backup og meta

Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì, kiêng uống gì để bệnh nhanh khỏi?

Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì, kiêng uống gì để bệnh nhanh khỏi?

Amidan là hai khối mô mềm nhỏ nằm ở sau lưỡi và phía trên cổ họng. Với vị trí này, nếu bị sưng viêm  amidan, có thể chứa mủ hoặc không, đều sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn, khó chịu và khó nuốt. Chính vì vậy, viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì và nên ăn gì để bệnh nhanh lành bệnh là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Việc kiêng cữ đúng cách đối với một số bệnh lý nói chung và viêm amidan hốc mủ nói riêng có thể góp phần hỗ trợ điều trị và giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn. Bài viết sau những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được sẽ giải đáp chi tiết vấn đề này để bạn có thêm thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích.

Viêm amidan hốc mủ là gì? Các triệu chứng bạn cần lưu ý

Viêm amidan hốc mủ hoặc viêm amidan có mủ là tình trạng viêm, nhiễm trùng amidan dẫn đến hình thành các túi chứa mủ (các ổ mủ) trong mô amidan. Viêm amidan xảy ra thường do nhiễm virus và đôi khi là vi khuẩn, điển hình như liên cầu khuẩn nhóm A. Khi bị viêm amidan hốc mủ, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau ở amidan, cảm giác vướng họng, đau rát họng gây khó nuốt
  • Sốt với mức độ khác nhau, tùy vào thể trạng từng người
  • Ho, khàn tiếng
  • Amidan đỏ, sưng tấy, tiết dịch mủ hoặc có các cục mủ trên amidan rất dễ thấy khi khám nội soi hoặc đè lưỡi
  • Hơi thở hôi, có thể có mùi vị tanh trong miệng gây khó chịu, hôi miệng

Viêm amidan nói chung còn gây ra các triệu chứng phổ biến khác như đau đầu, đau tai, đau hàm, ớn lạnh,… thậm chí có thể gây khó thở nếu amidan sưng quá lớn.

Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì, kiêng uống gì? 7 lưu ý cần nhớ

Thông thường, viêm amidan nói chung sẽ khiến bạn cảm thấy đau họng và gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn, thức uống. Vì vậy, bạn phải cân nhắc nhiều hơn trong việc ăn uống để giảm khó chịu và ngăn ngừa viêm amidan trầm trọng hơn. Đối với vấn đề “viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì, kiêng uống gì?”,  bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:

1. Tránh thực phẩm cứng, giòn, thô ráp

viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì: tránh đồ cứng, thô ráp

Việc bị khó nuốt khi bị viêm amidan là vấn đề không tránh khỏi. Lúc này, việc ăn các thực phẩm cứng, giòn, thô ráp có thể gây kích ứng thêm cho amidan và khiến bạn cảm thấy đau hơn khi nuốt. Vì vậy, bạn nên tránh tối đa các thực phẩm cứng, giòn chẳng hạn như bánh quy, đồ ăn vặt sấy giòn, các loại hạt…

2. Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì? Bạn nên tránh thức ăn cay

Các món ăn có chứa các thành phần gia vị như bột ớt, hạt tiêu, tương ớt… là những món cay nóng có thể kích thích viêm amidan, ảnh hưởng đến miệng và cổ họng của bạn cũng như gây ra những cơn ho rất khó chịu, đau đớn. Hơn nữa, việc tiêu thụ capsaicin, một chất tạo vị cay có trong ớt, có thể gây tăng sản xuất nước bọt để tạo điều kiện cho chất nhầy tích tụ nhiều hơn trong cổ họng và khiến bạn khó nuốt. Vì vậy, để tránh viêm amidan trở nên trầm trọng thì người bệnh cần tránh ăn các món cay nóng.

3. Thức ăn nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe

Thức ăn nhanh hoặc các món ăn chiên xào với dầu mỡ chẳng hạn như xúc xích, gà rán, mì xào, lạp xưởng… thường là các món chứa nhiều chất béo. Đây là nhóm thực phẩm có hại cho sức khỏe cũng như gây kích ứng amidan nên bạn cần hạn chế.

4. Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì? Bạn nên “tránh xa” các loại trái cây có lông, có vảy

Các loại trái cây có lông, vảy như quả đào, quả nhót… khi ăn rất dễ gây ngứa họng dẫn đến ho. Điều này có thể gây khó chịu, đặc biệt là khi bạn đang gặp vấn đề về họng và amidan thì cần tránh ăn những trái cây này.

5. Trái cây có tính axit – Bạn cần hạn chế ăn khi viêm amidan

viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì: tránh trái cây có tính axit

Trái cây họ cam quýt (cam, chanh…) và cà chua có chứa một lượng axit tự nhiên đáng kể. Vì vậy, những loại trái cây này có thể gây kích ứng cổ họng cũng như kích ứng amidan đang bị viêm đau. Cách tốt nhất là bạn không nên ăn trái cây có tính axit cũng như tránh nước ép từ các loại quả này.

6. Tránh các món lạnh, tái sống

Những món lạnh như nước đá, kem, đá bào… có thể làm dịu các triệu chứng viêm đau họng nhưng cảm giác này chỉ là tạm thời. Thực chất, việc tiếp xúc với các món lạnh có thể gây kích ứng niêm mạc miệng họng khiến bạn bị ho và đau nhiều hơn. Vì vậy, bạn nên hạn chế dùng đồ ăn, thức uống lạnh khi bị sưng viêm amidan.

Ngoài ra, đối với vấn đề “viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì?” thì các món tái sống như sushi, các loại gỏi sống, rau sống… cũng nên được hạn chế. Nhiều người cho rằng các món ăn tươi sống thường không gây hại đối với tình trạng viêm amidan. Thế nhưng, các món ăn tươi sống không được đảm bảo vệ sinh vẫn có nguy cơ chứa các vi khuẩn có hại. Khi bạn ăn đồ sống, vi khuẩn có thể xâm nhập vào các khu vực bị sưng viêm, mưng mủ bên trong miệng họng và khiến viêm amidan trầm trọng hơn.

7. Tránh đồ uống chứa chất kích thích

Một số thức uống, đặc biệt là đồ uống chứa chất kích thích, có thể gây kích ứng cho cổ họng. Vì vậy, bạn nên tránh các đồ uống như rượu bia, cà phê, nước tăng lực… khi bị viêm amidan hốc mủ. Ngoài ra, nếu có thể thì bạn cũng nên tránh hút thuốc lá trong thời gian bị viêm amidan vì thuốc lá có thể gây khô, đỏ, kích ứng cổ họng.

Viêm amidan hốc mủ nên ăn gì?

viêm amidan hốc mủ nên ăn gì:

Khi bị viêm amidan, thức ăn mềm nên được ưu tiên vì dễ nuốt và không kích ứng cổ họng của bạn. Bên cạnh đó, các thức uống ấm cũng có thể ngăn ngừa hoặc giảm đau do viêm amidan. Vì vậy, trong chế độ ăn uống dành cho người bị viêm amidan, bạn nên ưu tiên:

  • Cháo hoặc cơm mềm
  • Các loại rau củ nấu chín mềm chẳng hạn như khoai tây, khoai lang, bí đỏ, bí xanh, cà rốt, củ dền…
  • Ăn nhiều trái cây nhưng cần ưu tiên các loại quả mềm và không chứa axit, ví dụ như chuối, bơ
  • Sữa, các sản phẩm từ sữa
  • Thịt, cá, trứng đã được nấu chín kỹ để cung cấp chất đạm cho cơ thể
  • Các món ăn, thức uống như canh, nước ấm, trà thảo mộc, nước trái cây không chứa axit…

Việc hiểu rõ vấn đề “viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì, kiêng uống gì?” là điều cần thiết. Việc kiêng cữ đúng cách sẽ  góp phần hỗ trợ điều trị để bạn nhanh lành bệnh hơn. Mặc dù viêm amidan thường không nguy hiểm nhưng nếu bạn có các triệu chứng bất thường như đau họng kéo dài, mệt mỏi, yếu cơ, cứng cổ… thì vẫn nên sớm đi khám nhé!

Bài viết được tham vấn y khoa bởi Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn. Được xây dựng theo mô hình bệnh viện – khách sạn hiện đại, quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong và ngoài nước, bệnh viện được khách hàng lựa chọn cho nhiều dịch vụ thăm khám như khám tổng quát, tầm soát ung thư, thai sản trọn gói,… vì chất lượng và sự tận tâm.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Suppurative Tonsillitis

https://www.yalemedicine.org/clinical-keywords/suppurative-tonsillitis#:~:text=Definition,pockets%20within%20the%20tonsillar%20tissue. Truy cập ngày 12/10/2023

Suppurative Tonsillitis Caused by Suspected Community-Acquired Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus Infection: A Case Report

https://www.omicsonline.org/open-access/suppurative-tonsillitis-caused-by-suspected-communityacquired-methicillinresistant-staphylococcus-aureus-infection-a-case-report-2161-1165-1000299.php?aid=87147 Truy cập ngày 12/10/2023

Tonsils

https://my.clevelandclinic.org/health/body/23459-tonsils Truy cập ngày 12/10/2023

Tonsillitis

https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/tonsillitis#:~:text=The%20tonsils%20are%20lymph%20nodes,other%20parts%20of%20the%20throat. Truy cập ngày 12/10/2023

Tonsillitis

https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/ears-nose-and-throat/tonsillitis Truy cập ngày 12/10/2023

Viêm Amidan mủ: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị an toàn

https://taimuihongsg.com/benh-viem-amidan-hoc-mu-dieu-tri-va-phong-ngua/ Truy cập ngày 12/10/2023

Foods to Avoid (and to Eat) with Tonsillitis

https://www.healthline.com/health/tonsillitis-food-to-avoid Truy cập ngày 12/10/2023

Viêm Amidan hốc mủ kiêng ăn gì để bệnh không nặng thêm?

https://www.thuocdantoc.org/viem-amidan-hoc-mu-kieng-an-gi.html Truy cập ngày 12/10/2023

Phiên bản hiện tại

09/11/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Phân biệt viêm amidan và viêm họng do liên cầu khuẩn

Viêm họng hạt có mủ: Đừng chủ quan kẻo hối hận không kịp!


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 09/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo