Bác sĩ có thể yêu cầu test rối loạn thần kinh thực vật nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ hoặc nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc phải. Ví dụ như người bệnh tiểu đường, người đang điều trị ung thư bằng một loại thuốc có thể gây tổn thương dây thần kinh… Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Các bác sĩ chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh, kết quả khám sức khỏe tổng quát và một số xét nghiệm. Các xét nghiệm được thực hiện sẽ tùy thuộc vào triệu chứng và các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Bác sĩ có thể kiểm tra nhịp tim và huyết áp, đo lượng mồ hôi tiết ra trong các điều kiện khác nhau hoặc thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác.
Các xét nghiệm sau đây có thể được lựa chọn để test rối loạn thần kinh thực vật:
Test rối loạn thần kinh thực vật bằng bàn nghiêng
Bài test rối loạn thần kinh thực vật này giúp đánh giá thần kinh kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Nó đặc biệt cần thiết nếu bệnh nhân thường xuyên bị ngất xỉu và có dấu hiệu nghi ngờ là tổn thương dây thần kinh điều hòa nhịp tim.
Xét nghiệm này sẽ theo dõi sự thay đổi của huyết áp và nhịp tim khi bạn thay đổi tư thế, vị trí.
Bạn nằm thẳng trên bàn nằm ngang, sau đó, kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh độ nghiêng của bàn để nâng phần trên của cơ thể lên, đồng thời theo dõi liên tục nhịp tim và huyết áp trong quá trình này. Thông thường, khi nâng cao phần trên của cơ thể, các mạch máu sẽ co lại, nhịp tim tăng lên để bù đắp cho sự sụt giảm huyết áp khi tư thế và vị trí cơ thể thay đổi. Phản ứng này có thể bị chậm lại nếu mắc bệnh rối loạn thần kinh thực vật.
Một bài test rối loạn thần kinh thực vật đơn giản hơn cho phản ứng này là kiểm tra huyết áp và nhịp tim khi nằm, ngồi và đứng sau 3 phút; hoặc thực hiện kiểm tra nhịp tim, huyết áp khi đứng trong một phút, sau đó ngồi xổm trong một phút rồi lại đứng lên.
Test chức năng thực vật
Bài test này cũng đánh giá sự thay đổi của huyết áp, nhịp tim nhưng đánh giá trong khi bạn thực hiện một hoạt động gắng sức như hít thở sâu (nghiệm pháp Valsalva)… Khi thực hiện các hoạt động gắng sức, cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách tăng huyết áp, tăng nhịp tim để tăng cường cung cấp máu cho cơ thể. Nhưng khi bị rối loạn thần kinh thực vật, cơ thể bạn sẽ mất đáp ứng này.
Kiểm tra các vấn đề tiêu hóa
Xét nghiệm làm rỗng dạ dày là bài test rối loạn thần kinh thực vật phổ biến nhất để kiểm tra các vấn đề về tiêu hóa xảy ra do tổn thương dây thần kinh kiểm soát ruột và dạ dày. Chúng có thể là tiêu hóa chậm và chậm làm rỗng dạ dày (liệt dạ dày).
Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón và tiêu chảy. Các xét nghiệm này thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Nội – Tiêu hóa.
Bài test rối loạn thần kinh thực vật: Thử nghiệm phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định lượng (QSART)
Bài test rối loạn thần kinh thực vật này nhằm mục đích kiểm tra chức năng điều tiết mồ hôi, từ đó biết được các dây thần kinh kiểm soát tuyến mồ hôi của bạn đang hoạt động như thế nào.
Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp kích thích tuyến mồ hôi, đồng thời đo lượng mồ hôi tiết ra để kiểm tra cách các dây thần kinh kiểm soát tuyến mồ hôi của bạn phản ứng với kích thích. Các điện cực nhỏ được đặt trên cẳng tay, đùi, cẳng chân và bàn chân. Một dòng điện nhỏ đi qua điện cực này để kích thích các tuyến mồ hôi. Máy tính sẽ phân tích phản ứng của các dây thần kinh và tuyến mồ hôi. Bạn có thể cảm thấy ấm nóng hoặc ngứa ran trong quá trình làm xét nghiệm.
Kiểm tra mồ hôi điều nhiệt (TST)
Kiểm tra mồ hôi điều nhiệt (TST) là bài test rối loạn thần kinh thực vật giúp đo khả năng bài tiết mồ hôi của bệnh nhân khi bị kích thích bởi môi trường nóng và ẩm. Xét nghiệm này đánh giá khả năng kiểm soát mồ hôi và điều hòa nhiệt độ cơ thể (điều hòa thân nhiệt) của cả hệ thống thần kinh tự trị trung ương và ngoại vi.
Bạn được phủ một lớp phấn đổi màu khi tiết mồ hôi. Trong khi bạn nằm trong buồng có nhiệt độ tăng dần, ảnh kỹ thuật số sẽ ghi lại kết quả khi cơ thể bắt đầu tiết mồ hôi. Lượng mồ hôi có thể giúp chẩn đoán bệnh lý rối loạn thần kinh thực vật hoặc xác định được nguyên nhân khác làm giảm hoặc tăng tiết mồ hôi quá mức.
Xét nghiệm nước tiểu và chức năng bàng quang
Nếu bạn có các dấu hiệu về bàng quang hoặc tiết niệu nghi ngờ do rối loạn thần kinh thực vật gây ra, một loạt các xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra bàng quang sẽ được thực hiện.
Khi vấn đề nằm ở bàng quang, bác sĩ cũng có thể đề nghị siêu âm bàng quang. Test rối loạn thần kinh thực vật bằng siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm thanh tần số cao tạo ra hình ảnh của bàng quang và các bộ phận khác của đường tiết niệu. Từ kết quả siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra xem bàng quang của bạn hoạt động như thế nào và xác định những bất thường nếu có.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và giúp bạn hiểu rõ hơn về các xét nghiệm dùng để test rối loạn thần kinh thực vật nhằm chẩn đoán chính xác bệnh.
[embed-health-tool-bmi]