backup og meta

10 câu hỏi người bệnh thường quan tâm khi bị bệnh gút

10 câu hỏi người bệnh thường quan tâm khi bị bệnh gút

Để điều trị bệnh gút hiệu quả, bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn nên thay đổi lối sống theo hướng tích cực. Hơn nữa, trong quá trình thăm khám, nếu có thể đặt ra những câu hỏi đúng trọng tâm với bác sĩ, bạn sẽ dễ tìm ra được phương pháp điều trị thích hợp cho bản thân. 

Gút là một căn bệnh có thể xuất hiện mà không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào. Dưới đây là 10 câu hỏi mà nhiều người bị gút thường quan tâm. Việc hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn.

Vì sao tôi lại bị bệnh gút?

Nguyên nhân dẫn đến gút là do các tinh thể axit uric lắng đọng trong khớp, gây viêm, nóng, đỏ và đau xung quanh khớp. Sự xuất hiện của chất này là do quá trình phá hủy của các tế bào cũ hoặc người bệnh gặp phải những tổn thương nhất định. Ngoài ra, axit uric còn được sinh ra từ sự phân hủy của purin, một chất có mặt trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như thịt đỏ, hải sản.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Di truyền (bố mẹ bị gút thì con cái có 20% khả năng phát triển bệnh)
  • Giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ)
  • Tuổi tác
  • Sự tăng cân quá mức, không có chế độ sinh hoạt lành mạnh (tiêu thụ nhiều rượu, bia)
  • Một số vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, nồng độ hormone tuyến giáp thấp bất thường (suy giáp)
  • Hơn nữa, một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu cũng có thể gây ra bệnh gút do làm gia tăng nồng độ axit uric máu

Nhiều yếu tố nguy cơ khi kết hợp với nhau sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không phù hợp cũng góp phần làm bệnh chuyển biến xấu đi.

Những tình trạng sức khỏe nào có thể liên quan đến bệnh gút?

Mức axit uric cao có thể liên quan đến cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu cao và béo phì. Vì vậy, nếu điều trị những tình trạng sức khỏe này, bạn có thể cải thiện được bệnh gút.

Một đợt gút kéo dài trong bao lâu và bệnh có thường xuất hiện không?

Cơn gút cấp tính

Một đợt gút cấp tính có thể kéo dài từ 3–10 ngày trong trường hợp có hoặc không sử dụng thuốc. Một số người chỉ mắc bệnh gút một lần duy nhất trong đời. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp điều trị hoặc có những thay đổi tích cực trong chế độ ăn và   yếu tố nguy cơ (ngoại trừ những yếu tố không thể thay đổi như di truyền), bạn có thể bị gút vài lần trong năm.

Cơn gút cấp thường có đặc trưng là sự khởi phát nhanh cơn đau ở khớp bị viêm và sau đó là nóng, sưng đỏ và đau dữ dội. Khớp bàn ngón ở ngón chân cái là nơi dễ chịu tổn thương nhất. Ngoài ra, các khớp khác cũng có thể bị ảnh hưởng như mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay và khuỷu tay. Ở một số người, những cơn đau này có thể dữ dội đến nỗi việc chạm ngón chân lên tấm trải giường cũng có thể gây đau nhức nghiêm trọng.

Thực tế, những cơn đau như vậy thường giảm dần sau vài giờ hoặc vài ngày dù có điều trị bằng thuốc hay không. Đôi khi, nó cũng có thể kéo dài hàng tuần liền gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt người bệnh.

Những loại thuốc nào được sử dụng để điều trị bệnh gút?

Đối với đợt gút cấp tính, các loại thuốc đơn giản chỉ giúp giảm đau và viêm khớp. Những loại thuốc này không ảnh hưởng đến mức axit uric trong cơ thể. Những loại thuốc thường được dùng để điều trị gút bao gồm nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), corticosteroid dùng để uống và colchicine. Thuốc được bác sĩ chỉ định sẽ tùy thuộc vào loại mà cơ thể bạn dung nạp tốt nhất. Nếu bạn bị gút ở một khớp, bác sĩ sẽ tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp để giảm viêm và đau.

Sau khi đợt gút thuyên giảm, nhiều người sẽ cần phải điều trị liên tục để duy trì nồng độ axit uric ở mức bình thường nhằm ngăn ngừa các đợt tái phát tiếp theo.

Một số trường hợp bạn cũng sẽ được bác sĩ kê toa cho các loại thuốc giảm nồng độ axít uric trong máu và ngăn ngừa sự lắng đọng axít uric trong khớp, thận và các mô như allopurinol, febuxostat, lesinurad và probenicid.

Vì sao tôi vẫn nên tiếp tục dùng thuốc khi tình trạng bệnh tốt hơn?

Giữa các đợt tấn công, bạn có thể bị viêm nhẹ và các tinh thể lắng đọng trở nên cứng và dần gia tăng kích thước, dẫn đến tổn thương khớp. Các loại thuốc sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng này. Điều quan trọng bạn cần lưu ý rằng gút là căn bệnh về axit uric, vì vậy phải luôn duy trì mức axit uric trong cơ thể thấp bằng cách dùng thuốc mỗi ngày.

Tôi có thể gặp các tác dụng phụ nào khi dùng thuốc trị gút?

Những loại thuốc trị gút và kiểm soát mức axit uric có thể gây ra các tác dụng phụ. Các thuốc làm thay đổi mức axit uric đột ngột có thể gây ra bệnh gút (hoặc làm cho tình trạng bệnh nặng hơn). Vì vậy, những phương pháp giúp giảm mức axit uric sẽ được hoãn lại cho đến khi đợt cấp của bệnh gút thuyên giảm.

Các thuốc kháng viêm không steroid có thể gây kích ứng dạ dày. Dùng corticosteroid trong thời gian ngắn có thể gây mất ngủ, kích ứng dạ dày và khó kiểm soát đường huyết ở người bị tiểu đường. Việc sử dụng colchicine cho các đợt gút cấp tính sẽ gây ra các phản ứng phụ ở đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy. Nếu bạn thấy bất cứ dấu hiệu nào trong quá trình dùng thuốc, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Những loại thuốc trị gút có thể tương tác với những thuốc nào?

Theo các chuyên gia, việc dùng allopurinol (chất giúp làm giảm mức axit uric) cùng với một số loại thuốc khác rất nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần nói với bác sĩ về tất cả loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng.

Một số thuốc lợi tiểu có thể làm cho bệnh gút nghiêm trọng hơn. Lúc này, bác sĩ sẽ đổi một loại thuốc khác cho bạn.

Một số loại thuốc dùng sau khi ghép tạng hoặc điều trị ung thư có thể gây phản ứng bất lợi với liệu pháp điều trị gút. Aspirin liều thấp có thể dẫn đến mức axit uric cao. Tuy nhiên, aspirin liều cao có thể làm giảm nồng độ axit uric. Bạn không nên dùng thuốc nếu không có sự chấp thuận của bác sĩ vì các phản ứng phụ có thể xảy ra.

Tôi nên thay đổi chế độ ăn uống như thế nào?

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh gút

Hầu hết các axit uric được sinh ra trong cơ thể (do chính cơ thể chúng ta). Điều này có nghĩa là một trong những nguyên nhân gây ra gút là thừa cân. Do đó, việc giảm cân sẽ làm giảm mức axit uric trong cơ thể.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa purin cao (chất phân hủy thành axit uric trong cơ thể) sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải một đợt gút cấp tính. Những loại thực phẩm bạn nên tránh bao gồm: thịt xông khói, thịt cừu và hải sản như cá tuyết, cá hồi, cá trích và sò điệp.

Những người sử dụng các sản phẩm sữa ít béo ở mức hợp lý sẽ ít bị gút tấn công hơn. Việc uống cà phê, gồm loại có caffeine và không caffeine, cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị gút.

Mặc dù có nhiều loại thực phẩm chức năng cam kết chữa khỏi gút, nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh cho thông tin này.

Tôi cần phải ngừng uống rượu khi đang bị gút?

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh gút và rượu, đặc biệt là bia: rượu bia làm tăng lượng purin và sẽ làm mức axit uric trong cơ thể càng cao. Tuy nhiên, việc cai rượu ngay lập tức đối với một số người sẽ rất khó khăn, vì vậy bạn có thể giảm lượng rượu từ từ cho đến khi cai hẳn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gout management

https://www.everydayhealth.com/gout/gout-management.aspx

Ngày truy cập 06/02/2018

 

Phiên bản hiện tại

23/04/2024

Tác giả: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Làm thế nào để điều trị thoái hoá khớp gối an toàn, hiệu quả?

Hãy cẩn thận! Cơn đau khớp của bạn có thể là viêm cột sống dính khớp


Tác giả:

Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


Ngày cập nhật: 23/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo