóng hồi phục sức khỏe nhé.
[embed-health-tool-bmr]