Để chẩn đoán suy thận cấp, bác sĩ cần hỏi bạn về tiền sử bệnh, khám sức khỏe, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu… Ngoài ra, siêu âm thận cũng cần thiết trong chẩn đoán. Việc phát hiện bệnh nhanh chóng, điều trị ngay sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương thận vĩnh viễn.
Suy thận cấp là tình trạng đột nhiên thận không thể lọc các chất thải từ máu ra khỏi cơ thể. Đây là biến chứng của một căn bệnh hoặc rối loạn nào đó, dẫn đến tích tụ các chất độc trong máu nhanh chóng. Triệu chứng rất ít khi biểu hiện rõ, nhưng có thể gặp đi tiểu ít, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, ói mửa, ngứa, tinh thần thay đổi, khó thở, thậm chí co giật nếu mức nito ure trong máu tăng quá cao.
Nếu nghi ngờ suy thận cấp, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh, khám sức khỏe và yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán suy thận. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất, thận bị tổn thương vĩnh viễn và bạn buộc phải chạy thận đến suốt đời.
Các xét nghiệm sinh hóa chẩn đoán suy thận cấp
Chẩn đoán suy thận cấp (hay chấn thương thận cấp tính) thường nhờ vào các xét nghiệm máu và nước tiểu.
Creatinin huyết thanh (hay còn gọi là chỉ số creatinin)
Xét nghiệm creatinin huyết thanh giúp đo được nồng độ của creatinin có trong máu. Creatinin là sản phẩm của các quá trình chuyển hóa ở cơ bắp và được bài xuất ra nước tiểu. Bình thường, creatinin được sản xuất và bài tiết với tốc độ khá ổn định nên nó là thước đo chức năng thận đáng tin cậy, đồng thời là chỉ số đánh giá chính khi chẩn đoán suy thận cấp hay mạn.
Nồng độ creatinin huyết thanh bình thường ở một người lớn là:
- Nữ giới: khoảng 0,5–1,1mg/dl
- Nam giới: khoảng 0,6–1,2mg/dl
Thể tích nước tiểu
Thử nghiệm này chỉ đơn giản là đo thể tích nước tiểu bạn bài tiết trong 24 giờ. Kết quả xét nghiệm này là giá trị chủ yếu để tìm ra nguyên nhân suy thận và phản ánh đáp ứng điều trị của bạn.
Giảm niệu, lượng nước tiểu được bài tiết giảm một cách bất thường, được xác nhận khi thể tích nước tiểu nhỏ hơn 0,5ml/kg/giờ.
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán suy thận cấp
Một số xét nghiệm sinh hóa khác được sử dụng để chẩn đoán suy thận cấp bao gồm:
- Xét nghiệm urê máu (BUN) để đo lượng nitơ urê có trong máu. Nitơ urê được tạo ra khi gan phân hủy protein, tương tự như creatinin huyết thanh, chúng được bài xuất qua nước tiểu sau khi tích tụ đến một ngưỡng nhất định. Nồng độ nitơ urê máu cao là dấu hiệu của suy thận cấp. Ngoài ra, điều đó còn giúp bác sĩ biết được nguyên nhân gây bệnh cơ bản có thể là suy tim, mất nước hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu. Khi nồng độ nito ure tăng quá cao, tức là thận đã mất chức năng lọc hoàn toàn và bạn phải chạy thận suốt đời.
- Độ thanh thải creatinin đo lượng creatinin có trong máu và nước tiểu được thu thập trong vòng 24 giờ. Tổng hợp kết quả sẽ cho thấy có bao nhiêu creatinin được loại sạch khỏi máu thông qua đường nước tiểu, đơn vị tính là ml/phút. Độ thanh thải creatinin bình thường là 88–128ml/phút ở nữ giới và 97–137ml/phút ở nam giới.
- Ước tính mức độ lọc cầu thận (GFR) ước tính lượng máu đi qua cầu thận, một bộ lọc tự nhiên của thận. Tốc độ lọc này cho biết mức độ tổn thương của thận ở giai đoạn nào (từ 1–5).
- Xét nghiệm đo kali huyết để tránh tình trạng tăng kali máu. Tăng kali máu là một đặc trưng của suy thận cấp và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng.
- Phân tích nước tiểu được tiến hành để phát hiện liệu có dư thừa nồng độ protein trong nước tiểu (protein niệu) hay không. Xét nghiệm này cũng giúp phát hiện máu vi thể trong nước tiểu, xảy ra khi suy thận cấp gây ra bởi các tổn thương thận hay tắc nghẽn đường tiết niệu.
Tiêu chuẩn chẩn đoán suy thận cấp
Suy thận cấp được chẩn đoán chủ yếu dựa trên kết quả xét nghiệm creatinin huyết thanh và thể tích nước tiểu.
Tiêu chuẩn chẩn đoán suy thận cấp được xây dựng bởi tổ chức KDIGO (một tổ chức phi lợi nhuận giám sát và thực hiện các hướng dẫn thực hành lâm sàng đối với bệnh thận) như sau:
- Nồng độ creatinin huyết thanh tăng 0,3mg/dl hoặc hơn trong vòng 48 giờ
- Creatinin huyết thanh tăng ít nhất 150% trong khoảng vòng 7 ngày
- Thể tích nước tiểu dưới 0,5ml/kg/giờ trong khoảng thời gian 6 giờ.
Nếu có bất kỳ một trong ba dấu hiệu trên, bạn có thể được chẩn đoán suy thận cấp.
Xét nghiệm hình ảnh
Ngoài xét nghiệm máu và nước tiểu, xét nghiệm hình ảnh có khi được sử dụng để chẩn đoán suy thận cấp nhằm phát hiện tổn thương thận bao gồm:
- Siêu âm đo kích thước và sự xuất hiện của thận, phát hiện khối u hoặc các tổn thương thận, xác định vị trí tắc nghẽn trong mạch máu hay đường bài xuất nước tiểu. Một kỹ thuật mới hơn gọi là siêu âm màu doppler có thể dùng đánh giá cục máu đông, hẹp hoặc vỡ trong các động mạch, tĩnh mạch thận.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng tia X tạo ra hình ảnh cắt ngang của một cơ quan. Quét CT hữu ích trong việc phát hiện ung thư, tổn thương, áp xe, vật cản (như sỏi thận) và tích tụ chất lỏng xung quanh thận. Phương pháp này sử dụng hiệu quả ở những người béo phì khi siêu âm không cung cấp được hình ảnh rõ ràng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng từ để tạo ra hình ảnh có độ tương phản cao mà không cần bức xạ.
Sinh thiết thận
Phương pháp sinh thiết tế bào thận thường dùng để chẩn đoán suy thận cấp nội tại (suy thận do tổn thương tại thận gây ra). Sinh thiết còn có thể nhanh chóng chẩn đoán một số nguyên nhân gây tổn thương thận phổ biến hơn, bao gồm:
- Viêm thận kẽ cấp tính, viêm mô giữa các ống thận
- Hoại tử ống thận cấp tính, tình trạng các mô thận chết do thiếu oxy
- Viêm cầu thận, viêm nhiễm xảy ra trong mạch máu ở cầu thận
Chẩn đoán phân biệt với bệnh khác
Là một biến chứng của tình trạng bệnh hoặc rối loạn nào đó, suy thận cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm suy tim, xơ gan, ung thư, rối loạn tự miễn và thậm chí do mất nước nghiêm trọng gây ra.
Đồng thời, một vài tình huống mà các kết quả xét nghiệm sinh hóa cho thấy dấu hiệu suy thận cấp nhưng thực tế là do một điều kiện sức khỏe khác. Chẳng hạn như:
- Bệnh thận mạn tính: có tất cả các dấu hiệu huyết thanh học tương tự như suy thận cấp nhưng thời gian tồn tại thường kéo dài hơn 3 tháng. Xét nghiệm đánh giá độ thanh thải creatinin có thể khác nhau giữa hai tình trạng bệnh này.
- Một số loại thuốc như thuốc ức chế thụ thể H2 (cimetidine) và kháng sinh (trimethoprim) có thể gây tăng creatinin. Khi đó, ngưng sử dụng thuốc sẽ cho thấy sự khác biệt đáng kể khi xét nghiệm lần tiếp theo.
Trên đây là các thông tin hy vọng giúp bạn hiểu rõ hơn về các xét nghiệm chẩn đoán suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp) hiện nay nhé!