Tình trạng chóng mặt do rối loạn tiền đình có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tăng nguy cơ té ngã. Vì vậy, người bệnh gặp phải tình trạng này cần đến bệnh viện thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và có chỉ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, sử dụng thuốc rối loạn tiền đình nếu cần.
Rối loạn tiền đình là tình trạng hệ thống giữ thăng bằng của cơ thể bị rối loạn do tổn thương ở những khu vực như hệ thống tiền đình ở tai trong, trung tâm xử lý của hệ thần kinh trung ương hoặc cả hai. Biểu hiện của rối loạn tiền đình tương đối đa dạng. Trong đó, chóng mặt là triệu chứng tiêu biểu nhất, đi kèm với đó là buồn nôn, nôn, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, không đáp ứng với các chuyển động của đầu… [1].
Tình trạng chóng mặt do rối loạn tiền đình có thể kéo dài từ vài giây cho đến vài ngày [2]. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc rối loạn tiền đình để điều trị giúp làm giảm ảnh hưởng của các triệu chứng.
Vậy, chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám và dùng thuốc ra sao? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây!
Chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám? Vì sao việc thăm khám kịp thời lại quan trọng?
Như đã đề cập, trong nhiều trường hợp, rối loạn tiền đình nghiêm trọng, tình trạng chóng mặt có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của bệnh nhân [1]. Do đó, để tránh rủi ro, một lời khuyên cho người bị rối loạn tiền đình là bạn cần đến bệnh viện thăm khám nếu nhận thấy tình trạng chóng mặt do rối loạn tiền đình kéo dài, tái phát hoặc ngày một trầm trọng hơn. Đặc biệt, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bị chóng mặt nghiêm trọng kèm theo các triệu chứng sau [3]:
- Đau đầu, đau cổ đột ngột, dữ dội
- Đau nặng ngực, khó thở
- Tê hoặc liệt tay, chân
- Tê hoặc yếu cơ mặt
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Nói ngọng, nói lắp, đầu óc lẫn lộn
- Nôn mửa liên tục
- Chóng mặt, mất thăng bằng khiến bạn không thể tự đi lại
- Thay đổi thính lực đột ngột
- Nhìn đôi (song thị)
- Ngất xỉu, co giật
Việc thăm khám rất quan trọng vì có thể giúp bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị rối loạn tiền đình phù hợp, như dùng thuốc nhằm hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng. Một trong những vấn đề phổ biến mà nhiều người bệnh rối loạn tiền đình gặp phải, là tăng nguy cơ bị té ngã. Đặc biệt, ở những bệnh nhân lớn tuổi, di chứng từ những cú ngã nghiêm trọng có thể gây suy nhược cơ thể, tổn thương thể chất hoặc thậm chí dẫn đến tử vong [1].
Không chỉ làm tăng nguy cơ té ngã, người bị chóng mặt do rối loạn tiền đình nghiêm trọng còn phải đối mặt với tình trạng suy giảm chất lượng cuộc sống do không thể tự mình thực hiện nhiều hoạt động sinh hoạt đơn giản hằng ngày. Các hoạt động này có thể kể đến như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, lái xe, vận hành máy móc… Không những vậy, nhiều bệnh nhân bị chóng mặt còn mất khả năng làm việc trong các lĩnh vực mà trước đây mình đã từng làm [1].
Uống thuốc gì khi bị chóng mặt do rối loạn tiền đình?
Thuốc để điều trị chóng mặt do rối loạn tiền đình có nhiều loại khác nhau, bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn. Trong đó, thuốc chứa hoạt chất acetyl leucine dạng viên uống là thuốc không kê đơn giúp “cắt” cơn chóng mặt nhanh. Acetyl leucine, một axit amin mạch nhánh có khả năng điều hòa điện thế màng và kích thích các chất dẫn truyền giúp thúc đẩy bù trừ tiền đình. Qua đó, thuốc làm giảm rõ rệt triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, đồng thời chức năng tiền đình cũng được phục hồi. Nhóm thuốc này dùng được cho đa số đối tượng bệnh nhân, kể cả bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng hay bệnh nhân hen suyễn, thuốc có thể sử dụng kéo dài (lên đến 6 tuần).
Bên cạnh đó, để giảm tình trạng chóng mặt do rối loạn tiền đình, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc kê đơn như các nhóm thuốc ức chế tiền đình sau [4]:
- Nhóm thuốc benzodiazepin: Đây là một trong những nhóm thuốc ức chế tiền đình với khả năng làm giảm cường độ chóng mặt và rung giật nhãn cầu do mất cân bằng tiền đình. Thuốc cũng giúp làm giảm lo lắng và hoảng sợ liên quan đến tình trạng chóng mặt.
- Thuốc kháng histamine: Các thuốc kháng histamin có thể ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng chóng mặt.
- Thuốc kháng cholinergic: Thuốc kháng cholinergic ức chế sự phát xung của nhân tiền đình và giảm tốc độ rung giật nhãn cầu.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc khác để điều trị nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Chẳng hạn như bệnh nhân rối loạn tiền đình do viêm dây thần kinh tiền đình có thể được chỉ định các corticosteroid. Hay tình trạng rối loạn tiền đình do bệnh Menière có thể được điều trị với thuốc lợi tiểu, corticosteroid, gentamicin liều thấp… [4].
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết được người bị chóng mặt do rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám và dùng thuốc ra sao. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc rối loạn tiền đình để điều trị nguyên nhân cũng như giảm nhẹ triệu chứng chóng mặt do tình trạng này gây ra. Một lời khuyên cho người bị rối loạn tiền đình là nên đến bệnh viện thăm khám sớm và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt khi nhận thấy tình trạng chóng mặt kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
[embed-health-tool-bmi]