Đột quỵ luôn là nỗi ám ảnh rất lớn với nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi. Nó không chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật mà còn ngày càng phổ biến. Vậy làm sao để ngăn ngừa đột quỵ? Bên cạnh thuốc cho những đối tượng nguy cơ cao, điều chỉnh chế độ ăn nhằm kiểm soát mỡ máu và huyết áp thì các bài tập chống đột quỵ chính là một trong những phương pháp tốt nhất.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu tầm quan trọng của các bài tập thể dục chống đột quỵ và cách thực hiện trong bài viết này nhé!
Tập thể dục chống đột quỵ quan trọng như thế nào?
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ rất lớn, làm tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần khả năng bạn bị đột quỵ nếu nó không được kiểm soát và điều trị tốt.
Béo phì cũng làm tăng khả năng bị đột quỵ của bất kỳ ai. Khi giảm được ít nhất 4.5kg có thể tác động đến nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, lượng đường trong máu cao trong bệnh tiểu đường cũng sẽ làm hỏng các mạch máu theo thời gian, khiến các cục máu đông dễ hình thành. Vì vậy, nó sẽ khiến người bệnh phải đối diện nhiều hơn với nguy cơ đột quỵ.
Các bài tập chống đột quỵ được chứng minh là góp phần giúp duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát huyết áp, giảm mức mỡ máu cũng như giữ lượng đường trong máu ở phạm vi mục tiêu. Nhờ đó, đóng vai trò là một phương pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.
Ngoài ra, nếu bạn đã từng bị đột quỵ, việc tập luyện đều đặn có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện một cơn đột quỵ khác trong tương lai.
Gợi ý các bài tập chống đột quỵ đơn giản
Không có một bài tập chống đột quỵ nào cụ thể. Chỉ cần bạn vận động đều đặn hàng ngày đều sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe về lâu dài và giảm rủi ro đột quỵ. Tuy nhiên, các bài tập cường độ thấp đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ bị chấn thương và thường được khuyến nghị hơn cho những người lớn tuổi có nguy cơ bị đột quỵ cao.
Một số bài tập chống đột quỵ cường độ thấp mà bạn có thể tập luyện như sau:
Đi bộ, chạy bộ
Cách đơn giản nhất là bạn có thể đi bộ vào mỗi sáng ở quanh nhà tầm 30 phút. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể thực hiện đi bộ hay chạy bộ trên máy có đo tốc độ trong khoảng 20 phút (bao gồm 5-10 phút khởi động đầu tiên và 5 phút thư giãn ở cuối) và thực hiện 3-5 buổi mỗi tuần.
Đi bộ, chạy bộ giúp tăng nhịp tim, tăng cường đốt cháy mỡ thừa, hỗ trợ giảm cân cũng như góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch rất tốt, từ đó ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.
Bài tập chống đột quỵ bằng cách giãn cơ
Các bài tập giãn cơ thường liên quan đến việc kéo giãn cơ bắp của thân người, chi trên và dưới. Các bài tập này chính là bài khởi động trước khi bạn tham gia bất kì hoạt động thể chất nào.
Hãy đứng tại chỗ, kéo căng lần lượt các cơ, cố gắng giữ tư thế này trong khoảng 10-30 giây mỗi lần. Thực hiện ít nhất trong 2-3 ngày trong một tuần.
Kéo giãn cơ giúp tăng cường sự linh hoạt của cơ xương khớp, ngăn ngừa co cứng, giảm nguy cơ gặp chấn thương và tăng phạm vi chuyển động của các bộ phận liên quan.
Bài tập tăng sức bền của cơ bắp
Chúng bao gồm tập tạ, kéo lò xo/dây thun,… nhằm tăng dần khả năng chịu đựng của cơ bắp khi mang vật nặng. Với từng bài tập chống đột quỵ này, bạn nên thực hiện 2 – 3 lần trong tuần, mỗi lần 8 – 10 bài nhỏ, mỗi bài 1 – 3 hiệp và mỗi hiệp lặp lại 10 – 15 lần động tác.
Các hoạt động phối hợp
Một số các hoạt động mang tính phối hợp như tập Thái Cực Quyền, yoga, thể dục nhịp điệu, chơi bóng đá, chơi đánh cầu lông sẽ giúp làm tăng khả năng phối hợp giữa hoạt động của tay chân và mắt. Tập luyện 2-3 buổi trong tuần để cải thiện sức khỏe tổng thể, độ dẻo dai, linh hoạt, giảm nguy cơ bị ngã và nâng cao mức độ an toàn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tăng cường hoạt động thể chất để phòng ngừa đột quỵ bằng cách đi thang bộ thay vì thang máy, tham gia làm vườn hay thực hiện các công việc nhà nhẹ nhàng khác. Tưởng chừng đơn giản nhưng đây cũng là cách giúp bạn vận động nhiều hơn, cải thiện sức khỏe tổng thể một cách hiệu quả.
Thực hiện các bài tập chống đột quỵ như thế nào?
Điều quan trọng là bạn phải thực hiện các bài tập chống đột quỵ một cách đều đặn và thường xuyên. Hãy cố gắng duy trì tập luyện với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong một tuần.
Đối với người lớn tuổi, bác sĩ khuyến nghị nên hoạt động thể chất cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc đạp xe trong khoảng 2.5 tiếng một tuần. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất 1 giờ mỗi ngày.
Một số người có thể phải tránh tập thể dục trong những tuần hoặc tháng đầu tiên sau khi bị đột quỵ, nhưng bạn có thể bắt đầu tập luyện lại sau đó. Nếu từng bị đột quỵ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập chống đột quỵ và mức độ tập luyện phù hợp và an toàn.
Bác sĩ có thể khuyên nên tập thể dục vừa phải khoảng 30 phút mỗi ngày và tập luyện từ 1 đến 3 buổi trong một tuần, sau đó mới tăng dần thời gian và cường độ. Nếu bạn đang tham gia chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ, bác sĩ có thể đưa ra một chương trình tập thể dục phù hợp.
Phòng ngừa đột quỵ có thể bắt đầu ngay hôm nay. Tập luyện các bài tập chống đột quỵ chính là các đơn giản, hiệu quả nhất giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và tránh đột quỵ, bất kể là bạn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa.
[embed-health-tool-bmi]