backup og meta

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là gì?

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là gì?

Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thiếu máu. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, hiểu rõ về cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và ngăn ngừa biến chứng kịp thời. 

Vậy cơn thiếu máu não thoáng qua là gì và làm thế nào để phát hiện triệu chứng của bệnh? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Tìm hiểu chung

Cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là một đợt rối loạn chức năng thần kinh cấp do thiếu máu não cục bộ tạm thời, khiến một phần của não không được cung cấp đủ lượng máu. Thông thường, tình trạng này chỉ kéo dài trong khoảng vài phút và không quá 24 giờ. 

Tình trạng thiếu máu não thoáng qua còn được gọi là đột quỵ nhẹ. Có thể bạn không biết, khoảng ⅓ người từng gặp tình trạng này có nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai với khoảng một nửa trường hợp sẽ bị đột quỵ chỉ một năm sau cơn thiếu máu não thoáng qua.

Triệu chứng thường gặp

Dấu hiệu và triệu chứng của một cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?

Các triệu chứng phổ biến nhất của một cơn thiếu máu não thoáng qua bao gồm:

  • Tê, yếu hoặc liệt bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, thường ở mặt, cánh tay hoặc chân
  • Bối rối, đau đầu dữ dội
  • Nhìn đôi (song thị), gặp vấn đề về thị giác ở một hoặc cả hai mắt
  • Chóng mặt, mất thăng bằng và khó đi lại
  • Gặp vấn đề trong việc nuốt và nói, nói lắp bắp hoặc nói những điều khó hiểu

triệu chứng cơn thiếu máu não thoáng qua

Khoảng 70% trường hợp, các triệu chứng biến mất trong ít hơn 10 phút và 90% trường hợp các triệu chứng biến mất trong ít hơn 4 giờ.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu não thoáng qua. Điều trị kịp thời sẽ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?

Nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua có thể do cục máu đông hình thành trong mạch máu và ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của não. Trong phần lớn trường hợp, cơ thể bạn có thể tự phá hủy các cục máu đông này để máu có thể lưu thông và tuần hoàn trở lại, nhờ đó các triệu chứng sẽ biến mất.

Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng xảy ra khi một khối máu từ nơi khác bị kẹt lại trong mạch máu não. Khối máu này thường đến từ tim hoặc động mạch cổ, bị kẹt và ngăn máu đến não, vì vậy não không thể lấy oxy từ máu.

Nguy cơ mắc bệnh

Ai có nguy cơ gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua?

nguy cơ cơn thiếu máu não thoáng qua

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua:

  • Tiền sử bệnh của gia đình: Bạn sẽ có nguy cơ gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua cao hơn nếu một trong những thành viên trong gia đình đã từng mắc phải tình trạng này.
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi bạn càng dễ mắc bệnh, đặc biệt là sau 55 tuổi.
  • Giới tính: Nam thường dễ bị thiếu máu não thoáng qua hơn nữ. Tuy nhiên, hơn một nửa số ca tử vong lại là nữ giới.
  • Từng gặp cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó: Bạn có nguy cơ tái phát cao gấp 10 lần người bình thường.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm (thiếu máu hồng cầu hình liềm): Cơn thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ là một biến chứng thường gặp của rối loạn di truyền này. Tế bào máu hình liềm mang theo ít oxy và có xu hướng dễ bị mắc kẹt trong thành động mạch hơn, gây cản trở lưu lượng máu đến não.
  • Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ tử vong cao hơn khi gặp cơn thiếu máu não thoáng qua, một phần là vì có bệnh huyết áp cao và đái tháo đường.

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố nguy cơ bạn có thể kiểm soát được như:

  • Huyết áp cao
  • Hàm lượng cholesterol cao
  • Mắc bệnh tim mạch và PAD, bệnh đái đường
  • Thừa cân
  • Nồng độ homocysteine cao

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Phương pháp dùng để chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua dựa trên tiền sử bệnh và tình hình khám sức khỏe của bạn. Bác sĩ cũng có thể tiến hành chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để tìm dấu hiệu bất thường ở não. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm kiểm tra đồ thị động mạch cổ để tìm khối chặn và đo điện tâm đồ để tìm kiếm dấu hiệu của huyết khối ở tim có thể di chuyển đến não.

Chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua

Phương pháp điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua?

Thông thường, các triệu chứng của một cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ biến mất rất nhanh nên không cần điều trị triệu chứng của tình trạng này quá nhiều. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ cần thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ tái phát một cơn thiếu máu não thoáng qua khác hoặc nguy cơ gặp phải đột quỵ. Tùy nguyên nhân dẫn đến các cơn thiếu máu não thoáng qua mà bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp, bao gồm:

Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu

Tình trạng thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi tiểu cầu tập hợp lại và hình thành cục máu đông ở mạch máu. Thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp ngăn các tiểu cầu kết dính với nhau. Điều này làm giảm khả năng hình thành cục máu đông gây chặn dòng máu đến não. Thuốc chống kết tập tiểu cầu phổ biến nhất được sử dụng là aspirin.

Thuốc chống đông máu

Sau cơn thiếu máu não thoáng qua, nếu bạn bị rung nhĩ (AFib), bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu. Thuốc chống đông máu sẽ thay đổi cấu trúc của một số protein trong cơ thể, khiến chúng khó kết hợp với tiểu cầu để tạo ra cục máu đông hơn.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt giúp ngăn ngừa cơn thiếu máu não thoáng qua

Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ:

  • Bỏ hút thuốc: Bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.
  • Hạn chế cholesterol và chất béo: Cắt giảm lượng cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể làm giảm sự tích tụ các mảng xơ vữa trong động mạch của bạn.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả: Các loại thực phẩm giàu kali, folate và chất oxy hóa có thể bảo vệ bạn chống lại nguy cơ thiếu máu não thoáng qua.
  • Hạn chế muối: Nếu bạn bị cao huyết áp, tránh ăn mặn và không nên thêm muối vào thức ăn để giúp kiểm soát huyết áp. 
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có thể giúp củng cố sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe não bộ nói riêng.
  • Hạn chế thức uống có cồn: Rượu bia có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị lượng rượu bia tiêu thụ mỗi ngày không quá 1 ly ở nữ giới và 2 ly ở nam giới.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ góp phần hình thành cục máu đông và gây ra nhiều bệnh lý khác như cao huyết áp, bệnh tim mạch và đái tháo đường. Vì vậy, việc duy trì cân nặng hợp lý sẽ góp phần ngăn ngừa các cơn thiếu máu não thoáng qua cũng như đột quỵ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Transient ischaemic attack (TIA) https://www.nhs.uk/conditions/transient-ischaemic-attack-tia/ Ngày truy cập: 04/04/2021

Transient ischemic attack (TIA) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/transient-ischemic-attack/symptoms-causes/syc-20355679 Ngày truy cập: 04/04/2021

TIA Treatment and Prevention: What to Know https://www.webmd.com/stroke/tia-treatment-prevention#1 Ngày truy cập: 04/04/2021

Transient Ischemic Attack https://medlineplus.gov/transientischemicattack.html# Ngày truy cập: 04/04/2021

Transient Ischemic Attack Definition, Diagnosis, and Risk Stratification https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3109304/ Ngày truy cập: 04/04/2021

Transient Ischemic Attack https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459143/ Ngày truy cập: 04/04/2021

Diagnosis and Management of Transient Ischemic Attack https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5898963/ Ngày truy cập: 04/04/2021

12 Benefits of Ginkgo Biloba (Plus Side Effects & Dosage) https://www.healthline.com/nutrition/ginkgo-biloba-benefits Ngày truy cập: 04/04/2021

Ginkgo https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements-ginkgo/art-20362032 Ngày truy cập: 04/04/2021

Phiên bản hiện tại

16/11/2022

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Thảo Nguyễn


Bài viết liên quan

Tìm hiểu mọi thông tin về bệnh thiếu máu não

Những cách điều trị thiếu máu não hiện nay


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 16/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo