backup og meta

Nguyên nhân gây đau nửa đầu sau và cách điều trị

Nguyên nhân gây đau nửa đầu sau và cách điều trị

Đau nửa đầu sau là triệu chứng thường gặp nhưng nhiều người thường chủ quan và phớt lờ dấu hiệu này. Theo nhiều chuyên gia cảnh báo thì đây có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Vì vậy hãy cùng Hellobacsi tìm hiểu cụ thể về cơn đau nửa đầu sau gáy và các cách phòng ngừa nhé! 

Đau nửa đầu sau gáy là gì?

Nửa đầu sau gáy bao gồm vùng phía sau đầu và vùng cổ gáy. Khi cơn đau phát tác, người bệnh có thể cảm thấy đau cổ gáy, nhức mỏi lan tới đỉnh đầu và hai bên thái dương khiến cơ thể khó chịu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

Trong trường hợp là triệu chứng nhất thời thì bạn không cần quá lo vì cơn đau sẽ qua nhanh khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, đau nửa đầu sau có thể thành bệnh mãn tính với một số đặc điểm như: cơn đau kéo dài, dai dẳng, mức độ đau từ nhẹ đến trung bình, ít gây cảm giác nhói như đau đầu vùng thái dương hoặc đau nửa đầu trước. Cơn đau khiến các cơ ở cổ và da đầu căng ra, cảm giác như có người đang kéo giật tóc về phía sau. 

Tần suất xuất hiện thường ngẫu nhiên, có người đau 2 – 3 lần trong một tháng nhưng cũng có người thi thoảng mới xuất hiện triệu chứng này. Nếu tần suất đau vào khoảng 15 lần/tháng và trong 03 tháng liên tiếp đều có các cơn đau dai dẳng như này thì có thể bạn đã mắc đau nửa đầu sau mãn tính. Tuy nhiên, nếu cơn đau xuất hiện dày đặc, ngày nào cũng đau trong một khoảng thời gian cố định thì bạn nên đi gặp bác sĩ ngay để có phương án điều trị phù hợp. 

Bạn có thể xem thêm


Các vị trí đau đầu thường gặp và cách xử trí

Nguyên nhân đau nửa đầu sau và các triệu chứng đi kèm

Nguyên nhân trực tiếp và triệu chứng

Do căng thẳng

Đây là nguyên nhân phổ biến gây nên đau đầu hoặc đau nửa đầu sau cho người bệnh. Các đợt đau thường kéo dài từ ngắn nhất là 30 phút hoặc lâu nhất là 7 ngày. Thông thường, người bệnh sẽ không cảm thấy nhói mà chỉ thấy đau âm ỉ trong đầu.

Dấu hiệu:

  • Có cảm giác bị thắt chặt ở vùng phía sau đầu, vùng vai gáy, lưng trên cứng đờ
  • Khi bạn làm việc quá sức, thiếu ngủ, mệt mỏi, vận động sai tư thế hoặc bỏ bữa thì cơn đau sẽ xuất hiện
  • Cơn đau khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, khó tập trung cho công việc 
  • Đặc biệt, cơn đau do căng thẳng không gây cảm giác buồn nôn hoặc khiến bạn nôn mửa

Do giảm áp lực nội sọ

Quanh não và tủy sống thường có dịch não tủy chảy quanh với vai trò bảo vệ nhu mô não. Tuy nhiên, khi dịch tủy não bị rò rỉ sẽ làm áp suất ở nội sọ bị thấp gây nên các cơn đau nửa đầu sau. Hiện tượng này có thể ngẫu nhiên xảy ra nhưng cũng có thể do tai nạn, chấn thương cột sống, chọc dịch não tủy không cẩn thận khiến chúng bị rò rỉ ra ngoài. 

Dấu hiệu: Cơn đau sẽ trở nặng hơn, có thể kèm theo nôn mửa khi bạn ngồi thẳng lưng, đứng hoặc di chuyển hoặc tập luyện thể dục thể thao, ho hoặc hắt hơi. 

Nguyên nhân gián tiếp và triệu chứng

Ngồi sai tư thế

Khi ngồi sai tư thế trong thời gian dài, cổ sẽ phải vươn nhoài ra phía trước hoặc cúi gập xuống, lưng cong khiến trọng lượng cơ thể dồn lên các nhóm cơ gây ra các cơn đau, nhức mỏi.

Dấu hiệu: Cơn đau nửa đầu sau xuất hiện từ gáy rồi lan truyền dần dần đến vùng phía sau đầu. Ví dụ điển hình của ngồi sai tư thế là khi làm việc hoặc ngồi lướt điện thoại quá nhiều trong thời gian dài. 

Lạm dụng các dòng thuốc giảm đau

Các dòng thuốc giảm đau không kê đơn thường có thể giúp bạn giảm đau trong thời gian ngắn nhưng về lâu về dài thì không quá phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Việc lạm dụng sẽ khiến cơ thể bị nhờn thuốc và công hiệu không còn hiệu quả như hồi trước nữa. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm lâu dài có thể gây suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể.

Dấu hiệu: Cơn đau diễn ra dai dẳng và sẽ không ngừng đau khi dừng thuốc. Một số biểu hiện đi kèm như lo lắng, mệt mỏi, khó chịu, giảm trí nhớ, buồn nôn hoặc nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm.

nguyên nhân đau nửa đầu sau

Các bệnh lý về đốt sống cổ

Viêm khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống, thoái hóa cột sống đều khiến các đốt xương tại vị trí 1, 2, 3 bị viêm và sưng đau. Bất kỳ dấu hiệu chấn thương nào đều có thể tạo ra các áp lực chèn ép lên dây thần kinh, đặc biệt là vùng dây thần kinh chẩm bé, chẩm lớn ở vùng sau não gây ra cơn đau nửa đầu sau.

Dấu hiệu: Cơn đau bắt đầu từ cổ rồi lan dần lên vùng gáy và phía sau đầu. 

Do chọc dò tủy sống

Chọc dò tủy sống vùng thắt lưng là một thủ thuật y khoa mà trong đó các bác sĩ dùng kim tiêm để trích xuất dịch não tủy ở vị trí cột sống thắt lưng. Do áp suất trong khoang não tủy thay đổi đột ngột nên thường dẫn đến các cơn đau nửa đầu phía sau. 

Do chứng đau đầu vận mạch (Migrane)

Chứng đau đầu vận mạch xuất hiện các cơ co thắt mãnh liệt của hệ thống mạch máu não khiến người bệnh thiếu máu tạm thời và gây ra cơn đâu tại bất cứ vùng nào trên da đầu, trong đó có đau nửa đầu sau.

Dấu hiệu:

  • Buồn nôn, ói mửa
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Cơn đau dữ dội và lan ra phần nửa đầu trước
  • Vị trí đau thường không cố định, lúc thì phía trước đầu, lúc thì phía sau đầu hoặc là phía bên trái hoặc bên phải

Do đau thần kinh chẩm 

Đau thần kinh chẩm, hay còn gọi là Arnold’s neuralgia, xảy ra do các dây thần kinh chạy từ tủy sống (phần đốt sống cổ thứ hai, thứ ba) đến phần vùng gáy bị viêm. Ngoài ra, nguyên nhân có thể đến từ việc dây thần kinh chẩm bị kích thích/ ép do cơ căng cơ vùng cổ hoặc gặp chấn thương khi có va đập, tai nạn. 

Dấu hiệu:

  • Nghẹt mũi, ù tai
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Thị lực thay đổi, gây đau hốc mắt
  • Xuất hiện các cơn đau nhói như dao đâm, liên tục theo từng nhịp
  • Cử động cổ sẽ gây đau hoặc khi nghiêng đầu sang trái hoặc phải

Do chứng đau đầu cụm

Chứng đau đầu cụm khá hiếm gặp nhưng không phải không có và khi xảy ra thường rất đau đớn, khó chịu, kèm theo cảm giác ê buốt, xuyên thấu. Cơn đau thường xuất hiện bất ngờ gây nhức nhối dữ dội, cơn đau nhói lên theo từng nhịp mạch đập và có thể hết nhanh chóng hoặc thuyên giảm từ từ.

Dấu hiệu:

  • Nghẹt mũi
  • Tâm lý bồn chồn, khó chịu
  • Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng
  • Sụp mí mắt, chảy nước mắt thường xuyên
  • Cơn đau nửa đầu sau trầm trọng hơn khi nằm xuống

Do chứng đau đầu Cervicogenic

Cervicogenic thường xuất hiện ở những người có tiền sử chấn thương cổ khiến dây thần kinh thường xuyên bị chèn ép, co thắt hoặc những người đang gặp thoái hóa đốt sống cổ, viêm khớp. 

Dấu hiệu:

  • Cứng cổ, đau vai và lan đến hai bên cánh tay
  • Các chuyển động cổ thường kích thích cơn đau trầm trọng hơn
  • Cường độ đau từ trung bình đến nặng, không có cảm giác nhói
  • Khi nằm xuống, cơn đau nửa đầu sau còn có thể gây khó chịu hơn khiến bạn mất ngủ 

Khi nào cần phải gặp bác sĩ?

Nếu chứng đau nửa đầu kéo dài trong thời gian dài và dần xuất hiện một số triệu chứng dưới đây thì bạn cần phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp:

  • Sốt
  • Cứng gáy
  • Nôn, buồn nôn
  • Rối loạn hành vi ý thức
  • Sợ ánh sáng, sợ âm thanh lớn
  • Mức độ đau tăng cao và ngày càng trở nên trầm trọng
  • Vận động kém, các hệ thống thần kinh vận động bị liệt hoặc đi lại khó khăn

Đối tượng thường gặp đau nửa sau đầu

Nếu cơn đau nửa đầu sau không phải do bệnh lý thì thường sẽ chủ yếu đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, một vài đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này là:

  • Người lao động tay chân nặng nhọc, thường xuyên mang vác vật nặng, gây ra chấn thương cho vùng cổ, vai, gáy
  • Những người thường ngồi lâu trong thời gian dài khiến các cơ xương khớp kém linh hoạt, ví dụ như nhân viên văn phòng, tài xế lái xe,…
  • Người cao tuổi do các hệ thống dây chằng, đốt sống trong cơ thể bị yếu dần nên gây áp lực cho các dây thần kinh sau gáy
  • Phụ nữ trong và sau thời kỳ sản sẽ có thay đổi về trọng lượng cơ thể chèn ép các đốt sống cổ, tăng tỷ lệ đau nửa đầu. Hơn nữa, việc cho bé bú sữa sai tư thế cũng khiến các mẹ dễ gặp các cơn đau vùng cổ vai gáy
  • Người đã mắc các chấn thương về cổ vai gáy

Cách trị đau nửa đầu sau gáy

Nếu nguyên nhân gây đau nửa đầu sau không phải đến từ bệnh lý thì bạn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu là do bệnh lý thì cần phải có những chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo có cách điều trị phù hợp, không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân. 

Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là đến gặp bác sĩ để xác nhận nguyên nhân chính của bệnh, sau đó, kết hợp giữa phương án điều trị của bác sĩ với cách trị đau nửa đầu sau gáy tại nhà, bao gồm:

  • Ngủ đủ giấc: Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì người từ 18 tuổi trở lên phải ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe.
  • Chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dưỡng chất: Uống đủ nước, ăn đủ bữa và đúng giờ.

đau nửa đầu sau

  • Thực hiện các liệu pháp thư giãn: Để thư giãn các nhóm cơ ở cổ, vai lưng thì tập thiền hoặc một số bài tập nhẹ nhàng sẽ là phương án hữu ích. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn pilate hoặc yoga, massage trị liệu hoặc châm cứu trị liệu ở vị trí đau nhức cũng được nhiều người sử dụng. 
  • Sử dụng thuốc kháng sinh cho chứng đau nửa đầu sau: Đối với các trường hợp cấp tính thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau để giúp bệnh nhân chấm dứt đau đầu. Tuy nhiên, với các trường hợp mãn tính thì người bệnh phải dùng đến thuốc trầm cảm, thuốc chống động kinh hoặc một số loại thuốc dự phòng khác để kiểm soát các cơn đau khó chịu. Việc lạm dụng thuốc sẽ gây ra các tác dụng phụ, ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh người sử dụng, chính vì vậy, cần phải có sự chỉ định liều lượng từ bác sĩ, không nên quá lạm dụng. 
  • Tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ: Đi khám đúng hẹn với bác sĩ để xác định chính xác diễn biến của bệnh. Không tự ý sử dụng các loại thuốc khác mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ. 
  • Giảm căng cơ: Nếu phải sử dụng máy tính trong thời gian dài thì nên nghỉ giải lao thường xuyên.
  • Sửa dáng lưng, sửa dáng cổ: Ngồi thẳng lưng trên nghế, sử dụng thêm đệm lót lưng và điều chỉnh màn hình máy tính ở vị trí ngang tầm mắt để không tạo áp lực lên các đốt sống cổ. 

Cách phòng ngừa đau nửa đầu sau

  • Nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ trong không gian yên tĩnh
  • Học cách quản lý căng thẳng trong công việc và cuộc sống
  • Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày
  • Thiết lập lịch ngủ khoa học với thời gian đi ngủ – thức dậy đều đặn
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ lượng đường huyết ổn định
  • Dành thời gian thư giãn mỗi ngày với sở thích của bạn, ví dụ như nghe nhạc, đi bộ, tập yoga,…
  • Sử dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ như châm cứu, mát xa, trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý,…
  • Tập luyện thể dục hoặc tập thiền để giảm bớt mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện của các cơn đau
  • Hạn chế các tác nhân gây kích thích chứng đau nửa đầu của bạn, ví dụ như rượu, bia, mùi hương dị ứng hay các căng thẳng trong công việc

Các triệu chứng đau nửa đầu sau có thể chữa khỏi hoặc giảm nhẹ, phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sự đáp ứng phương pháp điều trị của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi bệnh trở thành mãn tính thì sẽ hơi khó khăn, chính vì vậy, nếu nhận thấy bản thân có bất cứ dấu hiệu nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị trong thời gian sớm.

Bài viết được tham vấn y khoa bởi BS. Hoàng Công Tuấn. Bác sĩ có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội tim mạch, được đào tạo từ Đại học Y Dược Huế, đạt các chứng chỉ chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện tim TP.HCM. Bác sĩ Tuấn chuyên khám và điều trị các bệnh lý Nội tim mạch theo hình thức tư vấn từ xa (Telemedicine).

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Occipital neuralgia. https://www.spine-health.com/blog/occipital-neuralgia-what-it-and-how-treat-it. Ngày truy cập 11/10/2023

Occipital neuralgia. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23072-occipital-neuralgia. Ngày truy cập 11/10/2023

Occipital neuralgia. https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/occipital-neuralgia. Ngày truy cập 11/10/2023

Occipital neuralgia. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/occipital-neuralgia. Ngày truy cập 11/10/2023

Occipital neuralgia. https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Occipital-Neuralgia. Ngày truy cập 11/10/2023

Phiên bản hiện tại

19/10/2023

Tác giả: Lê Phương Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hoàng Công Tuấn

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

8 loại thực phẩm giúp giảm đau nửa đầu mà bạn nên dùng

Tìm hiểu về tình trạng đau nửa đầu bên phải


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Hoàng Công Tuấn

Tim mạch · Phòng khám Bác sĩ gia đình - 115 An Tâm


Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 19/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo