backup og meta

Dấu hiệu thận yếu là gì? Cách giữ gìn thận luôn khỏe mạnh

Dấu hiệu thận yếu là gì? Cách giữ gìn thận luôn khỏe mạnh

Thận là cơ quan làm nhiệm vụ lọc máu, giúp cơ thể loại bỏ các chất thải và độc tố ra bên ngoài. Vì vậy, các triệu chứng và dấu hiệu bị thận yếu có thể là hồi chuông cảnh báo cho hàng loạt vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. 

Nhận biết sớm các dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ, cũng như dấu hiệu thận yếu ở nam giới để có giải pháp can thiệp kịp thời là cách bảo vệ sức khỏe thận hữu ích nhất. Vậy làm thế nào để thực hiện điều đó? Mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Vì sao bệnh thận được gọi là “kẻ giết người thầm lặng’? 

Cơ thể mỗi người chúng ta đều có hai quả thận với chức năng chính là lọc máu chứa các chất thải từ quá trình chuyển hóa và sản xuất nước tiểu để bài tiết chúng ra ngoài. Theo thời gian, chức năng thận có thể bắt đầu giảm dần, tuy nhiên chưa gây ảnh hưởng quá nhiều tới các hoạt động bình thường của cơ thể. 

Đôi khi, các dấu hiệu của thận yếu có thể xuất hiện nhưng không đặc hiệu nên đa phần thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chỉ đến khi thận hoàn toàn suy giảm chức năng thì các biểu hiện mới thật sự rõ ràng. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. 

Chính vì vậy, bệnh thận còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” và có rất·nhiều người hiện đang sống chung với những căn bệnh thận mà không hề hay biết.

Làm sao biết thận yếu?

Không giống như chỉ số huyết áp hay chỉ số đường huyết mà hầu hết mọi người có thể theo dõi thường xuyên bằng cách kiểm tra tại nhà, những bất thường liên quan đến thận chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số vấn đề dưới đây vì đó có thể là dấu hiệu nhận biết thận yếu ở giai đoạn sớm:

Sưng tấy, phù nề

Một trong những dấu hiệu bị thận yếu có thể quan sát đầu tiên là sưng phù. Khi thận hoạt động kém, muối cùng các chất lỏng dư thừa không được loại bỏ sẽ tích tụ bên trong cơ thể gây phù. Hiện tượng này thường thấy tại cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, vùng mặt hoặc xung quanh mắt. Phù do bệnh thận có đặc điểm là khi bạn dùng tay ấn vào vị trí phù sẽ thấy vết lõm trên da. 

Giảm cảm giác thèm ăn

Các chất thải tồn tại trong máu không được thận đào thải ra bên ngoài, chẳng hạn như urê, creatinin, axit, có thể gây hôi miệng và làm thay đổi vị giác, khiến bạn thường xuyên cảm thấy thức ăn có mùi vị như kim loại và không muốn ăn. Hơn nữa, người bệnh còn có cảm giác no sớm kể cả khi hầu như không ăn thứ gì. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn và sụt cân nghiêm trọng.

Dấu hiệu thận yếu là gì - Chán ăn

Buồn nôn và nôn

Buồn nôn hoặc nôn là biểu hiện của khá nhiều bệnh lý trong cơ thể và đó cũng là một dấu hiệu bị thận yếu mà bạn cần quan tâm. Ngoài việc gây chán ăn, quá nhiều urê huyết cũng có thể gây ra buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là vào buổi sáng sớm. Trường hợp suy thận ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường nôn nhiều hơn và không thể ăn được.

Thiếu máu

Làm sao biết thận yếu? Bên cạnh chức năng lọc máu, thận còn tham gia tổng hợp erythropoietin – một hormone tham gia vào quá trình sản xuất tế bào hồng cầu. Khi thận yếu, mức erythropoietin có xu hướng giảm khiến cơ thể trông xanh xao, mệt mỏi do bị thiếu máu. 

Hậu quả là lưu lượng máu không đủ để cung cấp oxy cho nhu cầu hoạt động của não gây ra tình trạng khó tập trung và kém trí nhớ ở người bệnh. Đôi khi có thể xuất hiện cơn ớn lạnh, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Mệt mỏi, suy nhược

Các dấu hiệu thận yếu như chán ăn, buồn nôn, nôn và thiếu máu đều có thể kéo theo sự suy nhược kéo dài. Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và không còn đủ khả năng để thực hiện các hoạt động gắng sức. Biểu hiện này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh thận càng tiến triển. 

Khó thở 

Thêm một dấu hiệu nhận biết thận yếu khác mà có thể ít người nghĩ đến, đó là khó thở. Lý do thường có liên quan đến việc thận hoạt động yếu làm chất lỏng dư thừa đọng lại ở phổi, cùng với lượng oxy bị giảm do thiếu tế bào hồng cầu vận chuyển. Chính sự kết hợp của hai yếu tố này gây ra tình trạng khó thở, ngay cả khi không gắng sức.

Thay đổi tần suất đi tiểu

Khi thận yếu, lượng nước tiểu có thể giảm hoặc tăng.

Bên cạnh đó, tăng nhu cầu đi tiểu là một dấu hiệu phổ biến của những vấn đề ở thận. Nếu cảm giác muốn đi tiểu xuất hiện liên tục, nhất là vào ban đêm (còn gọi là tiểu đêm) thì có thể đây là dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ và cả nam giới. Bởi vì điều này cho thấy khả năng lọc và tái hấp thu của thận đang gặp vấn đề, dẫn đến lượng nước tiểu được tạo ra nhiều hơn làm tăng số lần đi tiểu. Một số trường hợp có thể kèm theo biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt (khó đi tiểu). 

Dấu hiệu thận yếu: Tiểu nhiều

Nước tiểu có bọt hoặc lẫn máu

Bình thường, màng lọc cầu thận với những lỗ kích thước nhỏ sẽ giữ lại phần lớn các phân tử lớn như protein hoặc tế bào máu. Nhưng khi cơ chế lọc của thận bị tổn thương hoặc yếu đi, protein và tế bào máu có thể thất thoát ra bên ngoài lẫn vào nước tiểu tạo ra hiện tượng sủi bọt và đổi màu nước tiểu. Quan sát có thể thấy nước tiểu màu nâu hoặc hồng. 

Ngoài là dấu hiệu thận yếu, đi tiểu ra máu cũng có thể là biểu hiện của một số tình trạng nguy hiểm khác ở đường tiết niệu, ví dụ như khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng. 

Da khô và ngứa

Mặc dù ít gặp, nhưng khô và ngứa da cũng có thể là dấu hiệu của thận yếu. Một vài trường hợp bệnh thận ở giai đoạn nặng, khi thận không còn đảm bảo được chức năng lọc máu khiến cơ thể tích tụ nhiều chất độc làm da bị ngứa, khô và có mùi hôi.

Huyết áp cao

Làm sao biết thận yếu? Hoạt động của thận và huyết áp luôn có sự liên quan chặt chẽ. Bất kỳ bệnh nhân nào được chẩn đoán tăng huyết áp cũng phải kiểm tra chức năng thận và chụp ảnh thận để tìm nguyên nhân. Vì khi chức năng thận bị suy yếu sẽ giữ lại một lượng muối và nước đáng kể trong cơ thể, gây ra tình trạng tăng huyết áp với các triệu chứng bao gồm: nhức đầu, đau bụng, mờ mắt,…

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu thận yếu kể trên xuất hiện một cách dai dẳng hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn thì hãy đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời.

Thận yếu nên làm gì?

Thận yếu nên làm gì? Sau khi nhận biết triệu chứng bị thận yếu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị bệnh sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: Bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng từng người. Ngoài ra, người bệnh không nên ăn những thực phẩm giàu đạm như sữa, trứng, cá, thịt… và các món mặn. Người bị bệnh nhẹ có thể ăn những món đạm ở mức độ vừa phải.
  • Thuốc
  • Lọc máu: Nếu thận quá yếu và việc điều trị các nguyên nhân, dùng thuốc hay chế độ dinh dưỡng không có hiệu quả, bác sĩ sẽ đề nghị lọc máu hoặc ghép thận tùy trường hợp.

Cách bảo vệ thận trước khi có những dấu hiệu thận yếu

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn dấu hiệu thận yếu, tuy nhiên chúng ta có thể giảm bớt rủi ro suy yếu thận bằng những biện pháp sau đây: 

Uống nhiều nước: Đây là cách bảo vệ thận đơn giản và phổ biến nhất. Uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là nước ấm có thể giúp thận loại bỏ natri, urê và các chất độc ra khỏi cơ thể. 

Chế độ ăn ít muối (natri): Kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể sẽ giảm tải cho thận và ngăn ngừa sự phát triển của tăng huyết áp. Hãy giảm lượng muối khi nấu nướng, tránh các thực phẩm đóng hộp.

Phòng ngừa dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ và nam giới

Duy trì cân nặng lý tưởng: Khi trọng lượng cơ thể tăng đồng nghĩa với việc áp lực lên thận cũng tăng. Do đó, nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện để giữ cân nặng ở mức ổn định với chỉ số BMI phù hợp. 

Kiểm soát đường huyết: Tổn thương thận ở những bệnh nhân bị đái tháo đường rất phổ biến, nhưng có thể cải thiện nếu phát hiện sớm. Người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, dùng thuốc đúng chỉ định.

Ổn định huyết áp (≤ 120/80 mmHg): Không chỉ gây ra các vấn đề về bệnh tim mạch và đột quỵ, huyết áp cao cũng có thể liên quan đến các dấu hiệu thận yếu ở nam giới và phụ nữ.

Không hút thuốc: Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng tiến triển của bệnh thận, đái tháo đường và tăng huyết áp. 

Lối sống lành mạnh: Cân bằng thời gian làm việc và thư giãn hợp lý. Ngủ đủ giấc và cố gắng dành thời gian để tham gia các hoạt động thể dục thể thao là điều cần thiết để duy trì sức khỏe chung cũng như bảo vệ thận.

Thăm khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra chức năng thận, phân tích nước tiểu định kỳ để phát hiện và khắc phục sớm những bất thường liên quan đến thận.

Bài viết đã chia sẻ những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu hơn về các dấu hiệu thận yếu. Qua đó, hy vọng bạn có thể lựa chọn được kế hoạch bảo vệ sức khỏe tối ưu nhất cho bản thân và gia đình. Và đừng quên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

EARLY WARNING SIGNS OF KIDNEY DISEASE. https://www.narayanahealth.org/blog/early-warning-signs-of-kidney-disease/. Ngày truy cập 12/10/2022 

Kidney Disease Symptoms. https://lifeoptions.org/learn-about-kidney-disease/kidney-disease-symptoms/. Ngày truy cập 12/10/2022 

Weak kidneys? Pay attention but don’t worry excessively. https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/weak-kidneys-pay-attention-but-dont-worry-excessively. Ngày truy cập 12/10/2022  

Chronic kidney disease. https://www.nhs.uk/conditions/kidney-disease/symptoms/. Ngày truy cập 12/10/2022

Signs of Kidney Disease. https://www.kidney.org/news/ekidney/august14/10_Signs_You_May_Have_Kidney_Disease#:~:text=A%20severe%20decrease%20in%20kidney,You’re%20having%20trouble%20sleeping. Ngày truy cập 14/10/2022

Phiên bản hiện tại

21/06/2023

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?

Các biến chứng suy thận mạn tính và cách để phòng tránh


Tham vấn y khoa:

Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 21/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo