Hầu hết mọi người đều đã từng trải qua cảm giác đau đầu ít nhất một lần trong đời. Đó là cảm giác đau từ nhẹ đến nặng bên dưới da đầu, đôi khi lan xuống cổ. Hầu hết các cơn đau đầu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, số khác lại có thể kéo dài vài giờ, thậm chí vài ngày. Các dạng đau đầu thường khá khác nhau và tùy từng dạng mà bạn sẽ có cách chữa đau đầu phù hợp.
Vậy đau đầu có những dạng nào và làm sao để chữa đau đầu hiệu quả? Sau đây là một số thông tin về các dạng đau đầu khác nhau mà bạn nên biết.
Các dạng đau đầu mà nhiều người thường mắc phải
Đau đầu thường không đe dọa đến tính mạng nhưng nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng tiềm ẩn nguy hiểm hơn, ví dụ như đột quỵ. Đau đầu được phân thành nhiều dạng khác nhau, trong đó, một số dạng thường gặp là:
Đau đầu căng cơ
Đau đầu căng cơ là dạng đau đầu phổ biến nhất và thường được gọi là đau đầu “thường nhật” vì hầu như mọi người đều đã từng trải qua những cơn đau này trước đây. Khi khởi phát, cơn đau có thể xuất hiện liên tiếp ở nhiều vị trí khác nhau trên đầu. Đôi khi, bạn cũng bị căng cứng ở sau cổ và cơ vai, sau đó lan ra phía trước. Ngoài ra, bạn còn có thể cảm nhận được những áp lực từ sau mắt và xương hàm. Đau đầu căng cơ xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ít ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn. Hầu hết những cơn đau sẽ hết sau 30 phút hoặc vài ngày.
Đau nửa đầu (Migraine) là một trong các dạng đau đầu nặng
Đau nửa đầu là một tình trạng bệnh lý thường gặp. Theo thống kê, cứ 5 phụ nữ thì có một người mắc bệnh và cứ 15 đàn ông thì có một người bị đau nửa đầu.
Đây là một trong các dạng đau đầu nặng với những cơn đau nhói ở đằng trước hay một bên đầu. Đau nửa đầu có xu hướng khởi phát ở một bên đầu và sau đó lan sang bên còn lại. Một số triệu chứng khác đi kèm bao gồm buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng hay âm thanh.
Đau đầu cụm
Đau đầu cụm là cơn đau dữ dội thường xuất hiện quanh mắt ở một bên đầu, sau đó có thể lan sang trán, thái dương và má. Nó thường diễn ra mỗi ngày, theo từng cơn và kéo dài vài tuần, vài tháng rồi giảm dần. Các cơn đau có thể thuyên giảm và biến mất tạm thời trong vài tháng hoặc vài năm rồi sẽ tái phát lại. Có khoảng 10-20% các trường hợp đau đầu cụm sẽ phát triển thành bệnh mạn tính.
Đau đầu do nội tiết tố
Đau đầu do nội tiết tố thường xuất hiện ở phụ nữ, đặc biệt là các chị em sắp hay đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh. Những yếu tố có thể kích thích cơn đau bao gồm tình trạng hậu sản hoặc thuốc ngừa thai.
Các dạng đau đầu khác
Ngoài các dạng đau đầu nêu trên, bạn còn có thể gặp phải một số dạng khác như:
- Nhức đầu mạn tính
- Đau đầu sau chấn thương
- Đau đầu do bệnh xoang
- Bệnh đau đầu dai dẳng hằng ngày thể mới
Tại sao bạn bị các dạng đau đầu “quẫy nhiễu’?
Dựa vào nguyên nhân, các cơn đau đầu có thể được chia thành đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau đầu:
Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát thường do các thụ thể đau ở đầu hoạt động quá mức. Nhóm đau đầu nguyên phát bao gồm các dạng đau đầu căng cơ, đau nửa đầu, đau đầu cụm và đau đầu do nội tiết tố. Các tình trạng bệnh lý thường không phải là nguyên nhân gây đau đầu nguyên phát và cách chữa tình trạng đau đầu này thường là hạn chế các nguyên nhân gây ra chúng.
Vài yếu tố có thể gây đau đầu nguyên phát như:
- Rượu, đặc biệt là rượu đỏ
- Một vài thức ăn nhất định như thịt đã qua chế biến có chứa nitrat
- Thay đổi giờ giấc ngủ hay thiếu ngủ
- Tư thế ngủ không tốt
- Bỏ bữa
Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát thường do những bệnh lý nghiêm trọng gây ra như:
- Xuất huyết ở vị trí giữa não và lớp màng mỏng bao bọc não (xuất huyết dưới màng nhện);
- Huyết áp cao;
- Nhiễm trùng não như viêm màng não, viêm não hay áp xe;
- U não;
- Tụ dịch trong não gây phù não (não úng thủy);
- Áp lực trong não tăng cao nhưng không phải do khối u (u não giả);
- Ngộ độc khí cacbon oxit;
- Thiếu ô-xy khi ngủ (chứng ngưng thở khi ngủ);
- Các vấn đề về mạch máu và xuất huyết trong não như dị dạng động tĩnh mạch (AVM), phình động mạch não hay đột quỵ.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
Hầu hết các cơn đau đầu có thể tự hết khi nghỉ ngơi, thư giãn nhưng những cơn đau nặng có thể là dấu hiệu của một vài vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu các cơn đau:
- Xảy ra đột ngột và rất dữ dội
- Không hết hoặc ngày càng tệ hơn
- Xảy ra sau chấn thương đầu nghiêm trọng
- Xảy ra đột ngột sau khi ho, cười, hắt hơi, thay đổi tư thế hay gắng sức
- Có một vài triệu chứng kèm theo như thân nhiệt tăng cao (sốt), cứng cổ, phát ban, đau hàm khi nhai, mắt mờ, ngứa da đầu hay một bên mắt bị đau dữ dội và đỏ.
Các cách chữa đau đầu
Các dạng đau đầu căng cơ và đau nửa đầu không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể chữa khỏi thông qua những thay đổi trong lối sống. Bạn có thể xoa dịu cơn đau bằng các phương pháp thư giãn như tập yoga, massage, tập thể dục, chườm khăn nóng lên trán và cổ.
Nếu nguyên nhân là do thoái hoá đốt sống cổ, cách chữa đau đầu phổ biến là trị liệu thần kinh cột sống kết hợp vật lý trị liệu như phương pháp kéo giãn giảm áp cột sống cổ DTS. Sử dụng kết hợp máy kéo giãn giảm áp cột sống DTS, các bác sĩ chuyên khoa sẽ nắn các khớp xương để đưa về đúng cấu trúc ban đầu, giúp giảm áp lực lên đĩa đệm nhằm phục hồi lại hoạt động của hệ thần kinh của bạn. Đây là cách chữa đau đầu do thoái hoá đốt sống cổ mà lại an toàn vì không cần đến phẫu thuật.
Một số mẹo giúp bạn phòng ngừa đau đầu
Nếu thường xuyên bị đau đầu căng cơ, bạn nên lập ra một cuốn sổ ghi lại các tần suất và thời điểm khởi phát các cơn đau để xác định đâu là yếu tố khởi phát. Từ đó, bạn có thể thay đổi khẩu phần ăn hay lối sống để giảm bớt nguy cơ tái phát các cơn đau đầu.
Bên cạnh việc áp dụng các cách chữa đau đầu, bạn cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục, ngủ nghỉ đều đặn và ăn đủ chất cũng như bảo đảm cơ thể luôn đủ nước, hạn chế uống rượu hoặc dùng các thực phẩm chứa caffeine.
Tập thể dục đều đặn và thư giãn là phương pháp quan trọng để giảm stress và căng thẳng, nguyên nhân gây ra những cơn đau ở đầu. Ngoài ra bạn cũng nên tập duy trì tư thế đi đứng, ngồi chuẩn, đảm bảo nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ nhé.
[embed-health-tool-bmi]