Triệu chứng thận ứ nước xuất hiện thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ tắc nghẽn đường tiểu. Thận ứ nước có thể có biểu hiện hoặc không. Việc hiểu rõ về các triệu chứng của căn bệnh này sẽ giúp kịp thời chẩn đoán và điều trị thành công.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể về các dấu hiệu bệnh thận ứ nước ở người lớn và trẻ em trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh thận ứ nước là gì?
Thận ứ nước là tình trạng bị sưng phù một hoặc cả hai bên thận. Đây là hậu quả của việc nước tiểu không thể thoát ra khỏi thận và tích tụ lại. Điều này có thể do tắc nghẽn trong các niệu quản (đoạn ống đưa nước tiểu từ thận xuống bàng quang) hoặc cấu trúc bất thường của hệ tiết niệu không cho phép nước tiểu thoát ra ngoài đúng cách.
Thận ứ nước có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Riêng với trẻ em, bệnh này có thể được chẩn đoán từ thời kỳ sơ sinh và đôi khi được phát hiện ở thai nhi khi siêu âm thai định kỳ. Tỷ lệ thận ứ nước sơ sinh ít nhất là 1%.
Nguyên nhân thận ứ nước ở trẻ sơ sinh thường là do dị tật bẩm sinh làm thay đổi cấu trúc hệ tiết niệu, xuất hiện từ khi hình thành thai nhi. Ở người trưởng thành, thận ứ nước xảy ra thường do sỏi thận, sẹo tại niệu quản do nhiễm trùng/phẫu thuật/xạ trị trước đó, trào ngược túi niệu quản, ung thư hay khối u ở niệu quản, bàng quang, xương chậu hoặc bụng, rối loạn dây thần kinh chỉ huy bàng quang.
Các triệu chứng thận ứ nước
Triệu chứng bệnh thận ứ nước ở người lớn
Người lớn bị thận ứ nước có thể khởi phát triệu chứng đột ngột và nặng trong trường hợp cấp tính, nhưng cũng có thể âm thầm tiến triển trong trường hợp mạn tính. Cụ thể như sau:
- Thận ứ nước cấp tính: đau bụng (do sỏi từ thận di chuyển xuống dưới niệu quản, trong quá trình này cọ xát hoặc bị kẹt lại đoạn hẹp của niệu quản). Cơn đau bắt đầu từ sau lưng, lan tỏa xuống háng. Các triệu chứng mắc kèm khác là buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi.
- Thận ứ nước mạn tính: theo thời gian, thận bị giãn to dần. Quá trình này hầu như không gây dấu hiệu đáng kể nào. Chỉ trong trường hợp thận ứ nước do khối u ở vùng xương chậu hoặc tại bàng quang phát triển thầm lặng thì sẽ gây ra những triệu chứng của suy thận như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rối loạn điện giải (gây loạn nhịp tim, co thắt cơ bắp).
Biểu hiện bệnh thận ứ nước ở trẻ em
Hầu hết trẻ sơ sinh ứ nước tại thận mức độ nhẹ và trung bình không có triệu chứng, chức năng thận không bị ảnh hưởng và sẽ tự khỏi sau một thời gian chào đời. Đôi khi, trẻ chỉ có dấu hiệu của nhiễm trùng duy nhất là sốt nhiều lần không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, trẻ có thể lười bú, chậm tăng cân, hay cáu gắt.
Thận ứ nước từ trung bình đến nặng khiến trẻ bị đau bụng, đau một bên dưới xương sườn, tiểu ra máu. Bên cạnh đó, trẻ có biểu hiện của nhiễm trùng tiểu như tiểu gấp, tiểu buốt, nước tiểu đục, sốt, đau lưng, nôn mửa.
Đối với trẻ lớn hơn, triệu chứng thận ứ nước rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Gồm buồn tiểu nhiều và gấp, tiểu buốt, nước tiểu đục. Nếu trẻ có xu hướng bị nhiễm trùng đường tiểu lặp lại, hãy thăm khám để xác định trẻ có bị tắc nghẽn đường tiết niệu hay không.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Hãy đưa trẻ sơ sinh đi khám càng sớm càng tốt nếu sốt nhiều lần mà không rõ nguyên nhân.
Hãy gọi cho bác sĩ về cơn sốt nếu trẻ:
- Dưới 3 tháng tuổi và sốt cao từ 38°C trở lên
- Từ 3 tháng tuổi trở lên và sốt từ 38°C trở lên, cảm thấy mệt mỏi
- Ăn uống kém hoặc có những thay đổi đáng kể trong tâm trạng.
Đối với trẻ lớn hơn cần đi khám khi nhiễm trùng đường tiểu lặp đi lặp lại, hoặc trẻ bị đau bụng/đau hông dữ dội, sốt cao kèm nôn mửa.
Phòng ngừa bệnh thận ứ nước như thế nào?
Phòng ngừa thận ứ nước chủ yếu là kiểm soát những nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như:
- Giảm ảnh hưởng của sỏi thận bằng cách khám thường xuyên, điều trị sớm
- Vệ sinh sinh dục cẩn thận, tránh nhiễm trùng đường tiểu
- Kiểm tra ngay nếu nhận thấy những dấu hiệu khác thường.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về các triệu chứng thận ứ nước và cách phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả.